Chỉ số định lượng CRP ở mức 40.6 có nguy hiểm gì không?

Hỏi

Chào bác sĩ, chỉ số định lượng CRP ở mức 40.6 có nguy hiểm gì không? Mong bác sĩ tư vấn.

Câu hỏi khách hàng ẩn danh

Trả lời

Chào bạn. CRP (C-reactive protein) là một glycoprotein được gan sản xuất có đặc điểm là kết tủa với polysaccharid C của phế cầu. Bình thường, không thấy protein này trong máu. Tình trạng viêm cấp cùng với phá hủy mô trong cơ thể gây giải phóng ra một số chất (như các interleukin 1 và 6) sẽ kích thích sản xuất và gây tăng nhanh nồng độ CRP trong huyết thanh (Vì vậy, được gọi là protein phản ứng pha cấp-Acute-Phase Reactant protein). Khi tình trạng viêm cấp kết thúc, CRP nhanh chóng mất đi.

CRP được coi như một chỉ dấu phản ánh sự hoạt hóa phản ứng viêm hệ thống. Nồng độ CRP máu có thể tăng lên rất nhanh từ mức giá trị nền bình thường lên mức cao tới 50 mg/dL như một biểu hiện đáp ứng viêm không đặc hiệu của cơ thể đối với nhiễm trùng và chấn thương. Hiện CRP đang được sử dụng dưới 2 tên xét nghiệm (CRP và CRP hs), do chúng được thực hiện bởi 2 kỹ thuật khác nhau:

  • Xét nghiệm CRP (Tiêu chuẩn/Standard): dải đo rộng (0.2- 480 mg/L), phù hợp để đánh giá các trường hợp viêm, nhiễm trùng, phá hủy/tổn thương mô lớn, bệnh viêm hệ thống (ví dụ: Viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ,...)
  • Xét nghiệm CRP hs (hs –high sensitive/độ nhay cao): Định lượng CRPhs là phương pháp định lượng CRP có độ nhạy cao (High sensitive), có khả năng xác định được chính xác nồng độ CRP ở mức thấp mà định lượng CRP tiêu chuẩn không thực hiện được. CRPhs hữu ích trong việc chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh tim mạch (ở người có nguy cơ cao như bị bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tăng acid uric máu,...).

Ở người khỏe CRP < 5 mg/L. Vì vậy, với thắc mắc chỉ số định lượng CRP ở mức 40.6 có nguy hiểm gì không? Thì kết quả này chứng tỏ cơ thể bạn đang trong tình trạng viêm trung bình/nặng. Việc đánh giá mức độ nguy hiểm không chỉ dựa vào một kết quả xét nghiệm CRP mà phải xem xét đánh giá tổng thể tình trạng cơ thể bạn. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng kết quả xét nghiệm này, so sánh với kết quả lần xét nghiệm trước hoặc sau nó để tự theo dõi diễn biến tình trạng viêm của mình. Nhưng tốt nhất là bạn hãy liên hệ với bác sĩ hoặc có thể đến tại các bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để bác sĩ tư vấn thêm nhé.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng Vinmec. Rất mong có thể gặp bạn để tư vấn cụ thể hơn!

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Muội - Bác sĩ xét nghiệm Hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan