Tại sao trào ngược dạ dày gây khó thở?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng và ThS.BS Vũ Tấn Phúc - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Trào ngược dạ dày gây khó thở không chỉ mang đến cảm giác khó chịu trong cuộc sống sinh hoạt, mà nó còn là dấu hiệu cảnh báo tình trạng của bệnh đang có nguy cơ chuyển biến xấu.

1. Trào ngược dạ dày là gì?

Trào ngược dạ dày (GERD) hay còn được gọi là trào ngược axit dạ dày, là hiện tượng dịch vị dạ dày, pepsin hoặc thức ăn trào ngược lên thực quản. Bệnh lý này phát sinh khi dạ dày tăng tiết axit, khiến cho lượng axit trong dịch vị bị thừa, dẫn đến xu hướng trào ngược lên thực quản.

Nguyên nhân chính gây ra chứng bệnh này là do suy cơ thắt dưới thực quản, thoát vị cơ hoành, tăng áp lực ở ổ bụng hoặc ứ đọng thức ăn tại dạ dày.

Ngoài ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày là: béo phì, mang thai, hút thuốc, hen suyễn, ăn uống sai cách, tiểu đường, dùng nhiều đồ uống có cồn.

2. Bệnh trào ngược dạ dày có những triệu chứng gì?

Các triệu chứng trào ngược dạ dày thường gặp nhất bao gồm:

  • Ợ chua, ợ nóng: Ợ hơi là dấu hiệu sớm của bệnh trào ngược dạ dày. Ợ chua thường đi kèm với ợ nóng, ợ hơi, để lại cảm giác chua trong miệng;
  • Đau tức vùng thượng vị: Cảm giác đau thắt vùng thượng vị, đè ép xảy ra là do axit trào ngược lên tác động đến các mút thần kinh;
  • Tiết nước bọt quá nhiều;
  • Miệng bị đắng: trào ngược dạ dày thường đi kèm với hiện tượng dịch mật tiết ra nhiều, khiến miệng bị đắng;
  • Hen suyễn, khó nuốt, ho, khan tiếng.
Đau thượng vị dạ dày
Đau tức vùng thượng vị là triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày

3. Trào ngược dạ dày có gây khó thở không?

Thông thường, khi bị khó thở, nguyên nhân được nghĩ đến đầu tiên là do vấn đề hô hấp nhưng đây cũng chính là triệu chứng phổ biến ở những bệnh nhân mắc bệnh trào ngược dạ dày. Hay nói đúng hơn, khó thở là một trong những triệu chứng nghiêm trọng của trào ngược dạ dày. Hơn 45% bệnh nhân khi mắc bệnh trào ngược dạ dày thì sẽ cảm thấy khó thở.

Theo các nghiên cứu gần đây nhất, hiện tượng khó thở khi bị trào ngược dạ dày là do lượng axit trong dạ dày dư thừa, tác động đến ống dẫn thở. Thông thường, khi bị thừa axit thì cơ thể sẽ tự điều chỉnh để sản sinh ra lượng bazo để trung hòa lại. Nhưng ở bệnh nhân bị mắc bệnh, lượng axit sản sinh ra quá nhiều, khiến cho bazo không đủ để trung hòa, dẫn đến dư thừa. Lượng axit này làm cho thực quản bị giãn ra, đóng không chặt, từ đó dẫn đến các tình trạng khó thở.

Các cơ chế dẫn đến khó thở bao gồm:

  • Lượng acid trong dịch vị dạ dày bị thừa trào lên thực quản khiến niêm mạc thực quản bị kích thích. Tại đây xuất hiện tình trạng thành áp lực chèn ép lên khí quản. Lúc này, bệnh nhân sẽ bắt đầu thấy khó thở;
  • Khi thức ăn bị kéo lên vòm họng, đường thông khí đồng thời cũng bị tắc, gây ra cảm giác khó thở, tức ngực;
  • Lượng axit khi bị trào ngược lên thực quản không chỉ gây tắc, mà còn làm xảy ra triệu chứng viêm. Khi đó, hệ thống thần kinh tại niêm mạc thực quản sẽ tác động lên các cơ trong lồng ngực, từ đó xảy ra phản xạ co rút, chèn ép trực tiếp lên đường thở, gây khó thở;
  • Axit dạ dày vào thực quản, có khả năng xâm nhập phổi, gây sưng đường thở. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra khi bệnh nhân nằm ngủ.
dịch vị
Lượng acid trong dịch vị dạ dày có thể bị thừa trào lên thực quản

4. Trào ngược dạ dày gây cảm giác khó thở có nguy hiểm không?

Như đã nói ở trên, khi bệnh nhân gặp triệu chứng khó thở thì cũng là dấu hiệu cảnh báo mức độ bệnh của bệnh nhân đang xấu dần đi. Lúc này, các biến chứng nguy hiểm có thể phát sinh bất cứ lúc nào khi bệnh nhân không được điều trị đúng lúc:

  • Các vấn đề hô hấp: khi axit trào ngược lên dạ dày quá nhiều lần sẽ gây viêm loét. Không chỉ gây ảnh hưởng đến đường thở mà nó còn gây ra các hiện tượng như: viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phế quản, viêm phổi. Những vấn đề trên rất khó để điều trị và diễn biến rất phức tạp.
  • Barrett thực quản: đây là tình trạng rối loạn thường phát sinh khi dịch vị trào lên thực quản trong một thời gian dài, làm thực quản bị biến đổi màu sắc. Khoảng 5% đối tượng bị barrett thực quản sẽ tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản rất cao, gấp từ 30 đến 125 lần so với những người bình thường.
  • Hẹp thực quản: quá trình trào ngược axit lên thực quản lặp lại nhiều lần sẽ gây tổn thương không thể phục hồi trên thực quản, hình thành mô sẹo, làm hẹp thực quản.
  • Viêm loét thực quản: Đây là biến chứng phổ biến nhất của bệnh trào ngược dạ dày. Khi các lớp niêm mạc bị bào mòn, các vi khuẩn sẽ tấn công và gây ra phản ứng viêm, kích hoạt viêm nhiễm. Nếu không được can thiệp kịp thời sẽ hình thành các vết loét.
  • Ung thư thực quản: mặc dù biến chứng này không thường gặp nhưng vẫn có nguy cơ phát sinh. Khi bệnh nhân mắc phải biến chứng này thì tình trạng bệnh sẽ diễn biến xấu đi rất nhanh, thậm chí là gây tử vong nếu không được điều trị nhanh chóng.
Ung thư thực quản
Trào ngược dạ dày có thể gây biến chứng ung thư thực quản

5. Cách khắc phục tình trạng trào ngược dạ dày dẫn đến khó thở

Khó thở trong một thời gian dài là một cảm giác rất tồi tệ và nguy hiểm. Vì vậy, bệnh nhân cần phải thăm khám bác sĩ thường xuyên để phát hiện và điều trị bệnh, tránh dẫn đến tình trạng khó thở rồi mới đi khám. Như thế, các biến chứng nặng sẽ có nguy cơ phát sinh.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể lưu ý các lời khuyên sau đây:

  • Thay đổi lối sống về trạng thái lành mạnh: Bệnh nhân cần sửa đổi thói quen ăn uống, không nên ăn quá nhiều trước khi ngủ hay ăn quá nhiều trong một bữa ăn. Nên tập thể dục thường xuyên, từ bỏ thói quen xấu, không rượu bia, thuốc lá, giảm thiểu căng thẳng. Cùng với đó là bổ sung các thực phẩm tốt như sữa chua, bánh mì, táo, gừng, yến mạch, rau xanh. Nắm được trào ngược dạ dày nên ăn gì sẽ giúp người bệnh giảm các triệu chứng khó chịu.
  • Dùng thuốc Tây để điều trị: Các nhóm thuốc mà bác sĩ khuyên dùng gồm: thuốc ức chế H2 (Cimetidin, famotidin), ức chế bơm proton (lansoprazole, omeprazole...), thuốc làm tăng trương lực cơ thắt thực quản dưới (metoclopramide, domperidone), thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày (alginat, dimeticol, misoprostol...).
  • Dùng các thảo mộc thiên nhiên: 9 loại thảo mộc được khuyên dùng gồm Cúc La Mã, Cam thảo, Thương truật, CurmaNano, Hoàng liên, Hậu phác, Bán hạ bắc, Ngô thù du, Gừng.
Mắc bệnh tiểu đường có uống được rượu không
Người bệnh không nên sử dụng rượu bia

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

129.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan