Chỉ số CA 125 cao hơn bình thường liệu có phải ung thư?

Hỏi

Chào bác sĩ. Cháu là nữ 29 tuổi. Cháu có xét nghiệm về CEA: 1.47ng/ml; CA 125: 42,3u/ml; AFB: 1,17ng/ml. Cháu lo lắng mình có nguy cơ ung thư. Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu. Cháu đã có gia đình có con, không mắc bệnh phụ khoa, sức khỏe hiện tại ổn định, không đang điều trị bệnh gì. Cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Thị Trinh (1991)

Trả lời

Chào bạn!

  • CEA( Kháng nguyên ung thư biểu mô phôi) được sản xuất bởi mô biểu mô phôi, thai, các tế bào niêm mạc đường tiêu hóa và các tế bào ung thư. Các bệnh lý khối u thường gây tăng CEA là ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư phổi. Giá trị bình thường : < 3 ng/mL ở người không hút thuốc, < 5 ng/mL ở người hút thuốc.
  • AFP (Alpha-fetoprotein) được sản sinh chủ yếu ở gan của thai nhi và các phần khác của phôi thai phát triển. Trẻ sơ sinh và thai phụ thường có nồng độ AFP cao, còn người bình thường có chỉ số AFP cao lại là dấu hiệu của một số bệnh ung thư, nếu nồng độ AFP > 300 UI/ml và siêu âm có khối giảm âm thì có thể khẳng định là bệnh nhân có ung thư gan. Giá trị bình thường: < 9 ng/mL.
  • Kháng nguyên ung thư CA 125 bình thường được tìm thấy ở nội mạc tử cung, trong dịch tử cung, trong một số mô bình thường và trên bề mặt của nhiều tế bào ung thư buồng trứng. Sự tăng nồng độ CA 125 có thể gặp trong:

Khối u buồng trứng có nguồn gốc biểu mô, bệnh phụ khoa lành tính (u nang buồng trứng và lạc nội mạc), bệnh lý ác tính (nội mạc tử cung, vú, đường tiêu hóa), bệnh lý lành tính (viêm tụy, xơ gan, viêm gan, các bệnh đường tiêu hóa lành tính, suy thận), có thai. Giá trị bình thường < 35 U/mL.

Trong các kết quả xét nghiệm của bạn có CEA và AFP nằm trong giới hạn bình thường còn chỉ số CA125 cao hơn bình thường một chút. Nhưng như đã nói ở trên, chỉ số CA 125 cao có thể gặp trong một số bệnh lý phụ khoa lành tính, có thai, hành kinh hay một số bệnh lý khác.

Những chất chỉ điểm ung thư không phải là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bị ung thư, nó chỉ là yếu tố giúp gợi ý cho chúng ta nghĩ tới bệnh ung thư. Bác sĩ cần thêm các xét nghiệm lâm sàng khác, chẳng hạn như siêu âm, CT scan, MRI, giải phẫu bệnh... để chẩn đoán xác định. Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa, làm lại xét nghiệm sau 3 tháng để theo dõi và làm thêm các xét nghiệm khác theo chỉ định của bác sỹ (nếu cần).

Cảm ơn vì đã đặt câu hỏi tới Hệ thống Y tế Vinmec. Trân trọng!

Bác sĩ Trần Thị Huyền Trang - Bác sĩ Xét nghiệm - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan