Sốc tim: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CK II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Sốc tim là tình trạng tim đột nhiên không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này thường gây ra bởi một cơn đau tim nghiêm trọng. Sốc tim rất hiếm, nhưng thường gây tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức.

1. Triệu chứng của sốc tim

Dấu hiệu và triệu chứng của sốc tim bao gồm:

  • Thở nhanh
  • Hơi thở ngắn
  • Nhịp tim nhanh, đột ngột
  • Mất ý thức
  • Tim đập yếu
  • Hạ huyết áp
  • Đổ mồ hôi
  • Da nhợt nhạt
  • Tay chân lạnh
  • Nước tiểu ít hoặc vô hiệu

Triệu chứng của 1 cơn đau tim:

Bởi vì sốc tim thường xuất hiện sau cơn đau tim. Vì vậy, điều quan trọng không kém là bạn nên biết các dấu hiệu và triệu chứng của 1 cơn đau tim:

  • Cơn đau có tính chất quặn thắt, đau từng cơn hoặc đau liên tục ở giữa lồng ngực trong vòng vài phút hoặc có thể kéo dài hàng giờ.
  • Cơn đau lan xuống vai, một hoặc 2 cánh tay, lưng, răng, hàm răng
  • Cơn đau ngực tăng lên khi vận động hay gắng sức
  • Hơi thở ngắn, thở nhanh
  • Đổ mồ hôi, tay chân lạnh
  • Đột nhiên chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn

Tìm kiếm sự giúp đỡ y tế ngay khi xuất hiện các triệu chứng trên để hạn chế tối đa nguy cơ sốc tim.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính
Những dấu hiệu và triệu chứng của sốc tim

2. Nguyên nhân gây ra sốc tim

Đau tim
Nếu tâm thất trái không được cung cấp máu giàu oxy, cơ tim sẽ yếu đi dẫn đến giảm khả năng co bóp gây sốc tim.

Trong hầu hết các trường hợp, việc thiếu cung cấp oxy đến tim, thường sau cơn đau tim, làm giảm khả năng bơm máu của tâm thất trái. Cơ tim sẽ yếu đi dẫn đến giảm khả năng co bóp gây sốc tim.

Việc tổn thương tâm thất phải, là buồng tim đóng vai trò đẩy máu đến phổi để làm giàu oxy ít khi gây ra sốc tim.

Các nguyên nhân khác có thể gây ra sốc tim bao gồm:

  • Viêm cơ tim
  • Viêm màng ngoài tim
  • Tim hoạt động yếu đi do bất kỳ nguyên nhân nào
  • Ngộ độc hoặc sử dụng thuốc quá liều gây ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim

3. Các yếu tố nguy cơ

Cơn đau tim kết hợp một số yếu tố sau làm tăng nguy cơ xảy ra sốc tim:

  • Tuổi già
  • Có tiền sử bệnh lý tim mạch hoặc cơn đau tim
  • Tắc nghẽn (bệnh động mạch vành) ở một vài động mạch chính trong tim
  • Người bị bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp
  • Nữ giới có nguy cơ bị sốc tim cao hơn nam giới

4. Biến chứng của sốc tim

Nếu không được điều trị nhanh chóng, sốc tim có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Biến chứng nguy hiểm khác là gây tổn thương không phục hồi tại gan, thận và một số cơ quan khác do bị thiếu cung cấp oxy.

5. Phòng ngừa sốc tim

Sốc tim
Cách tốt nhất để ngăn ngừa nguy cơ bị sốc tim là thay đổi lối sống để giữ cho tim khỏe mạnh và kiểm soát huyết áp.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa nguy cơ bị sốc tim là thay đổi lối sống để giữ cho tim khỏe mạnh và kiểm soát huyết áp. Chúng bao gồm:

  • Không hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động: Sau vài năm bỏ thuốc lá, nguy cơ đột quỵ của người hút thuốc sẽ giảm xuống tương đương với người bình thường.
  • Điều chỉnh cân nặng hợp lý: Thừa cân làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp, bệnh tim mạch và đái tháo đường dẫn đến lên cơn đau tim và sốc tim. Giảm cân nặng khoảng 10 pounds (4,5kg) có thể làm hạ huyết áp và giảm lượng cholesterol máu.
  • Duy trì chế độ ăn ít cholesterol và chất béo bão hòa: Hạn chế thức ăn giàu cholesterol, đặc biệt là chất béo bão hòa làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Tránh thức ăn giàu chất béo chuyển hóa.
  • Hạn chế sử dụng rượu và thức ăn ngọt: Việc làm này có thể giúp bạn tránh thức ăn giàu năng lượng nhưng ít dinh dưỡng, đồng thời giúp duy trì vóc dáng cân đối.
  • Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục có thể giúp làm hạ huyết áp, tăng lượng chất béo có lợi (HDL) và giúp tim hoạt động khỏe mạnh. Bạn có thể thực hiện bằng cách duy trì tập thể dục 30 phút mỗi ngày với một số hoạt động như đi bộ, chạy bộ, đi bơi hoặc đạp xe.

Nếu bạn lên cơn đau tim, cách tốt nhất để phòng ngừa sốc tim là được đưa đến bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt

6. Chẩn đoán bệnh sốc tim

Sốc tim cần được chẩn đoán nhanh chóng như trong các trường hợp cấp cứu khác. Bạn sẽ được kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng của sốc, sau đó thực hiện các xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây bệnh. Các xét nghiệm bao gồm:

  • Kiểm tra huyết áp: Người bị sốc có huyết áp ở mức rất thấp
  • Điện tim (ECG): Xét nghiệm này dùng để ghi lại hoạt động của dòng điện trong tim thông qua các điện cực được gắn trực tiếp trên thành ngực và các chi. Nếu bạn bị tổn thương cơ tim, sẻ có biểu hiện trên điện tim, điều này giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh chóng và đưa ra các quyết định điều trị chính xác.
  • Xét nghiệm X-quang: Qua hình ảnh X-quang, bác sĩ có thể quan sát được hình dạng và kích thước của tim, các mạch máu quanh tim hoặc tràn dịch tại phổi
  • Xét nghiệm máu: Máu được lấy để kiểm tra tổn thương các cơ quan nội tạng, nhiễm trùng hoặc cơn đau tim.
  • Siêu âm tim: Sóng âm của tim được phản chiếu trên màn hình máy siêu âm giúp đánh giá mức độ tổn thương sau cơn đau tim
  • Thông tim can thiệp (cardiac catheterization): Thông tim hay còn gọi là chụp động mạch vành tim (angiogram). Thủ thuật được thực hiện bằng cách đưa ống thông vào tim từ động mạch ở cổ tay hoặc đùi, bơm thuốc cản quang để phát hiện mạch máu bị hẹp hay tắc. từ đó bác sĩ sẻ đặt giá đỡ (stent) để mở thông long động mạch bị tắc, giúp tim hồi phục chức năng.

7. Điều trị sốc tim

Điều trị sốc tim tập trung vào việc hạn chế tối đa tình trạng thiếu oxy tại cơ tim và các cơ quan quan trọng khác trong cơ thể.

7.1 Sơ cứu người bệnh khẩn cấp

Hầu hết những người sốc tim đều cần cung cấp thêm oxy được kết nối qua máy thở oxy. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ cung cấp thuốc và dịch truyền qua đường tiêm tĩnh mạch (IV).

7.2 Các loại thuốc điều trị sốc tim

Dịch truyền, huyết tương được truyền qua đường tĩnh mạch và thuốc điều trị sốc tim có tác dụng làm tăng khả năng bơm máu của tim.

  • Thuốc tăng co bóp cơ tim (Inotropic agents): Bạn có thể được cung cấp thuốc để cải thiện chức năng tim như norepinephrine (Levophed) hoặc dopamine, cho đến khi các phương pháp điều trị khác bắt đầu có hiệu quả.
  • Aspirin: Trong trường hợp khẩn cấp, aspirin được chỉ định để giảm đông máu giúp máu có thể chảy qua các động mạch bị hẹp. Tự uống aspirin theo lời tư vấn của bác sĩ khi có triệu chứng đau tim trong thời gian chờ đến bệnh viện.
  • Thuốc giảm huyết khối: Còn được gọi là thuốc làm tan cục máu đông hoặc thuốc tiêu sợi huyết giúp làm tan cục máu đông, làm tăng lưu lượng máu đến tim. Thuốc tan huyết khối sau một cơn đau tim được sử dụng càng sớm, thì cơ hội sống sót của bạn càng lớn. Một số loại thuốc như alteplase (Activase) hoặc reteplase (Retavase) được chỉ định chỉ khi thủ thuật thông tim không thực hiện được.
  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Các loại thuốc tương tự như aspirin được chỉ định để giúp ngăn ngừa cục máu đông mới hình thành. Một số loại thuốc thường được sử dụng chẳng hạn như thuốc uống như ticagrelor (Brilinta), clopidogrel (Plavix) và thuốc chẹn thụ thể glycoprotein IIb / IIIa tiểu cầu như abciximab (Reopro), tirofiban (Aggrastat) và eptifibatide (Integrilin), được tiêm tĩnh mạch.
  • Thuốc làm loãng máu khác: Các loại thuốc khác như heparin có tác dụng làm giảm khả năng hình thành cục máu đông. Heparin tiêm tĩnh mạch hoặc các đường tiêm khác thường được dùng trong vài ngày đầu sau khi bị đau tim.

7.3 Một số thủ tục

Các thủ tục điều trị sốc tim thường tập trung vào việc khôi phục lưu lượng tuần hoàn qua tim bao gồm:

  • Tạo hình mạch máu và đặt stent: Nếu tìm thấy đoạn mạch bị tắc nghẽn trong khi đặt ống thông tim, bác sĩ có thể đưa một ống dài, mỏng (ống thông) được trang bị một quả bóng đặc biệt từ động mạch ở cổ tay hay đùi, đến động mạch bị tắc ở tim. Khi đến vị trí, quả bóng được thổi phồng trong một thời gian ngắn để mở rộng lòng mạch bị tắc.
  • Giá đỡ động mạch vành (stent): Một stent lưới kim loại được đưa vào động mạch để giữ cho lòng mạch mở theo thời gian. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ đặt stent phủ thuốc giải phóng chậm nhằm giảm tái hẹp lòng động mạch.
  • Bóng bơm nội động mạch (IABP): Bác sĩ chèn một bóng bơm trong động mạch chủ. Bóng được bơm phồng lên và xì hơi theo chu kỳ trong động mạch chủ, giúp máu lưu thông và làm giảm gánh nặng cho tim.
  • Hỗ trợ tuần hoàn cơ học: Một số phương pháp mới hơn bơm bóng đang được sử dụng nhằm cải thiện lưu lượng máu và cung cấp oxy cho cơ thể, chẳng hạn như oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO).

7.4 Phẫu thuật

Nếu thuốc và các thủ thuật y tế không có tác dụng điều trị sốc tim, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.

  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Phương pháp này thường dung một đoạn động mạch hay tĩnh mạch nơi khác “bắc cầu” từ động mạch trước chỗ tắc ra sau chổ tắc để tái lập lưu thông động mạch vành tim. Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật này khi tim đã có thời gian phục hồi sau cơn đau tim. Đôi khi, phẫu thuật bắc cầu được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp.
  • Phẫu thuật làm lành chấn thương tại tim: Đôi khi xảy ra chấn thương như vết rách ở một trong các buồng tim hoặc van tim bị tổn thương, có thể gây sốc tim. Phẫu thuật có thể giúp khắc phục các vấn đề này.
  • Thiết bị hỗ trợ tâm thất: Một thiết bị cơ học có thể được cấy vào bụng và gắn vào tim để giúp bơm máu. Phương pháp này giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện cuộc sống của một số người bị suy tim giai đoạn cuối đang chờ được ghép tim mới hoặc không thể ghép tim.
  • Ghép tim. Nếu tim bị tổn thương đến mức không tương thích với bất kỳ phương pháp điều trị nào, ghép tim có thể là biện pháp cuối cùng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan