Bệnh quai bị: Nên cách ly bao lâu để tránh lây lan?

Để hạn chế lây lan bệnh, bệnh nhân bị quai bị cần được cách ly tối thiểu là 7 ngày và tối đa là 14 ngày kể từ khi phát hiện bệnh. Đồng thời, những người tiếp xúc với người bệnh phải lập danh sách và theo dõi để kịp thời phát hiện nếu nhiễm bệnh; hạn chế tập trung chỗ đông người tại khu vực đang có người bị bệnh với thời gian theo dõi là khoảng 2 tuần hoặc 3 tuần.

1. Các thể lâm sàng bệnh quai bị

Căn cứ vào nơi khu trú của vi rút gây bệnh, các thể lâm sàng của bệnh quai bị gồm viêm tuyến nước bọt mang tai thường gọi là quai bị, dưới hàm, dưới lưỡi; viêm tinh hoàn, buồng trứng; viêm tụy tạng, viêm màng não, viêm não-màng não... Mỗi loại viêm có các thể điển hình và thể ẩn.

Viêm tuyến nước bọt mang tai điển hình:

  • Thời kỳ ủ bệnh: Từ 15 - 21 ngày, trung bình 18 ngày. Bệnh xảy ra âm ỉ, các dấu hiệu lâm sàng không rõ.
  • Thời kỳ khởi phát: Có tính chất cấp tính với triệu chứng sốt cao 38 - 39 độ C hoặc hơn kèm theo nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức xương khớp, ăn ngủ kém.
  • Thời kỳ toàn phát: Làm cho tuyến nước bọt mang tai bị viêm sưng, bệnh nhân bị quai bị thấy đau nhói tự nhiên ở góc hàm, thấy góc hàm phình ra, da căng và nhẵn nhưng không nóng, không đỏ; người bệnh thường bị viêm cả hai bên cách nhau từ 1 - 3 ngày, chỉ có 1/3 trường hợp bị viêm một bên. Kèm theo đó là viêm niêm mạc miệng, phù nề, đỏ chung quanh lỗ ống dẫn nước bọt của tuyến mang tai.
  • Thời kỳ lui bệnh: Với dấu hiệu hết sốt sau 4 - 5 ngày, triệu chứng sưng giảm dần, giảm đau rồi trở lại bình thường khoảng sau 8 - 10 ngày kể từ ngày mắc bệnh.

Viêm các tuyến sinh dục:

  • Ở bệnh nhân nam: Thường gặp là viêm tinh hoàn (chiếm khoảng 20 - 30% các trường hợp bệnh quai bị ở người lớn) với triệu chứng tinh hoàn sưng, cơ thể sốt trở lại nặng hơn với sốt cao 39 - 40 độ C, rét run toàn thân, mệt, đau nhói vùng tinh hoàn lan xuống bẹn, đùi, hạ nang nhất là khi đi lại và có thể gây nôn.
  • Ở bệnh nhân nữ: Thường gặp là viêm buồng trứng, viêm tuyến vú, viêm hạch tiết chất nhầy (chiếm tỉ lệ thấp khoảng 2 - 5% các trường hợp bị mắc bệnh quai bị).
Viêm tinh hoàn quai bị
Viêm tinh hoàn là biến chứng thường gặp trong bệnh quai bị

Viêm tụy tạng cấp tính:

  • Thường gặp ở người lớn (chiếm tỷ lệ khá cao khoảng 10% các trường hợp bị mắc bệnh quai bị), chỉ có biểu hiện biến đổi sinh hóa qua kết quả xét nghiệm.
  • Bệnh thường xảy ra ở tuần thứ hai trong khoảng thời gian từ ngày 4 đến ngày 10 khi triệu chứng viêm tuyến nước bọt đã dịu đi. Người bệnh bị sốt trở lại, đau vùng thượng vị cấp tính, nôn, đầy bụng, tiêu chảy, chán ăn.

Viêm màng não - viêm não:

  • Ở người lớn: Người bệnh có nhiệt độ tăng đột ngột kèm theo rét run, đồng thời có triệu chứng nhức đầu, nôn vọt, cứng gáy, có dấu hiệu Kernig dương tính, ngủ li bì suốt ngày. Xét nghiệm thấy dịch não tủy có những biến đổi của một tình trạng viêm màng não do vi rút; bệnh lý viêm màng não có thể xuất hiện sau khi bị quai bị khoảng 3 - 10 ngày,
  • Ở trẻ em: Hiếm khi xảy ra, các triệu chứng hay gặp là nhiệt độ tăng đột ngột, rét run, mệt mỏi nhiều, nhức đầu, mất ngủ, mê sảng, rối loạn dinh dưỡng và tâm thần, có khi hôn mê, co giật; diễn biến của bệnh thường lành tính và bệnh thường khỏi sau vài tuần; tuy nhiên trên thực tế cũng có thể để lại di chứng, biến chứng nặng.

Viêm một số cơ quan khác:

Một số biểu hiện bệnh lý khác của thể bệnh hiếm gặp khi bị lây truyền bệnh quai bị là: Viêm tuyến vú, viêm tuyến tiền liệt, viêm tuyến giáp trạng cấp tính và bán cấp tính, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, viêm phổi không điển hình, viêm thận, viêm đa khớp, viêm tủy sống cấp tính, viêm đa rễ thần kinh,...

2. Người bệnh nên cách ly bao lâu để tránh lây lan?

Quai bị
Để hạn chế lây lan bệnh, bệnh nhân bị quai bị cần được cách ly tối thiểu là 7 ngày và tối đa là 14 ngày kể từ khi phát hiện bệnh

Đối với bệnh nhân bị quai bị, ngoài việc điều trị kịp thời, thì việc bị quai bị cách ly bao lâu để hạn chế lây truyền bệnh cho những người xung quanh và hạn chế khả năng bệnh bùng phát thành dịch trên diện rộng là điều mà người bệnh cần được biết.

Theo đó, để hạn chế lây lan bệnh, bệnh nhân bị quai bị cần được cách ly tối thiểu là 7 ngày và tối đa là 14 ngày kể từ khi phát hiện bệnh. Đồng thời, những người tiếp xúc với người bệnh phải lập danh sách và theo dõi để kịp thời phát hiện nếu nhiễm bệnh; hạn chế tập trung chỗ đông người tại khu vực đang có người bị bệnh với thời gian theo dõi là khoảng 2 tuần hoặc 3 tuần.

Các bệnh nhân cần thực hiện cách ly quai bị như sau:

  • Đối với thể bệnh nhẹ, người bệnh có thể tiến hành chăm sóc và cách ly quai bị tại nhà.
  • Trong thời gian nghi ngờ bị bệnh, người bệnh không được đến những nơi có đông người như trường học, nơi làm việc,... trong vòng từ 7 - 9 ngày kể từ ngày phát bệnh.
  • Phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác và phải thường xuyên đeo khẩu trang.
  • Các đồ dùng cá nhân, chất thải mũi họng và các dụng cụ y tế có liên quan đến bệnh nhân cần phải tiến hành khử khuẩn bằng dung dịch thiết yếu.
  • Sau khi hết bệnh, phải tiến hành khử khuẩn đối với không khí và các dụng cụ liên quan đến bệnh nhân.

3. Phòng bệnh quai bị

Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo vệ sinh nhà cửa, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp, thường xuyên đeo khẩu trang để tránh những viêm nhiễm gây nên bệnh quai bị.

Tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị. Bắt đầu từ 12 tháng tuổi trở lên có thể tiêm vắc xin phòng bệnh để cơ thể miễn dịch với bệnh quai bị trong một thời gian dài hoặc có thể suốt đời. Nếu bắt đầu tiêm từ 9 tháng tuổi thì tiêm 3 lần, lần 1 lúc 9 tháng tuổi, lần 2 sau lần 1 sáu tháng, lần 3 khi trẻ từ 4-12 tuổi. Nếu bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi thì tiêm 2 lần, lần 1 lúc 12 tháng tuổi lần 2 từ 4-12 tuổi.

Đối với những người đã tiếp xúc với bệnh nhân bị quai bị nhưng chưa tiêm vắc xin phòng bệnh thì cần phải tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị ngay để có thể bảo vệ bản thân tránh nhiễm bệnh.

Khi có người bị bệnh phải cho nghỉ tại nhà để cách ly quai bị (tối thiểu là 7 ngày và tối đa là 14 ngày kể từ khi phát hiện bệnh), tránh lây lan cho các người khác.

Khi có người bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và xử trí kịp thời, đặc biệt là với những trường hợp bị khó nuốt, khó thở, viêm tinh hoàn.

Để phòng ngừa bệnh quai bị, những đối tượng trẻ nhỏ trên 12 tháng tuổi, phụ nữ chuẩn bị mang thai, nam giới chưa được tiêm phòng vắc xin quai bị ... có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được tư vấn, đặt lịch và tiêm phòng vắc xin quai bị - sởi – rubella, nhằm phòng bệnh một cách an toàn và hiệu quả nhất.

Tất cả các sinh phẩm, vắc xin tại Vinmec đều có nguồn gốc rõ ràng; được bảo quản trên dây chuyền lạnh theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới. Khách hàng được thăm khám sàng lọc trước khi tiêm, đồng thời theo dõi sức khỏe sau tiêm để đảm bảo an toàn và hiệu quả tiêm chủng cao nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan