Rửa ruột, tháo thụt trước phẫu thuật

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Lê Thanh Tuấn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong khám, điều trị, phẫu thuật các bệnh lý ổ bụng.

Trước khi tiến hành phẫu thuật, người bệnh chuẩn bị cả tinh thân và thể chất, không chỉ cần có tâm lý thoải mái mà còn cần phải tắm rửa sạch sẽ, rửa ruột trước mổ và thụt tháo để quá trình phẫu thuật được thuận lợi, tránh gây ra nhiễm trùng cho người bệnh.

1. Chuẩn bị gì trước mổ phẫu thuật?

Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân cần được giải thích mục đích mổ, khả năng thành công và biết được nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật có thể xảy ra đối với mình. Có thể người nhà bệnh nhân cũng cần được biết về tình trạng của người bệnh.

Ngoài ra, bệnh nhân cần thực hiện một số thủ thuật phẫu thuật trước mổ để tránh nguy cơ nhiễm trùng bao gồm:

  • Vệ sinh thân thể bằng chất sát trùng: Bệnh nhân phải tắm trước ngày trước mổ và sáng hôm mổ. Cắt móng tay, loại bỏ sơn móng tay, và tháo đồ trang sức...
  • Cạo lông: Trong trường hợp phẫu thuật ở những vùng có nhiều lông như nách, bộ phận sinh dục. Thời gian cạo từ lúc cạo đến lúc mổ càng ngắn càng tốt. Việc không cạo lông không làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Thụt tháo, rửa ruột: Ruột cần được làm sạch từ tối hôm trước mổ, đặc biệt trong phẫu thuật đại tràng. Nguyên tắc với phẫu thuật đại tràng là phải đảm bảo đại tràng sạch phân, nên người bệnh sẽ được thực hiện thụt tháo theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
  • Ăn uống: Bệnh nhân phải hoàn toàn nhịn ăn tối thiểu 8 tiếng và ngừng uống nước tối thiểu 4 giờ đông hồ. Buổi chiều trước phẫu thuật, người bệnh có thể ăn nhẹ, đồ loãng rồi sau đó nhịn hoàn toàn.
  • Tinh thần: Người bệnh cần có người thân bên cạnh để động viên, tránh lo âu, căng thẳng. Nên đi ngủ sớm, có thể sử dụng thuốc an thần trước đêm mổ nếu người bệnh khó ngủ.
Xét nghiệm nhóm máu có cần nhịn ăn không?
Bệnh nhân phải hoàn toàn nhịn ăn tối thiểu 8 tiếng trước phẫu thuật

2. Quy trình thụt tháo đại tràng

2.1 Thụt tháo là gì?

Thụt tháo là quy trình đưa nước vào trực tràng và kết tràng nhằm làm mềm lỏng những cục phân cứng và làm ruột nở rộng. Khi đó thành ruột được kích thích sẽ co lại và đẩy phân và hơi ra ngoài. Mục đích của việc thụt tháo là làm sạch đại tràng, tháo phân và điều trị nuôi dưỡng bệnh nhân.

Chỉ định thụt tháo đại tràng trong trường hợp:

  • Bệnh nhân táo bón
  • Trước phẫu thuật đường tiêu hóa
  • Trước thụt chất cản quang vào ruột để chụp X-quang khung đại tràng
  • Trước thụt giữ để thuốc hấp thu qua đại tràng
  • Trước khi đẻ
  • Trước khi nội soi trực tràng, để quan sát và phát hiện những tổn thương đại tràng.

Chống chỉ định trong những trường hợp:

  • Bệnh thương hàn có nguy cơ thủng ruột
  • Viêm ruột
  • Tắc ruột, xoắn ruột
  • Tổn thương hậu môn, trực tràng
Mổ tắc ruột
Bệnh nhân bị tắc ruột sẽ không được chỉ định thụt tháo

2.2. Quy trình thụt tháo đại tràng

Bước 1: Thụt tháo là biện pháp làm sạch đại tràng an toàn. Trước khi thực hiện thụt tháo rửa ruột già, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn và giải thích cho bệnh nhân cảm giác khi thụt tháo. Dặn dò bệnh nhân cố gắng đại tiện, khoảng 15 phút sau thụt tháo.

Bước 2: Nhân viên y tế rửa tay trước khi chuẩn bị dụng cụ, đeo găng tay.

Bước 3: Tiến hành đưa dụng cụ tới nơi làm kỹ thuật, đồng thời động viên bệnh nhân cố chịu đựng khi cảm giác nước chảy vào. Đặt bệnh nhân nằm nghiêng bên trái, bệnh nhân liệt nằm ngửa và kê gối và lót nilon vào mông, phủ vải đắp vùng mông bệnh nhân. Lắp canul vào ống cao su, lắp ống cao su nối với bốc rồi đổ nước vào bốc. Treo bốc lên cột cách mặt giường 50 - 80cm. Không treo cao quá nước chảy vào với áp lực mạnh làm kích thích nhu động ruột mạnh đẩy nước ra, không vào sâu trong ruột, ảnh hưởng tới kết quả thụt và làm bệnh nhân khó chịu.

Bước 4: Kiểm tra lại nước và thử vòi thụt, bôi dầu trơn vào đầu canul hoặc ống thông. Bỏ vải đắp, một tay vạch mông bệnh nhân một tay cầm vòi đưa nhẹ canul hoặc ống thông vào hậu môn chừng 2 - 3cm, đưa ngược lên trên chếch về phía trước bụng, rồi đưa vòi ra phía sau, đưa vào khoảng 1/2 hoặc 2/3 vòi thụt, đưa nhẹ nhàng tránh gây tổn thương niêm mạc hậu môn, trực tràng. Khi đưa vòi thụt nhắc bệnh nhân há miệng, thở đều. Mở khóa cho nước chảy từ từ, một tay giữ vòi thụt hoặc ống thông để không bị bật ra ngoài.

Bước 5: Kiểm tra nước vào đại tràng bằng cách quan sát mức nước trong bốc hoặc hỏi bệnh nhân có cảm thấy nước chảy vào ruột không. Nếu mức nước vẫn giữ nguyên có thể treo cao bốc lên hoặc rút vòi thụt ra một chút nước sẽ chảy. Trong khi thụt nếu bệnh nhân kêu đau bụng, khó chịu, mót rặn muốn đi ngoài thì khóa vòi thụt lại để bệnh nhân nghỉ. Tiếp tục thụt tháp với áp lực thấp hơn khi các dấu hiệu trên hết. Khi nước trong bốc gần hết, khóa vòi thụt lại, nhẹ nhàng rút ra, dùng giấy bọc lấy vòi thụt, bỏ vào khay quả đậu hoặc lau sạch rồi bỏ vào bình có chứa dung dịch sát khuẩn.

Bước 6: Treo ống cao su lên cột. Đặt bệnh nhân nằm ngửa, dặn bệnh nhân cố gắng nhịn đại tiện 15 phút và đặt bô hoặc giúp bệnh nhân đi vệ sinh. Khi bệnh nhân đại tiện xong giúp bệnh nhân lau chùi sạch sẽ. Nếu bệnh nhân tự làm được, đưa giấy cho bệnh nhân lau chùi. Nếu vải trải ướt, thay vải trải cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân nằm lại tư thế thoải mái.

Sau khi thụt tháo đại tràng, dụng cụ bẩn sẽ được đem đi khử khuẩn theo quy định. Cần để các dụng cụ sạch vào chỗ quy định.

Tóm lại, để cuộc phẫu thuật thành công, bệnh nhân cần phải chuẩn bị tinh thần thoải mái, tránh lo âu căng thẳng và thân thể sạch sẽ. Người bệnh cần được tắm rửa sạch sẽ và thụt tháo, rửa ruột già trước khi tiến hành phẫu thuật, nhằm tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan