Triệu chứng cảnh báo gan bị vôi hóa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Gan bị vôi hóa là tình trạng sẹo gan do chấn thương cũ ở vùng gan, áp-xe gan hoặc do nhiễm các loại ký sinh trùng... Thông thường, với những nốt vôi hóa nhỏ không đáng lo ngại. Nhưng khi nốt vôi hóa lớn có thể gây nên viêm tắc đường mật trong gan. Thông qua siêu âm, chụp X-quang gan bị vôi hóa có thể được phát hiện và chẩn đoán.

1. Bệnh vôi gan là gì?

Bệnh vôi gan là gì? Bệnh vôi gan còn được gọi là vôi hóa gan. Đây không phải là bệnh mà là một dạng tổn thương gan mạn tính. Tức là tình trạng viêm của tế bào nhu mô gan sau sự hình thành của “vết sẹo”. Những vết thương này hình thành viên sỏi nhỏ nằm trong đường mật ở gan, bị vôi hóa một phần gan thành bàng quang, nên cứng và đọng lại, không thể thoát ra ngoài.

Thông thường, tình trạng này rất khó phát hiện. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng gan bị vôi hóa. Nhưng phần lớn các trường hợp vôi gan là do tình trạng viêm, bệnh lao. Các bệnh này có thể gây sẹo xơ gan và vôi hóa mô gan sau khi bị hoại tử cục bộ.

Xơ vôi do điều trị lao phổi
Bệnh lao có thể gây sẹo xơ gan và vôi hóa mô gan

Ngoài ra, vôi gan còn có thể xảy ra do:

  • Do lắng đọng sắc tố mật hoặc do xác giun chết gây nên;
  • Lạm dụng rượu bia quá mức, gây tổn thương gan dẫn đến vôi hóa, xơ hóa gan;
  • Chức năng gan bị rối loạn kéo dài cũng là nguyên nhân gây vôi hóa gan.
  • Một số trường hợp bị u nang gan hay khối u trong gan là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tích tụ canxi trong gan gây ra hiện tượng vôi hoá gan.
  • Trẻ sơ sinh cũng có thể mắc gan bị vôi hóa, do quá trình mang thai của mẹ bầu bị nhiễm trùng trong tử cung hoặc sau khi sinh...

2. Triệu chứng cảnh báo gan bị vôi hóa

Đau nhức tức mạn sườn phải, rối loạn tiêu hóavàng da là những triệu chứng thường gặp ở những người mắc gan bị vôi hóa. Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường không có những triệu chứng rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Chỉ đến khi các triệu chứng trở nên trầm trọng và gây đau đớn khó chịu, người bệnh mới đến gặp bác sĩ và phát hiện các nốt vôi hóa lớn, gan bị tổn thương nghiêm trọng.

Tùy vào tình trạng bệnh mà bệnh nhân gan bị vôi hóa gặp phải các một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây:

  • Đau nhức tức mạn sườn phải: Triệu chứng này xuất hiện nhiều nhất khi vận động mạnh. Các nốt vôi hóa lớn gây chèn ép dây thần kinh và các mô tại gan;
Đau tức hạ sườn bên phải
Nốt vôi hóa làm chèn ép các dây thần kinh khiến mạn sườn phải bị đau tức

  • Vàng da, vàng niêm mạc mắt: là dấu hiệu xuất hiện phổ biến nhất ở người vôi gan. Người bệnh gan thường có da vàng hơn bình thường, ngoài ra, màu mắt và nước tiểu của người bị bệnh đều có màu vàng đục, đậm;
  • Rối loạn tiêu hóa: Nguyên nhân của tình trạng này nốt vôi hóa gây tắc đường mật trong gan làm ảnh hưởng tới việc tiêu hóa thức ăn;
  • Sốt, rét run có thể kèm co giật. Lúc này, người bệnh cần ngay lập tức được đưa đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị.

3. Điều trị vôi hóa gan như thế nào?

Thông qua siêu âm hoặc chụp X-quang, vôi hóa gan có thể được phát hiện dù là những nốt vôi hóa đang còn bé và chưa có các triệu chứng trên xuất hiện. Từ đó, việc thăm khám chẩn đoán và điều trị trở nên dễ dàng hơn. Tùy từng giai đoạn tiến triển của bệnh mà việc điều trị khác nhau. Bệnh nhân có thể chữa trị bằng thuốc kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ để điều trị vôi gan tốt nhất.

Việc điều chỉnh chế độ ăn uống, hạn chế cholesterol để làm giảm nguy cơ lắng đọng sắc tố mật. Giảm ăn nội tạng động vật, hạn chế ăn lòng đỏ trứng, mỡ động vật, hạn chế ăn thịt đỏ, ăn nhiều thịt có màu trắng, tăng cường rau xanh và hoa quả tươi... là những điều cần lưu ý khi ăn uống với người gan bị vôi hóa.

  • Uống nước nhân trần hoặc trà ác- ti- sô có tác dụng nhuận mật cũng là một cách điều trị, làm giảm nguy cơ hình thành sỏi mật;
  • Giấc ngủ đầy đủ khoảng 7-8 tiếng mỗi ngày không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn có lợi cho điều trị vôi gan. Kèm theo đó là không ăn khuya, không thức khuya và chia nhỏ bữa ăn, không nên ăn quá no;
Ngủ đủ giấc
Ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày để giúp cơ thể khỏe mạnh và hỗ trợ điều trị vôi gan

  • Trung bình 6 tháng đến 1 năm nên tẩy giun một lần;
  • Duy trì tập thể dục thường xuyên với những bài tập vừa sức giúp giảm stress, nâng cao thể trạng và tinh thần, bảo vệ lá gan khỏi bị viêm gan và vôi gan, ung thư gan;
  • Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng và ở những người bệnh bị vôi hóa gan nên siêu âm kiểm tra để xem nốt vôi hóa có tiến triển lớn hơn không.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan