Điều trị tăng huyết áp kèm suy thận mạn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ Trần Quốc Vĩnh có hơn 6 năm làm việc (bắt đầu từ năm 2011) trong lĩnh vực Cấp cứu.

Tăng huyết áp gây suy thận mạn và ngược lại, suy thận lại gây tăng huyết áp. Vì vậy phải kiểm soát được huyết áp để giảm nguy cơ gây suy thận mạn đồng thời cần điều trị tốt suy thận mạn để duy trì huyết áp ổn định.

1. Tăng huyết áp và suy thận mạn tác động lẫn nhau

  • Tăng huyết áp có thể là nguyên nhân chính dẫn đến suy thận mạn. Tình trạng tăng huyết áp cao, kéo dài sẽ dẫn đến tổn thương và phá hủy các mạch máu trong cơ thận. Huyết áp tăng cao còn giảm khả năng lọc ở cầu thận dẫn đến hậu quả là thận không thể loại bỏ những chất cặn bã độc hại cũng như nước dư thừa ra ngoài. Nước dư thừa ở trong hệ mạch máu ứ lại ngày càng nhiều làm huyết áp lại càng tăng cao hơn. Quá trình này diễn ra liên tục dần dần dẫn đến suy thận mạn vì vậy tăng huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến suy thận mạn.
  • Suy thận mạn có thể dẫn đến tăng huyết áp. Thận có chức năng là giữ cho huyết áp được ổn định bằng cách tiết ra chất giúp duy trì huyết áp. Trong bệnh suy thận mạn là sự tổn thương không hồi phục của thận dẫn đến khả năng điều hòa huyết áp suy giảm làm cho huyết áp tăng cao. Vì vậy tăng huyết áp có thể là một biến chứng của suy thận mạn.

Các khái niệm cơ bản về tăng huyết áp và suy thận mạn

  • Bệnh thận mạn là khi có sự hiện diện tổn thương thận ít nhất 3 tháng bao gồm bất thường về cấu trúc hoặc chức năng thận, có thể đi kèm hoặc không với giảm mức lọc cầu thận.
  • Tăng huyết áp là khi Huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/ hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg (JNC 7). Chẩn đoán tăng huyết áp bằng máy đo huyết áp ít nhất 2 lần, trước lúc đo bệnh nhân cần được nghỉ ngơi 15 phút, chẩn đoán xác định huyết áp cao qua 2 lần thăm khám.
Tăng huyết áp vô căn
Tăng huyết áp gây ra nhiều bệnh tật, trong đó có suy thận mạn

2. Nếu bạn bị tăng huyết áp và suy thận mạn cần làm các xét nghiệm gì?

Bệnh nhân cần đi khám tại các cơ sở y tế để được làm thêm các xét nghiệm nhằm đánh giá chức năng thận và tổn thương của các cơ quan khác bao gồm:

  • Xét nghiệm creatinin máu để đánh giá mức lọc máu cầu thận, đánh giá chức năng thận từ đó đánh giá được mức độ suy thận để từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp
  • Xét nghiệm nước tiểu đánh giá xem có protein không, nếu có protein trong nước tiểu là một dấu hiệu cho thấy có tổn thương ở cầu thận
  • Siêu âm để kiểm tra thận xem có vấn đề gì bất thường về kích cỡ, cấu trúc hoặc có tắc nghẽn của thận
  • Điện tâm đồ đánh giá chức năng tim, bệnh kèm theo
  • Xét nghiệm glucose, lipid (mỡ, cholesterol) trong máu để điều chỉnh
  • Xét nghiệm định lượng kali trong máu, vì khi thận bị suy, lượng kali có thể tăng cao trong máu, rất nguy hiểm cho tim.

3. Điều trị tăng huyết áp trong bệnh thận mạn

  • Mục tiêu điều trị huyết áp trong suy thận mạn cần đạt được là: kiểm soát huyết áp dưới 130/80mmHg.
  • Cần xác định điều trị lâu dài suốt đời, tái khám định kỳ.
  • Điều trị theo từng bệnh nhân các bệnh kèm theo, các yếu tố nguy cơ các tác dụng phụ để dùng thuốc thích hợp.
  • Giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch ở người bệnh có hoặc không tăng huyết áp. Điều chỉnh thuốc hạ áp phải xem xét dựa trên nhiều yếu tố như protein niệu, huyết áp hàng ngày, đáp ứng với thuốc. Hạ huyết áp từ từ để tránh những biến chứng thiếu máu cơ quan đích.
  • Phối hợp với các điều trị khác của bệnh thận mạn phù hợp đảm bảo hiệu quả tốt nhất cho người bệnh.
  • Bệnh nhân phải tự theo dõi huyết áp bằng cách đo huyết áp tại nhà. Nếu không kiểm soát được huyết áp bằng thuốc huyết áp hàng ngày cần đến khám tại các cơ sở y tế để tránh các biến chứng nguy hiểm do tăng huyết áp hoặc suy thận mạn.

Thay đổi lối sống: Là một yếu tố quan trọng trong chiến lược điều trị hạ áp và giảm yếu tố nguy cơ tim mạch.

  • Chế độ ăn cần phải ăn nhạt dưới 2.400mg muối mỗi ngày.
  • Giảm cân nặng nếu thừa cân (khi BMI ≥ 23kg/m2) đặc biệt ở nam giới béo phì. Giảm béo phì không chỉ giảm huyết áp mà còn giảm cholesterol máu và cải thiện tình trạng phì đại thất trái.
  • Tập thể dục hàng ngày 30 - 60 phút mỗi ngày, thể dục nhẹ nhàng(đi bộ).
  • Không uống rượu, bia. Uống rượu làm tăng nguy cơ tai biến mạch não ở bệnh nhân tăng huyết áp, làm tăng đề kháng với thuốc điều trị tăng huyết áp.
  • Không hút thuốc lá.
  • Giảm protein trong khẩu phần ăn, hạn chế dùng thực phẩm có hàm lượng protein cao.
  • Chế độ ăn đầy đủ vitamin và khoáng chất nên chọn thực phẩm giàu sắt, vitamin B12, acid folic, vitamin B6.
béo phì
Giảm cân giúp ngăn ngừa tăng huyết áp trong bệnh thận mạn

Tuy nhiên, ở gian đoạn suy thận nặng có thiếu máu thường do nguồn gốc thiếu Erythropoietin do vỏ thận giảm sản xuất, nên việc bổ sung thực phẩm giàu sắt cần phải cân nhắc xét nghiệm kiểm tra sắt trong máu trước, tránh việc dư thừa sắt gây tổn thương gan.

Chế độ dùng thuốc:

  • Dùng thuốc điều trị tăng huyết áp phối hợp từ 2 loại trở lên kèm theo thuốc lợi tiểu nên dùng viên phối hợp thuốc.
  • Nguyên tắc dùng thuốc hạ áp nên dùng các thuốc ưu tiên trước.
  • Chọn thuốc phối hợp tùy thuộc nguyên nhân suy thận mạn, bệnh tim mạch và các bệnh phối hợp khác, tránh tác dụng phụ và tương tác thuốc.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán tăng huyết áp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan