Vì sao cần tầm soát sớm dị tật tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Ngày nay với sự phát triển khoa học và chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ, các dị tật bẩm sinh có thể được tầm soát sớm ngay trong bào thai và sau sinh.

1. Tầm quan trọng của tầm soát dị tật tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh

Mỗi năm ở Việt Nam có 3.000 trẻ sơ sinh chào đời mắc bệnh tim bẩm sinh nặng, trong đó có khoảng 20% tỷ lệ trẻ sơ sinh xuất viện bị bỏ sót không phát hiện được tim bẩm sinh. Do đó cần thiết siêu âm tim tầm soát trong giai đoạn bào thai từ tuần thứ 14 hoặc sớm ngay sau sinh.

Bệnh tim bẩm sinh có nguy cơ tử vong cao nếu chúng ta chậm trễ trong chẩn đoán và chuyển trẻ đến các trung tâm tim mạch có kinh nghiệm để điều trị. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong giai đoạn chu sinh và nhũ nhi so với các dị tật bẩm sinh khác.

Mặc dù tiên lượng đã được cải thiện đáng kể nhờ các tiến bộ trong chẩn đoán và can thiệp điều trị thì vẫn có đến 40% trường hợp tử vong ngay sau sinh và 60% tử vong ở giai đoạn sơ sinh là do bệnh tim bẩm sinh gây ra.

2. Các phương pháp tầm soát bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh

Siêu âm
Siêu âm tim thai giúp phát hiện hầu hết các dị tật tim trong thai kỳ

2.1 Siêu âm tim thai

Phương pháp này giúp phát hiện hầu hết các dị tật tim trong thai kỳ, nhất là những dị tật nặng và đe dọa đến tính mạng em bé ngay sau sinh. Thời điểm tốt để siêu âm tim thai là từ 18-22 tuần tuổi thai. Do 90% những thai nhi sinh ra với bệnh tim bẩm sinh đều không hề có yếu tố nguy cơ trước đó. Vì vậy siêu âm tim thai được khuyến cáo cho tất cả các sản phụ, đặc biệt là các sản phụ thuộc nhóm nguy cơ cao.

Chẩn đoán sớm trong giai đoạn bào thai giúp can thiệp bệnh tim nếu được, hoặc có quyết định chấm dứt thai kỳ sớm đối với những bệnh tim quá phức tạp. Tuy nhiên do sự hình thành cấu trúc tim còn thay đổi theo tuổi thai nên một số bệnh tim bẩm sinh nhẹ có thể bị bỏ sót, hoặc giảm nhẹ/mất đi khi bé sinh ra đời. Vì vậy cần phải siêu âm tim sau sinh để chắc chắn trong việc chẩn đoán.

2.2 Đo SpO2 (độ bão hòa oxy qua da)

Đo SpO2 là đo độ bão hòa oxy ở máu ngoại vi thông qua 1 đầu dò SpO2 kẹp ở đầu ngón tay, ngón chân. Bình thường độ bão hòa oxy trên 90%, tốt nhất là 95-100% ở trẻ sơ sinh và không khác biệt nhiều khi đo ở tay và chân. Khi SpO2 dưới 90% hoặc khác biệt giữa tay phải và chân lớn hơn hoặc bằng 3% thì được gọi là test đo dương tính. Bất cứ trẻ nào có test đo SpO2 dương tính cũng nên được siêu âm tim kiểm tra.

Test đo SpO2 thực hiện tốt nhất từ 24-48 giờ sau sanh. Test sớm hơn có thể làm kết quả dương tính giả do còn sự chuyển tiếp từ tuần hoàn bào thai sang tuần hoàn sơ sinh và sự chưa ổn định của độ bão hòa oxy tuần hoàn hệ thống. Tầm soát trễ hơn sẽ làm mất cơ hội can thiệp (nếu được) trước khi ống động mạch đóng.

2.3 Siêu âm tim sớm sau sinh

Vài năm trở lại đây tại một số bệnh viện sản nhi lớn trong nước, siêu âm tim cho trẻ sơ sinh đã được thực hiện như một tầm soát thường quy với mục đích phát hiện sớm các bệnh tim bẩm sinh ở trẻ. Siêu âm tim giúp trả lời chính xác là trẻ sinh ra có bị tim bẩm sinh không, tật tim nặng hay nhẹ và có cần can thiệp sớm trong giai đoạn sơ sinh hay không.

Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng đã có 30 năm kinh nghiệm về khám và điều trị các bệnh lý nội khoa, đặc biệt về chuyên khoa Nội tim mạch: động mạch vành, suy tim, van tim, rối loạn nhịp tim...Thạc sĩ, Bác sĩ Hùng từng giữ chức Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch và Trưởng Đơn vị Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và hiện đang làm việc tại Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Nội Tim mạch, Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan