Các bệnh đường tiêu hóa thường gặp nhiều ở trẻ em

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ Thanh đã có thời gian công tác 25 năm trong điều trị các bệnh lý Nhi sơ sinh.

Trẻ nhỏ với hệ tiêu hóa non nớt thường dễ bị mắc các bệnh đường tiêu hóa hơn người lớn rất nhiều. Điều này một mặt có thể giúp kích thích hệ miễn dịch cho trẻ nhưng mặt khác, nếu không được điều trị kịp thời, nhiều bệnh có thể biến chứng nguy hiểm.

1. Tiêu chảy

Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân có thể do nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Biểu hiện ra ngoài của bệnh là trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần một ngày, có thể kèm theo các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, mất nước và mệt mỏi.

Tiêu chảy ở trẻ nhỏ là bệnh thường gặp, nhưng nếu để tiêu chảy kéo dài, trẻ sẽ bị mất nước và điện giải. Bố mẹ cần bù nước và điện giải cho bé kịp thời bằng Oresol. Cho trẻ uống đúng cách, uống từng ít một, uống liên tục và rải rác trong ngày.

Nếu tình trạng diễn tiến bệnh nặng hơn, bố mẹ nên đưa trẻ đến trung tâm y tế để xử lý, không nên tự ý mua thuốc về dùng để hạn chế những sự cố không mong muốn có thể xảy ra.

2. Bệnh tả

Tả là bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể lây lan thành dịch, bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ tử vong cao.

Đặc điểm nhận biết chủ yếu khi mắc bệnh tả là tiêu chảy ra nước ồ ạt, nôn ói liên tục, đau bụng. Tiêu chảy là triệu chứng nguy hiểm đáng lo ngại nhất. Bé có thể đi ngoài liên tục, không cầm được, phân toàn nước màu trắng đục. Trẻ bị mất nước nghiêm trọng, kiệt sức và có thể tử vong rất nhanh sau đó.

Bệnh do vi khuẩn tả (Vibrio cholerae) gây ra. Loại vi khuẩn này thường xuất hiện ở những nơi dơ bẩn, nguồn nước kém vệ sinh, thức ăn bị ôi thiu, chưa nấu chín hay để ruồi nhặng đậu vào. Trẻ khi ăn uống trong môi trường đó, vi khuẩn sẽ theo thức ăn vào bộ máy tiêu hóa, chúng phát triển và tiết ra nhiều chất độc gây bệnh.

Do đó, để phòng ngừa bệnh tả cho trẻ, cần phải giữ vệ sinh ăn uống, dùng nước đun sôi để nguội, hạn chế sử dụng các loại nước uống ngoài vỉa hè chưa được tiệt trùng hoặc đóng chai. Thức ăn phải được nấu chín kỹ. Gia đình cũng có thể tập cho bé thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để hạn chế nhiễm khuẩn.

3. Bệnh rối loạn tiêu hóa

Các bệnh đường tiêu hóa thường gặp nhiều ở trẻ em
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị rối loạn tiêu hóa do hệ thống tiêu hóa chưa được hoàn thiện

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng cơ vòng trong hệ tiêu hóa bị co thắt bất thường gây ra tình trạng đau bụng và những thay đổi trong đại tiện. Khi bị rối loạn tiêu hóa, bé sẽ thường xuyên gặp bất tiện trong sinh hoạt do thay đổi trong vấn đề đi vệ sinh, thường xuyên bị đau bụng, đầy hơi, cảm giác khó chịu.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị rối loạn tiêu hóa do hệ thống tiêu hóa chưa được hoàn thiện cả về cấu trúc cũng như hoạt động và lượng enzym tiêu hóa. Hơn nữa, sức đề kháng của trẻ yếu hơn, nên dễ bị loạn khuẩn đường tiêu hóa. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý hoặc sử dụng kháng sinh cũng là nguyên nhân gây ra bệnh khó chịu này.

Rối loạn tiêu hóa lâu ngày khiến trẻ không hấp thu được đầy đủ các chất dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh. Hậu quả là trẻ thường bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất và hệ miễn dịch kém phát triển.

4. Táo bón

Táo bón là biểu hiện thường gặp ở trẻ. Bé bị táo bón khi số lần đi đại tiện ít hơn bình thường, phân rắn hơn. Trẻ đôi khi bị đau quặn bụng mỗi khi đi đại tiện, rặn khi đi vệ sinh, đau rát, thậm chí nứt kẽ hậu môn dẫn đến chảy máu...

Bệnh có thể gặp ở trẻ lười ăn rau và các thực phẩm giàu chất xơ, ít uống nước,...nhưng cũng có thể gặp ở những trẻ bị rối loạn chức năng đại tràng. Nếu bé của bạn bị táo bón, có thể bổ sung thêm rau, hoa quả nhiều chất xơ vào chế độ ăn cho bé. Cũng có thể cho bé uống nhiều nước hơn trong ngày.

Một số loại thuốc nhuận tràng hoặc thực phẩm bổ sung cũng có thể hỗ trợ nếu bé đủ lớn và tình trạng táo bón nặng. Nhưng tốt nhất, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ tốt nhất tùy theo tình trạng của mỗi bé.

5. Tắc ruột

Khi bị tắc ruột, trẻ không đi vệ sinh được, cũng không thể trung tiện được. Triệu chứng đầu tiên của trẻ thường là nôn ói nhiều, sau đó có thể ói ra nước mật.

Ở trẻ sơ sinh tắc ruột có thể có lồng ruột hoặc thoát bị bẹn, cũng có thể do dị tật ống tiêu hóa nên có chỗ bị xoắn.

Trong trường hợp này, bắt buộc phải đưa bé đến bệnh viện sớm để được điều trị kịp thời.

6. Bệnh kiết lỵ

Bệnh kiết lỵ do Amip và Shigella gây ra, người bị kiết lỵ đi tiêu ra phân rất ít nhưng có kèm theo chất nhầy và máu cùng các triệu chứng như sốt, đau bụng, luôn có cảm giác muốn đi cầu.

Tình trạng này kéo dài dẫn đến trẻ lả dần, vật vã, hôn mê rồi tử vong. Nguy cơ chủ yếu của bệnh kiết lỵ là trở thành mạn tính, kéo dài.

7. Phải làm gì khi hệ tiêu hóa của trẻ có các dấu hiệu bất thường?

Các bệnh đường tiêu hóa thường gặp nhiều ở trẻ em
Khám rối loạn tiêu hóa cho trẻ

Nếu có các dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần đưa bé đến các trung tâm tế/bệnh viện uy tín khám ngay để tránh bệnh biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, vitamin B1,... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

9.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan