Bị polyp mũi có nên mổ?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Quảng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Polyp mũi có nên mổ không là thắc mắc của nhiều người khi được chẩn đoán có polyp mũi. Vì trong nhiều trường hợp polyp mũi không gây ra bất cứ ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng cũng có khi lại kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm xoang cấp hoặc mạn tính, khó thở tắc nghẽn lúc ngủ, biến đổi cấu trúc của mặt gây song thị (nhìn đôi) hoặc 2 mắt xa nhau bất thường.

1. Polyp mũi là gì?

Polyp mũi là một u có cuống mềm, không đau, không phải là ung thư phát triển trên niêm mạc mũi hoặc xoang. Polyp mũi là tình trạng xảy ra ở lớp niêm mạc mũi và các xoang, là 4 khoang trống trên và sau mũi. Tuy nhiên polyp mũi thường không được xem là bệnh lý. Chính xác hơn, đây là hậu quả của phản ứng viêm gây ra do viêm nhiễm vi khuẩn hoặc virus, do dị ứng hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể khi chống lại các vi nấm.

Tình trạng viêm mãn tính làm tăng tính thấm của các mạch máu ở niêm mạc mũi xoang, gây tích tụ nước bên trong các tế bào. Theo thời gian, dưới tác động của trọng lực, các mô ứ nước này bị kéo xuống dưới, hình thành nên các polyp.

Polyp mũi có thể xảy đến với mọi người, nhưng thường gặp nhiều ở người trên 40 và ở trẻ em bị các chứng như hen phế quản, viêm xoang mãn, sổ mũi mùa và xơ nang phổi (cystic fibrosis).

Polyp mũi gây ra các tình trạng: Khó thở, chảy nước mũi liên tục, thay đổi về khứu giác. Có thể đó là triệu chứng của viêm mũi dị ứng hoặc viêm xoang mãn. Nhưng trong một số trường hợp, các triệu chứng và dấu hiệu đó có thể do polyp mũi, những chồi mô mềm, lành tính phát triển từ niêm mạc lót của mũi và các xoang. Polyp mũi nhỏ ít gây triệu chứng, nhưng polyp lớn sẽ làm khó thở và giảm khứu giác. Chúng còn gây nhức đầu âm ỉ và ngáy. Một số trường hợp hiếm gặp, polyp quá lớn có thể thay đổi hình dạng khuôn mặt.

2. Triệu chứng

Polyp mũi nhỏ có thể không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, polyp mũi lớn hơn có thể gây khó thở, không ngửi được mùi, và gây nhiễm trùng thường xuyên.

Triệu chứng thường gặp:

  • Chảy nước mũi ở một bên;
  • Nghẹt mũi kéo dài;
  • Nhỏ giọt mũi sau;
  • Giảm hoặc không có cảm giác về mùi;
  • Mất vị giác;
  • Đau mặt hoặc đau đầu;
  • Đau răng hàm trên;
  • Cảm thấy có áp lực đè trên trán và mặt;
  • Ngáy;
  • Ngứa xung quanh khu vực mắt.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

  • Khó thở nghiêm trọng;
  • Các triệu chứng đột ngột xấu đi;
  • Các vấn đề về thị giác, giảm thị lực hoặc bị hạn chế khả năng di chuyển của mắt;
  • Sưng nặng xung quanh vùng mắt;
  • Đau đầu ngày càng nặng kèm theo sốt cao hoặc không có khả năng giữ đầu thẳng hướng về phía trước.
Polyp mũi
Polyp mũi là một u có cuống mềm, không đau, phát triển trên niêm mạc mũi hoặc xoang

3. Biến chứng

Polyp mũi nhỏ và đơn độc ít khi gây biến chứng, nhưng một polyp lớn và nhiều polyp nhỏ hơn (bệnh đa polyp=polyposis) có thể gây những biến chứng sau:

  • Viêm xoang cấp hoặc mãn tính.
  • Khó thở tắc nghẽn lúc ngủ - một tình trạng nguy hiểm trong đó bệnh nhân sẽ ngưng thở và thở lại nhiều lần trong khi ngủ (sleep apnea).
  • Biến đổi cấu trúc của mặt gây song thị (nhìn đôi) hoặc 2 mắt xa nhau bất thường. Biến chứng này hiếm gặp và thường xảy ra nhất ở những nhân xơ nang phổi.

4. Điều trị

Điều trị polyp mũi có hai phương pháp chính là dùng thuốc và phẫu thuật. Với những trường hợp polyp còn nhỏ, không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng, ít gây biến chứng, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc. Lưu ý trong quá trình điều trị bằng thuốc, cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Phẫu thuật là lựa chọn điều trị khi polyp lớn, gây khó thở giảm hoặc mất khứu giác, ù tai... Bệnh nhân có thể sẽ được phẫu thuật nội soi để cắt bỏ polyp và mổ xoang tạo sự thông thoáng trong mũi xoang và giảm khả năng tái phát polyp.

Căn cứ vào mức độ polyp và tình trạng toàn thân của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Nhìn chung mỗi phương pháp điều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Phẫu thuật nội soi cắt bỏ polyp là phương pháp giúp làm giảm thể tích polyp nhanh nhất nhưng có thể tái phát nếu không theo dõi và điều trị bằng thuốc sau khi mổ.

Điều trị nội khoa là biện pháp điều trị thường dùng nhất cho các polyp nhỏ. Đối với các polyp lớn cần phẫu thuật cắt bỏ, tuy nhiên polyp mũi thường hay tái phát. Trong khi đó điều trị bằng thuốc chủ yếu là Corticosteroides: đường toàn toàn thân (uống hoặc tiêm) tuy cho hiệu quả nhanh hơn tại chỗ nhưng có nhiều tác dụng phụ và chống chỉ định nên ít được ưa chuộng hơn corticoids tại chỗ (thuốc xịt vào hốc mũi). Có thể phối hợp các thuốc chống dị ứng và nhiễm trùng: ngoài việc điều trị polyp, cần phải kiểm soát thêm tình trạng dị ứng và nhiễm trùng.

Dùng thuốc kháng histamine, để kháng lại tình trạng dị ứng do cơ thể tiếp xúc với dị nguyên. Các thuốc kháng histamine làm bớt ngạt mũi, dù không loại trừ được polyp. Ngoài ra, cần dùng thêm kháng sinh đối với những trường hợp nhiễm trùng cấp ở xoang. Phương pháp điều trị tại chỗ mặc dù hạn chế được các tác dụng phụ nhưng thời gian điều trị kéo dài và hiệu quả chậm.

Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt polyp mũi được áp dụng đối với các polyp lớn, tuy nhiên tình trạng này thường hay tái phát, ngay cả khi đã phẫu thuật.

Nhiều trường hợp bác sĩ cần phải phẫu thuật cắt polyp mũi. Chỉ định phẫu thuật polyp mũi khi kích thước polyp quá lớn và khi thuốc men không tỏ ra hiệu quả. Đối với bệnh nhân bị xơ nang phổi có polyp mũi đề kháng với corticoides (một loại thuốc kháng viêm), phẫu thuật polyp mũi là lựa chọn duy nhất. Cách phẫu thuật còn tùy vào số lượng và vị trí của polyp.

Song thị
Dấu hiệu song thị (nhìn đôi) là biến chứng của polyp mũi

5. Biện pháp phòng ngừa

  • Tránh các chất kích thích: người bệnh nên tránh xa các tác nhân kích thích như ô nhiễm, khói bụi, phấn hoa... vì các chất kích thích khiến cho tình trạng viêm nặng hơn hay kích thích các xoang gây ra dị ứng.
  • Điều trị dứt điểm các bệnh hen suyễn hay dị ứng vì đây là những căn bệnh dễ gây nên bệnh polyp mũi.
  • Giữ vệ sinh mũi tốt bằng cách thường xuyên rửa tay, chống lây nhiễm vi khuẩn bởi virus có thể gây ra các bệnh viêm mũi dị ứng và viêm xoang.
  • Giữ độ ẩm cho môi trường xung quanh, đặc biệt là trong nhà để cải thiện tình trạng hô hấp ở các xoang, tránh tắc nghẽn và viêm
  • Thực hiện rửa mũi thường xuyên bằng nước muối cũng giúp cho việc lưu thông không khí trong mũi được dễ dàng, loại bỏ các chất gây dị ứng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

79.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan