Các xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán viêm cơ tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Nguyễn Thùy Đoan Trang - Trưởng nhóm Tuần hoàn ngoài cơ thể - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ là chuyên gia về Tuần hoàn ngoài cơ thể trong phẫu thuật tim và hồi sức tim, điều trị nội khoa Tim mạch.

Chẩn đoán viêm cơ tim thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý về tim khác vì những triệu chứng giống nhau. Do đó, để phân biệt được chính xác bệnh viêm cơ tim, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cần thiết.

1. Điện tâm đồ (ECG)

Điện tâm đồ là một biện pháp thường được y học sử dụng nhằm phát hiện các bệnh về tim như rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và suy tim. Đối với viêm cơ tim, điện tâm đồ cũng rất có giá trị trong chẩn đoán cụ thể là:

  • Rối loạn dẫn truyền: block nhĩ thất độ I, II, III hoặc block nhánh.
  • Rối loạn nhịp tim: Nhịp thường nhanh dù bệnh nhân đã hết sốt; đôi khi nhịp chậm, ngoại tâm thu đa dạng và đa ổ; cũng có lúc ngoại tâm thu nhĩ, rung nhĩ hoặc các rối loạn nhịp tim khác.
  • Thiếu máu cơ tim: Qua hình ảnh phát hiện thấy sóng T thường dẹt hoặc âm.
  • Nhồi máu cơ tim: Đoạn ST chênh lên hoặc chênh xuống có vai trò quan trọng trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim.
  • Hoại tử cơ tim: thay đổi biên độ QRS

Viêm cơ tim nên được nghi ngờ ở bệnh nhân trẻ có triệu chứng của nhồi máu cơ tim nhưng chụp mạch vành có kết quả bình thường.

2. Chụp X quang ngực

Chụp X quang ngực là phương pháp được sử dụng nhiều nhất trong y khoa bằng cách dùng tia phóng xạ để chẩn đoán tình trạng của lồng ngực, và các cơ quan trong lồng ngực bao gồm tim. Thông qua phim X quang ngực có thể đánh giá tình trạng bệnh lý viêm cơ tim như sau:

  • Tim to nhanh và toàn bộ
  • Có dấu hiệu tắc nghẽn bất thường của tuần hoàn phổi
  • Mức độ hiệu quả sau điều trị khi bóng tim có trở về kích thước bình thường hay không

3. Siêu âm tim

Kỹ thuật sử dụng sóng siêu âm để cho hình ảnh chính xác khi tim đang co bóp, từ đó đánh giá các cấu trúc của tim. Siêu âm tim giúp chẩn đoán viêm cơ tim có thể thu được kết quả hình ảnh siêu âm tương tự bệnh cơ tim giãn nở:

  • Chức năng tim bị tổn thương: Buồng tim giãn, phì đại từng vùng
  • Có thể có tràn dịch màng ngoài tim hoặc có máu đông ở thành tim
  • Viêm cơ tim tiến triển: Tăng kích thước và thể tích thất trái
  • Viêm cơ tim tối cấp: Buồng thất nhỏ và bề dày thành tim tăng

Nếu siêu âm tim phát hiện có rối loạn vận động vùng cơ tim là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim. Ngược lại, không phát hiện rối loạn vận động khu trú thành tim thì chính là tiêu chuẩn chẩn đoán viêm cơ tim.

4. Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim

chan-doan-viem-co-tim-1
Phương pháp MRI tim được ứng dụng nhiều hơn trong xét nghiệm chẩn đoán viêm cơ tim ở các bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ

Ngày này, phương pháp MRI tim được ứng dụng nhiều hơn trong xét nghiệm chẩn đoán viêm cơ tim ở các bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ. Chụp cộng hưởng từ tim có thể đánh giá 3 dấu ấn (marker) bao gồm:

  • T2W: Tổn thương trong tế bào và phù khoảng kẽ
  • EGE: Xung huyết và thoát quản
  • LGE: Hoại tử và xơ hóa

Thông qua chụp MRI tim, có một phát hiện đáng lưu ý là tổn thương viêm đa phần nằm ở thành bên của tim chứ không xuất hiện ở vách liên thất.

5. Chụp động mạch vành

Là phương pháp quan trọng giúp chẩn đoán xác định có hẹp động mạch vành hay không về mức độ cũng như vị trí hẹp của từng nhánh động mạch vành, là tiêu chuẩn vàng trong ứng dụng lâm sàng để đánh giá tổn thương động mạch vành.

6. Xét nghiệm máu

Thông qua phân tích mẫu máu của bệnh nhân, có thể cho ra kết quả được xem như là tiêu chuẩn chẩn đoán viêm cơ tim:

  • Tăng bạch cầu ái toan và bạch cầu đa nhân trung tính
  • Tăng tốc độ máu lắng, tăng CRP, tăng ESR
  • Tăng kháng thể với vi khuẩn hoặc virus là nguyên nhân gây bệnh
  • Tăng men tim (Tn)
chan-doan-viem-co-tim-2
Viêm cơ tim thường rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý về tim khác

7. Sinh thiết cơ tim

Sinh thiết bằng cách phẫu thuật lấy mẫu mô tim để phân tích sau khi các phương pháp trên không đủ để đánh giá toàn diện tình hình của bệnh lý. Sinh thiết cơ tim được chỉ định trong trường hợp viêm cơ tim tối cấp, có các triệu chứng suy tim mới xuất hiện trong vòng 2 tuần không rõ nguyên nhân, buồng tim trái có thể giãn và kèm theo rối loạn huyết động. Trường hợp khác là suy tim mới khởi phát không giải thích được với thời gian xuất hiện triệu chứng suy tim từ 2 tuần đến 3 tháng, buồng tim trái giãn, kết hợp với rối loạn dẫn truyền.

Viêm cơ tim thường rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý về tim khác, đặc biệt là nhồi máu cơ tim khi tiến hành chẩn đoán viêm cơ tim bằng siêu âm tim mà không rõ có rối loạn vận động vùng khu trú hay không. Trong trường hợp khó phân biệt, bác sĩ buộc phải điều trị thử và theo dõi mức độ cải thiện của tình trạng lâm sàng. Do đó, cần kết hợp nhiều hình thức xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để làm tiêu chuẩn chẩn đoán viêm cơ tim một cách chính xác, tránh điều trị sai hướng và để lại nguy cơ rủi ro cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: