Thoát vị bẹn nghẹt - cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi ThS.BS Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thoát vị bẹn nghẹt xảy ra khi các mô trong túi thoát vị bị xoắn lại. Tình trạng này có thể dẫn đến hoại tử, nghĩa là các mô trong túi thoát vị chết đi vì không được cung cấp đủ máu. Thoát vị bẹn nghẹt có thể gây ra các triệu chứng sốt và vùng thoát vị bị sưng, đỏ, viêm và rất đau.

1. Thoát vị bẹn nghẹt là gì?

Thoát vị bẹn là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Bình thường sau sinh ống phúc tinh mạc ở nam, ống Nuck ở nữ xơ hóa và tự bịt kín. Nếu chúng không tự bịt kín, các thành phần trong ổ bụng chui qua ống này xuống vùng bẹn gây nên thoát vị bẹn và khi các tạng này bị thắt nghẹt trong ống bẹn sẽ gây ra tình trạng thoát vị bẹn nghẹt.

Thoát vị bẹn nghẹt là một biến chứng nặng và thường gặp của tất cả các loại thoát vị. Bao gồm thoát vị bẹn, thoát vị rốn, thoát vị đùi, thoát vị bịt, thoát vị đường trắng trong đó chủ yếu là thoát vị bẹn và thoát vị đùi.

Thoát vị bẹn nghẹt cần chẩn đoán thật sớm và xử trí ngay vì nếu chỉ sau 6 – 12 giờ tạng sẽ bị hoại tử dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc, tắc ruột, nhiễm trùng nhiễm độc do hoại tử các tạng (ruột, mạc nối, buồng trứng, vòi trứng). và những rối loạn toàn thân.

Thoát vị bẹn nghẹt
Thoát vị bẹn nghẹt cần chẩn đoán thật sớm và xử trí ngay

2. Thoát vị bẹn có nguy hiểm không?

Đây là loại phẫu thuật khá phổ biến, đơn giản và tỷ lệ biến chứng thấp. Thực tế nếu không điều trị thì người bệnh có thể gặp nhiều rủi ro và biến chứng hơn là sau mổ. Cụ thể là thoát vị bẹn không điều trị có thể dẫn tới thoát vị bẹn nghẹt. Ở nữ giới, buồng trứng và vòi trứng thường bị nghẹt trong ống bẹn hoặc trong môi lớn và có thể dẫn đến nhồi máu và hoại tử buồng trứng.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp còn gặp biến chứng thoát vị bẹn kẹt, do tạng thoát vị chui xuống nhưng không đẩy lên được vì dính vào túi thoát vị hoặc do tạng trong túi dính với nhau. Thoát vị bẹn kẹt thường gây ra cảm giác vướng víu, dễ bị chấn thương hơn. Biến chứng chấn thương thoát vị, do khối thoát vị lớn và xuống tương đối thường xuyên, bị chấn thương từ bên ngoài gây nên dập, vỡ các tạng bên trong...

Tuy nhiên cũng giống như các phương pháp phẫu thuật khác, phẫu thuật thoát vị bẹn cũng tiềm ẩn một số rủi ro nhất định như:

  • Khó thở, chảy máu, phản ứng với thuốc gây mê hoặc các loại thuốc khác.
  • Nhiễm trùng.
  • Đau kéo dài ở vùng bẹn.
  • Ảnh hưởng tới mạch máu.
  • Làm tổn thương dây thần kinh hoặc các cơ quan lân cận.

3. Điều trị thoát vị bẹn nghẹt

Thoát vị bẹn nghẹt
Thoát vị bẹn nghẹt là loại cấp cứu ngoại khoa

Thoát vị bẹn nghẹt là loại cấp cứu ngoại khoa, có thể áp dụng các phương pháp điều trị sau:

3.1. Bảo tồn

Nếu bệnh nhân đến rất sớm, ta có thể đẩy khối thoát vị bẹn nghẹt lên và theo dõi.

Với trẻ nhỏ, điều kiện đến sớm, toàn thân chưa có nhiễm độc, cách tiến hành là:

  • Tiêm thuốc an thần, giảm đau theo liều thích hợp.
  • Ngâm nửa người cháu bé vào chậu nước ấm, chờ 15-20 phút, khối thoát vị có thể tự lên được.
  • Có thể dùng tay xoa nhẹ ở khối thoát vị nhưng không được nắn thô bạo đề phòng vỡ tạng bên trong.
  • Khi tạng đã lên được thì vẫn phải theo dõi sát đề phòng ruột hoại tử thứ phát gây viêm phúc mạc.

3.2. Phẫu thuật

Hiện nay, có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau như: Mổ mở (Bassini, Lichtenstein...), phẫu thuật nội soi (TEP, TAPP...). Mỗi phương pháp mổ đều có những ưu nhược điểm nhất định. Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính nhằm mục đích:

  • Giải phóng nhanh tạng thoát vị bị nghẹt, thiếu máu.
  • Khâu cổ túi và cắt túi thoát vị.
  • Phục hồi thành bụng.

Mổ thoát vị bẹn ở trẻ em là biện pháp duy nhất để giải quyết tình trạng thoát vị bẹn ở trẻ em. Thông thường vết mổ khoảng 3 – 4cm dọc theo vùng gấp bẹn. Do đó khi lành thường khó phát hiện ra, đảm bảo được thẩm mỹ cho bệnh nhân. Sau khoảng 1 tuần vết mổ sẽ lành và được cắt chỉ.

Cần lưu ý:

  • Không được đẻ tụt quai ruột vào ổ bụng khi chưa có quan sát kết luận chính xác tình trạng quai ruột bị nghẹt.
  • Phải đánh giá đúng khả năng đoạn ruột còn hội phục được không.
  • Chú ý toàn thân và có hồi sức bù đắp nước và điện giải.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan