Tăng canxi máu có nguy hiểm?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nội tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Tăng canxi máu là tình trạng canxi huyết vượt ngưỡng bình thường do nhiều nguyên nhân gây nên như cường cận giáp, ngộ độc vitamin D, ung thư... Nhìn chung canxi máu tăng cao là một tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến các triệu chứng như yếu cơ, rối loạn ý thức, thậm chí là hôn mê.

1. Tăng canxi máu là gì?

Tăng canxi máu là tình trạng nồng độ canxi máu cao hơn bình thường với mức giới hạn bình thường là 2,1-2,6 mmol/L. Khi nồng độ canxi máu tăng quá mức có thể khiến xương bị suy yếu, gây sỏi thận và can thiệp vào khả năng vận hành của tim mạch, não bộ. Các nguyên nhân gây tăng canxi máu thường gặp gồm:

  • Cường tuyến cận giáp: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất đối với các trường hợp bị tăng canxi máu, thường là do có u giáp hay phì đại một hoặc nhiều tuyến cận giáp
  • Ung thư: Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp tăng canxi máu, nhất là ở bệnh nhân đã tới giai đoạn di căn xương.
  • Bệnh lao, u hạt cũng là nguyên nhân khiến nồng độ vitamin D trong máu tăng cao, gây kích thích hệ tiêu hoá tăng cường hấp thu canxi hơn.
  • Bệnh nhân hạn chế vận động, nằm giường hoặc ngồi xe lăn nhiều cũng dễ bị tăng canxi máu do phần xương không phải chịu trọng lực dần giải phóng bớt canxi vào máu.
  • Tình trạng mất nước nghiêm trọng cũng là yếu tố gây ra tăng canxi máu mức độ nhẹ
  • Người uống bổ sung vitamin D hoặc canxi quá mức
  • Tác dụng phụ của các thuốc như lithium (thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực) khiến cơ thể kích thích giải phóng hormone tuyến cận giáp.

2. Tăng canxi máu có nguy hiểm không?

Tăng canxi máu có nguy hiểm không? Trong các trường hợp tăng canxi máu nhẹ, nhiều người bệnh không có triệu chứng gì đặc biệt. Tuy nhiên, nếu tăng nhiều thì các triệu chứng có thể sẽ rất nguy hiểm như:

  • Xương và cơ bắp trở nên suy yếu, đau nhức, mệt mỏi
  • Tăng canxi máu gây buồn nôn, nôn, khó chịu ở dạ dày và táo bón.
  • Thận làm việc vất vả hơn khi lượng canxi máu gia tăng dễ gây mất nước, tiểu nhiều.
  • Bệnh nhân có thể gặp các rối loạn nhịp tim, đánh trống ngực và các vấn đề tim mạch khác.
  • Nồng độ canxi máu gia tăng còn khiến người bệnh dễ bị mệt mỏi, lờ đờ hay nhầm lẫn, thậm chí là trầm cảm.

3. Điều trị canxi máu tăng như thế nào?

Các trường hợp canxi máu tăng nhẹ có thể chỉ cần theo dõi các tiến triển ở xương và thận dưới hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Khi mức độ tăng canxi máu đã biểu hiện thành triệu chứng nguy hiểm thì có thể được chỉ định bằng các loại thuốc sau đây:

  • Bisphosphonate (tiêm tĩnh mạch): thường dùng để giảm nồng độ canxi trong điều trị tăng canxi máu ở bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên có tác dụng phụ là làm tăng nguy cơ gãy xương đùi hoặc hoại tử xương hàm.
  • Calcimimetics (Cinacalcet): Đây là loại thuốc có thể bắt chước theo canxi đang có trong máu, từ đó giúp điều tiết hoạt động của tuyến cận giáp.
  • Calcitonin: Giúp kiểm soát nồng độ canxi trong máu nhưng có tác dụng phụ khiến người bệnh cảm thấy buồn nôn.
  • Prednisone: Thuốc thuộc nhóm steroid tương đối hiệu quả với những trường hợp tăng canxi máu do gia tăng vitamin D
  • Denosumab: Dùng trong các trường hợp bệnh nhân bị ung thư có triệu chứng tăng canxi máu đã điều trị bằng Bisphosphonate nhưng không đáp ứng.
  • Thuốc lợi tiểu quai (Furosemide) và dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch: Thường áp dụng đối với những bệnh nhân có nồng độ canxi trong máu cao cần thực hiện cấp cứu để hạ mức canxi xuống nhanh chóng để tránh các tổn thương xảy ra với hệ thần kinh và tim mạch.

Tăng canxi máu có nguy hiểm? Câu trả lời là có. Bởi tình trạng này có thể dẫn đến các triệu chứng như yếu cơ, rối loạn ý thức, thậm chí là hôn mê. Vì thế, khi có dấu hiệu tăng canxi máu, người bệnh cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan