Làm gì khi đầy bụng khó tiêu kéo dài?

Nhiều người ăn hay bị đầy bụng khó tiêu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đây là bệnh lý lành tính, không nguy hiểm nhưng cũng có thể là triệu chứng gợi ý một số bệnh lý tiêu hóa. Vậy người ăn hay bị đầy bụng khó tiêu uống gì cho nhanh khỏi?

1. Đầy bụng khó tiêu là gì?

Đầy bụng khó tiêu là một vấn đề bất thường tại đường tiêu hóa, có thể lành tính do thói quen ăn uống không khoa học hoặc là dấu hiệu của một số bệnh lý tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng... Những người sau ăn hay bị đầy bụng khó tiêu có thể đơn thuần hoặc kèm theo một số triệu chứng khác như đau bụng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn ói, cảm giác khó chịu trong bụng.

Khi gặp tình trạng này, người bệnh trước tiên cần xác định được nguyên nhân và từ đó lựa chọn biện pháp điều trị thích hợp.

2. Nguyên nhân gây bệnh đầy bụng khó tiêu

Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, trong đó hay gặp bao gồm các vấn đề sau:

  • Chế độ ăn bổ sung quá nhiều chất đạm, đường, bột và dầu mỡ, dẫn đến quá khả năng tiêu hóa và ứ đọng lại trong đường tiêu hóa. Ngoài ra, đầy bụng khó tiêu còn hay gặp ở những người có sở thích ăn thức ăn cay nóng, sử dụng nhiều bia rượu, cà phê hoặc chất kích thích hay có thói quen ăn gấp, ăn nhanh, không nhai kỹ hoặc nằm ngay sau ăn... Tất cả vấn đề trên đều dẫn đến quá tải đường tiêu hóa, khiến các cơ quan không xử lý hết thức ăn;
  • Rối loạn tiêu hóa, cổ trướng, táo bón, dị ứng thực phẩm;
  • Sự phát triển quá mức của hệ vi khuẩn ở đường ruột;
  • Một số bệnh lý đường tiêu hóa như viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày, nhiễm trùng đường ruột, tắc ruột, ung thư đại tràng...;
  • Sử dụng thuốc kháng sinh không theo chỉ định khiến hệ khuẩn có lợi suy giảm còn các vi khuẩn có hại lại phát triển quá mức và gây đầy bụng khó tiêu;

Những người ăn hay bị đầy bụng khó tiêu cần phải loại trừ nguyên nhân do các bệnh lý thực thể, trong đó cần đặc biệt chú ý với những trường hợp trên 45 tuổi vì nguy cơ ung thư dạ dày. Những trường hợp mắc bệnh đầy bụng khó tiêu liên quan đến viêm, loét hoặc trào ngược dạ dày thực quản, ung thư dạ dày... cần được chẩn đoán, theo dõi và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.

đầy bụng khó tiêu
Đầy bụng khó tiêu là một vấn đề bất thường tại đường tiêu hóa

3. Người ăn hay bị đầy bụng khó tiêu cần làm gì?

Nhiều người bệnh thắc mắc bị đầy bụng khó tiêu uống gì. Nếu xác định do các bệnh lý thực thể tại đường tiêu hóa thì người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Đồng thời, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp sau đây để ngăn chặn và cải thiện chức năng hệ tiêu hóa:

3.1. Chế độ ăn bổ sung nhiều chất xơ

Chất xơ được xem là chất đóng vai trò chủ chốt cho khả năng hoạt động trơn tru của hệ tiêu hóa, đồng thời mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của chất xơ cũng rất cao. Thay vì sử dụng các loại thực phẩm được ưa chuộng trong cuộc sống hiện đại, hối hả như đồ hộp, thức ăn nhanh, thịt đỏ và các món ăn nhiều dầu mỡ và dễ gây nên bệnh đầy bụng khó tiêu, chúng ta hãy cố gắng xây dựng nên các bữa ăn giàu chất xơ mỗi ngày. Điều này hỗ trợ rất tốt cho khả năng tiêu hóa, hạn chế tình trạng đầy bụng khó tiêu và mang lại một số tác dụng khác như ngăn ngừa đái tháo đường, bệnh tim mạch, trĩ, ung thư trực tràng...

Nhu cầu chất xơ mỗi ngày cho một người bình thường là khoảng 20-30 gram. Nguồn cung cấp chất xơ chủ yếu và rất dễ dàng tìm thấy chính là các loại rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt... Tuy nhiên, một số loại rau xanh lại có thể gây đầy bụng khó tiêu và nên hạn chế như đậu đũa, bắp cải, súp lơ. Đồng thời, người ăn hay bị đầy bụng khó tiêu nên chú ý bổ sung nhiều nước vì nước hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, hòa tan các chất khoáng, vitamin và phòng ngừa táo bón.

3.2. Thói quen ăn chậm, nhai kỹ và ăn vừa đủ no

Ăn chậm, nhai kỹ là một thói quen tốt, có tác dụng giảm tải cho cơ quan tiêu hóa nhưng thường bị chúng ta bỏ qua. Động tác nhai kỹ vừa giúp thức ăn được nghiền nát vừa tạo tín hiệu cho tuyến nước bọt, dạ dày và đường ruột bài tiết dịch tiêu hóa.

Ngoài ra, người ăn hay bị đầy bụng khó tiêu nên chú ý không nên ăn quá no. Cơ thể mỗi người sẽ có khả năng bài tiết một lượng dịch tiêu hóa nhất định, do đó mỗi khi ăn quá no sẽ kích thích dạ dày tăng tiết thêm axit để hỗ trợ tiêu hóa và vô tình gây ra hiện tượng đầy bụng khó tiêu, ợ chua, ợ nóng.

đầy bụng khó tiêu
Người bị đầy bụng khó tiêu nên tập thể dục và hạn chế căng thẳng

3.3. Thay đổi lối sống, tập thể dục và hạn chế căng thẳng

Xây dựng một lối sống lành mạnh, có chế độ tập thể dục đều đặn mỗi ngày có thể tăng cường sức khỏe tổng thể và đồng thời cải thiện khả năng hoạt động của hệ tiêu hóa. Một số nghiên cứu khoa học đáng tin cậy đã chứng minh việc vận động nhiều giúp tăng cường chức năng tiêu hóa rõ rệt. Tương tự, các nhà khoa học còn tìm ra mối liên quan giữa những người lười vận động và các bệnh lý như béo phì, đau dạ dày và tiêu chảy.

Ngoài ra, tinh thần căng thẳng, stress quá mức là một yếu tố khác có thể tác động không tốt đến chức năng cơ quan tiêu hóa. Tình trạng này được giải thích như sau: Căng thẳng làm giảm lượng máu lưu thông đến các cơ quan trong bụng, qua đó gián tiếp giảm khả năng bài tiết dịch tiêu hóa, quá trình tiêu hóa bị trì trệ và hệ cuối cùng biểu hiện bằng dấu hiệu đầy bụng khó tiêu.

3.4. Không nên lạm dụng các thuốc kháng axit

Lượng Axit dạ dày tiết ra mang lại tác dụng hỗ trợ tiêu hóa thức ăn nhưng rất nhiều trường hợp bài tiết axit dư thừa gây chứng trào ngược dạ dày thực quản khó chịu. Do đó, nhiều người bệnh thường tìm đến các sản phẩm antacid để trung hòa lượng axit dư thừa và giải quyết các triệu chứng khó chịu một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, việc lạm dụng các thuốc antacid sẽ tác động không tốt, khiến môi trường ở dạ dày không đủ độ axit và gây nên bệnh đầy bụng khó tiêu.

3.5. Bổ sung men tiêu hóa

Men tiêu hóa chiết xuất từ thảo dược là sản phẩm có thể cải thiện chức năng tiêu hóa và tăng cường hấp thụ các chất dinh dưỡng. Những người ăn hay bị đầy bụng khó tiêu do thiếu men tiêu hóa do các nguyên nhân khác nhau (hay gặp do chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý) có thể bổ sung men tiêu hóa để cải thiện triệu chứng. Đối với các trường hợp khỏe mạnh, bổ sung men tiêu hóa cũng có thể mang lại một số tác dụng trong việc hỗ trợ tăng cường chức năng tiêu hóa của cơ thể.

Tuy nhiên, men tiêu hóa chỉ là giải pháp trong một số tình huống và không thể hoàn toàn chữa hết bệnh đầy bụng khó tiêu, đặc biệt khi tình trạng này liên quan một số bệnh nguy hiểm như bệnh Crohn. Do đó, biện pháp tốt và an toàn nhất vẫn là gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và tìm ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

4. Đầy bụng khó tiêu uống gì theo dân gian

Nếu đã loại trừ các bệnh lý nguy hiểm có thể gây đầy bụng khó tiêu, người bệnh hoàn toàn có thể áp dụng một số mẹo vặt dân gian dưới đây để cảm thấy dễ chịu hơn.

4.1. Củ tỏi

Tỏi vừa là một loại gia vị phổ biến vừa là một bài thuốc chữa bệnh đầy bụng khó tiêu hiệu quả. Người bệnh có thể áp dụng theo các cách sau đây:

  • Cách 1: Chuẩn bị khoảng 30g củ tỏi đã bóc vỏ, đem đi giã nát và trộn đều với 5g đường phèn hoặc đường kính. Sau đó đem đi hòa chung với 60ml nước ấm (khoảng 40 – 50 độ) và chia thành 2 lần uống trong ngày;
  • Cách 2: Người bệnh đem 1 củ tỏi đi nướng rồi bọc trong một miếng gạc mỏng, sau đó đặt lên rốn sẽ có tác dụng hỗ trợ trung tiện, tống hơi ứ trệ ra ngoài và cải thiện tình trạng đầy bụng khó tiêu.

4.2. Quế

Quế được xem là một vị thuốc hiệu quả trong vấn đề chữa chứng đầy bụng, ăn uống khó tiêu. Người bệnh có thể áp dụng 1 trong 2 cách sau đây với nguyên liệu quế:

  • Cách 1: Đun sôi khoảng 250ml nước sạch, sau đó thêm vào 1⁄2 thìa cà phê bột quế rồi hòa tan hoàn toàn. Người bệnh gạn lấy nước uống sau mỗi bữa ăn;
  • Cách 2: Sử dụng 1⁄2 thìa cà phê bột quế vào trong một ly sữa ấm, uống mỗi khi bị đầy bụng khó tiêu.
đầy bụng khó tiêu
Gừng là vị thuốc hỗ trợ chữa trị hiệu quả nhiều loại bệnh, trong đó bao gồm bệnh đầy bụng khó tiêu

4.3. Gừng

Gừng là vị thuốc hỗ trợ chữa trị hiệu quả nhiều loại bệnh, trong đó bao gồm bệnh đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa. Người bệnh có thể sử dụng gừng theo những cách như sau:

  • Cách 1: Uống từng ngụm nước ấm có vài lát gừng;
  • Cách 2: Uống trà gừng nóng ngay sau khi ăn bữa chính;
  • Cách 3: Gừng tươi đã rửa sạch, đem đi đập nát và cho vào một cốc nước nóng ngâm khoảng 30 phút. Sau đó cho thêm 1 thìa mật ong khuấy đều, uống 2 – 3 lần mỗi ngày sau bữa ăn.

4.4. Trà hoa cúc

Thành phần trong hoa cúc bao gồm các hoạt chất kháng viêm tự nhiên, có tác dụng làm dịu niêm mạc và giảm khí trong đường tiêu hóa.

Người bị bệnh đầy bụng khó tiêu chỉ cần sử dụng một ít hoa cúc tươi hoặc khô cho vào ấm pha trà, sau đó cho nước sôi vào. Đậy nắp kín 15 phút sẽ có ngay một ly trà thơm ngon và hỗ trợ cải thiện triệu chứng tiêu hóa rất hiệu quả.

4.5. Rượu táo mèo

Rượu táo mèo có thể hỗ trợ kiểm soát mỡ máu, kháng khuẩn, trị chứng kiết lỵ và ức chế vi khuẩn E.Coli. Ngoài ra, rượu táo mèo còn có thể giảm đáng kể dấu hiệu đầy bụng khó tiêu.

Cách sử dụng như sau: Người bệnh uống trong bữa ăn từ 1 – 2 chén rượu táo mèo đã ngâm trong 1 – 2 tháng. Áp dụng phương pháp khoảng 1 – 2 ngày sẽ nhanh chóng cảm thấy cải thiện rõ rệt.

4.6. Lá ổi

Lá ổi có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh đầy bụng khó tiêu khá hiệu quả vì thành phần có chứa tanin, một chất làm se niêm mạc đường ruột, giảm dịch nhầy trong dạ dày. Bên cạnh đó, vị chát của lá ổi còn có thể kháng lại các loại vi khuẩn sinh hơi trong đường tiêu hóa.

Cách thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị 7 – 10 lá ổi non, rửa sạch và ngâm nước muối loãng sau đó xay nhuyễn với 1 ly nước;
  • Lọc lấy phần nước và chia 2 lần uống mỗi ngày. Để dễ uống hơn người bệnh có thể pha thêm chút mật ong.

4.7. Cháo tía tô

Những người ăn hay bị đầy bụng khó tiêu có thể sử dụng một nắm gạo cho vào khoảng 2 lít nước và nấu thành cháo. Khi thấy nước cạn sền sệt thì thêm tía tô và nêm nếm trước khi ăn. Ăn cháo tía tô khi còn nóng vào mỗi buổi sáng sẽ nhanh chóng cải thiện tình trạng đầy bụng, ăn khó tiêu.

4.8. Bạc hà

Bạc hà là loại thảo dược có thể hỗ trợ quá trình tiêu hóa, kích thích đánh tan khí hơi trong đường ruột. Người bệnh có thể sử dụng lá bạc hà chữa đầy bụng khó tiêu theo cách sau đây:

  • Cách 1: Nhai trực tiếp lá bạc hà hoặc có thể giã nát rồi lấy nước uống;
  • Sử dụng trà bạc hà: Đun nước sôi và cho 2 thìa ăn canh lá bạc hà vào, ngâm trong 5 phút và uống hàng ngày.

4.9. Cần tây

Cần tây là một vị thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đường ruột, thanh lọc cơ thể và giải độc đường tiêu hóa rất hiệu quả. Người bệnh ăn hay bị đầy bụng khó tiêu có thể nấu canh hoặc xào rau cần tây để cải thiện sức khỏe

4.10. Quả chanh

Mỗi ngày sử dụng một ly nước chanh ấm vào buổi sáng là một thói quen tốt, mang lại tác dụng hỗ trợ tiêu hóa thức ăn trong ngày.

4.11. Đu đủ

Đu đủ có chứa enzym papain màu trắng sữa, có tác dụng hỗ trợ quá trình tiêu hoá hoạt động trơn tru hơn, đồng thời tăng cường đào thải khí hơi ứ đọng trong đường ruột.

Người ăn hay bị đầy bụng khó tiêu có thể dùng đu đủ chín hoặc nấu canh... và dĩ nhiên vừa bổ dưỡng và ngon miệng vừa hỗ trợ cải thiện chức năng tiêu hóa.

4.12. Hạt tiêu

Hạt tiêu không chỉ là một loại gia vị nêm nếm cho các món ăn mà còn là một vị thuốc điều trị đầy bụng khó tiêu nhanh và hiệu quả.

Người bệnh có thể áp dụng cách như sau: Pha hỗn hợp 1⁄2 bột tiêu khô cùng đường và sữa chua. Khuấy đều hỗn hợp và uống ngay để thấy được hiệu quả bất ngờ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan