Bị nhiệt miệng uống thuốc gì mau khỏi?

Nhiệt miệng là căn bệnh phổ biến và lành tính, đa số ai cũng từng gặp phải một lần trong đời. Bệnh thường tự khỏi trong khoảng 5 - 7 ngày tuy nhiên vẫn gây khó chịu, đau đớn, ảnh hưởng đến ăn uống. Vậy nhiệt miệng uống thuốc gì nhanh khỏi? Cùng giải đáp thắc mắc trong bài viết sau đây!

1. Nguyên nhân và các triệu chứng của nhiệt miệng

Nhiệt miệng (loét miệng) thường xảy ra vào mùa nắng nóng và phổ biến ở trẻ nhỏ, dễ tái phát, nhất là với những người có sức đề kháng kém, vệ sinh răng miệng không đúng cách và ăn uống không đảm bảo chất lượng. Nhiệt miệng thực chất là bệnh viêm loét niêm mạc miệng, tuy không quá nguy hiểm nhưng lại gây đau rát, khó chịu khi ăn uống.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra nhiệt miệng, hoặc do virus, vi khuẩn, vi nấm xâm nhập vào cơ thể. Khi cơ thể có sức đề kháng kém, chúng sẽ gây lở loét miệng. Không chỉ vậy, chế độ ăn uống thiếu axit folic, thiếu chất xơ, vitamin C, ăn ít rau xanh cũng có nguy cơ gây nhiệt miệng. Hoặc do thường xuyên ăn đồ cay nóng, thức ăn nhiều dầu mỡ khó tiêu hoặc đánh răng quá mạnh gây tổn thương nướu, lợi răng, chân răng khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây lở loét miệng.

Ngoài ra, stress, rối loạn nội tiết tố ở người trưởng thành cũng gây ảnh hưởng đến quá trình suy giảm miễn dịch, khiến cơ thể không đủ sức khoẻ để chống lại các vi khuẩn gây bệnh cũng là nguyên nhân gây nhiệt miệng, lở loét miệng.

Nhiệt miệng là tình trạng nổi một hoặc một vài nốt loét trong niêm mạc miệng, nướu răng, lưỡi hoặc sàn miệng gây đau đớn khi ăn và chảy nhiều nước dãi ở trẻ nhỏ.

2. Bị nhiệt miệng uống thuốc gì?

Vậy khi bị nhiệt miệng nên uống thuốc gì để mau khỏi? Bạn có thể sử dụng các thuốc sau:

  • Thuốc kháng nấm: Thuốc kháng nấm hiệu quả trong các trường hợp nhiệt miệng có nhiễm nấm. Những loại thuốc phổ biến có thể kể đến: nystatin, itraconazole, fluconazol...
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được sử dụng khi bệnh nhân bị viêm loét miệng đi kèm bội nhiễm, có tác dụng giảm sưng viêm, giảm đau nhanh chóng và hiệu quả. Các loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng khi bị nhiệt miệng là biseptol chứa hoạt chất sulfamethoxazole và trimethoprim. Tuy nhiên, không nên tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Thuốc kháng viêm: Hai loại thuốc kháng viêm thường được sử dụng trong điều trị nhiệt miệng do virus, vi khuẩn hay nấm là Prednisone và Colchicine. Tuy nhiên, đây là 2 loại thuốc kê đơn cần có chỉ định của bác sĩ trước khi sử dụng. Thuốc hỗ trợ nhanh lành các vết loét và giảm sưng đau.
  • Thuốc uống corticosteroid: Trong trường hợp nhiệt miệng nặng, kéo dài thì bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc uống corticosteroid. Thuốc có tác dụng giảm nhiệt miệng nhanh tuy nhiên có một số tác dụng phụ: loét dạ dày, rối loạn miễn dịch,...
  • Viên uống kẽm, sắt và vitamin: Thường xuyên nhiệt miệng có thể do cơ thể thiếu hụt sắt, kẽm, vitamin hay các khoáng chất khác. Lúc này, cơ thể cần bổ sung những chất dinh dưỡng này dưới dạng viên uống song song với các thực phẩm hàng ngày. Nên bổ sung các loại vitamin B, vitamin C, sắt, kẽm và các loại vitamin tổng hợp.

Các loại thuốc trị nhiệt miệng có thể ở dạng nước súc miệng, bôi, thuốc uống hoặc viên ngậm. Tuỳ từng nguyên nhân gây nhiệt miệng sẽ sử dụng các loại thuốc phù hợp. Ngoài dùng thuốc, bạn cần tăng cường sức đề kháng, sức khoẻ cho cơ thể là điều cần thiết.

3. Một số phương pháp chữa nhiệt miệng tự nhiên không cần dùng thuốc

3.1. Dùng mật ong

Mật ong là dược liệu tự nhiên được dùng chữa bệnh với đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, giúp tiêu diệt và ức chế các loại nấm, vi khuẩn gây bệnh. Mật ong có tác dụng làm nhanh lành vết loét ở miệng, bạn có thể ngậm mật ong nguyên chất hoặc bôi trực tiếp lên vết loét khoảng 2 - 3 phút rồi nuốt. Sau đó, súc miệng lại với nước sạch, làm 2 - 3 lần/ngày, nhiệt miệng sẽ không còn đau đớn.

3.2. Súc miệng nước muối

Nước muối pha loãng có tính sát khuẩn cao, làm khô nhanh các vết viêm loét và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây nhiệt miệng. Súc miệng nước muối 3 - 4 lần/ngày, đặc biệt vào buổi sáng sau khi thức dậy và sau bữa ăn.

3.3. Ngậm đá trong miệng

Đá lạnh có tác dụng làm dịu cơn đau do nhiệt miệng gây ra một cách hiệu quả, tuy nhiên cách này chỉ là giảm đau tạm thời và không có tác dụng giúp giảm viêm, sưng. Đối với trẻ nhỏ không nên cho ngậm đá lạnh vì có thể gây lạnh và tổn thương niêm mạc họng.

3.4. Bổ sung các loại nước ép trái cây

Nhiệt miệng uống gì nhanh khỏi? Nước ép trái cây chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường miễn dịch và đẩy nhanh quá trình làm lành các vết thương, vết loét. Tuy nhiên, khi bị nhiệt miệng không nên uống các loại nước ép chứa nhiều acid như cam, chanh, bưởi. Nước ép cà rốt, nước ép cần tây hoặc dưa hấu là lựa chọn hoàn hảo khi bị nhiệt miệng.

Nhiệt miệng là một bệnh thường gặp và khá phổ biến trong cộng đồng. Để phòng ngừa nhiệt miệng, cần rèn luyện sức khoẻ, có chế độ ăn uống hợp lý để cơ thể khỏe mạnh cùng sức đề kháng tốt chống lại bệnh tật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

57.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan