Cách điều trị bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Vậy cách điều trị và phòng tránh bệnh sởi ra sao? Hãy cùng tham khảo cách điều trị bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong bài viết dưới đây.

1. Vài nét về bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ.

Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy.... có thể gây tử vong.

Sởi
Bệnh sởi bùng phát

2. Điều trị bệnh sởi

Dưới đây là hướng dẫn của Bộ Y tế về cách điều trị bệnh sởi:

2.1. Nguyên tắc điều trị

  • Bệnh nhân sởi cần được cách ly riêng.
  • Điều trị hỗ trợ.
  • Cần phát hiện và điều trị sớm các biến chứng.

2.2. Điều trị hỗ trợ

  • Giữ vệ sinh da, mắt, miệng họng.
  • Tăng cường chế độ dinh dưỡng.
  • Hạ sốt: Có thể áp dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như lâu nước ấm, chườm mát. Dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao.
  • Bồi phụ nước, chất điện giải qua đường uống. Chỉ truyền dịch duy trì khi bệnh nhân nôn nhiều, có nguy cơ mất nước và rối loạn điện giải.
  • Bổ sung thêm vitamin A:
  • Trẻ từ 6-12 tháng tuổi: 100.000 đơn vị liều duy nhất
  • Trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn: 200.000 đơn vị liều duy nhất.
  • Những trường hợp có biểu hiện bệnh về mắt do thiếu vitamin A: Lặp lại liều trên vào ngày thứ 2 và ngày 28.
Nếu bé phát ban toàn thân nhưng vẫn chưa hạ sốt thì phụ huynh nên đưa trẻ tới viện ngay
Nhanh chóng hạ sốt bằng các biện pháp nhằm điều trị hỗ trợ bệnh sởi

2.3. Điều trị các biến chứng bệnh sởi

Điều trị kháng sinh nếu xuất hiện có bội nhiễm vi khuẩn.

Hạn chế truyền dịch nếu người bệnh có biến chứng viêm phổi, viêm não hoặc viêm cơ tim.

Trường hợp viêm màng não cấp tính: Nên tích cực điều trị hỗ trợ duy trì chứng năng sống.

Chống co giật: Phenobarbital 10-20 mg/kg pha trong Glucose 5% truyền tĩnh mạch trong 30-60 phút. Lặp lại 8-12 giờ nếu cần. Có thể dùng Diazepam đối với người lớn 10mg/lần tiêm tĩnh mạch.

Chống phù não:

  • Nằm đầu cao 30 độ, cổ thẳng ( nếu không có tụt huyết áp).
  • Thở oxy qua mũi 1-4 lít/phút, có thể thở oxy qua mask hoặc thở CPAP nếu người bệnh còn tự thở được. Đặt nội khí quản sớm để giúp thở khi điểm Glasgow < 12 điểm haowcj SpO2< 92% hay PaCO2 > 50 mmHg.
  • Thở máy khi Glasgow <10 điểm.
  • Mannitol 20% liều 0,5 -1 g/kg, 6-8 giờ/lần, truyền tĩnh mạch trong 15-30 phút.

Chống suy hô hấp: suy hô hấp do phù phổi cấp hoặc viêm não.

  • Làm thông đường thở: hút sạch đờm rãi.
  • Thở oxy 3-6 lít/phút, duy trì SpO2 > 92%.
  • Đặt nội khí quản, thở máy nếu có cơn ngừng thở hoặc thất bại với thở oxy.

Có thể dùng Dexamethasone 0,5 mg/kg/ngày tiêm tĩnh mạch chia 4-6 lần trong 3-5 ngày. Nên dùng thuốc sớm ngay sau khi người bệnh có rối loạn ý thức.

Dùng thêm immunoglobulin đa giá nếu có điều kiện, liều dùng 0,1 -0,4 g/kg/ngày truyền tĩnh mạch trong 6-8 giờ trong 2-5 ngày liên tiếp.

Thăm khám và tiêm vắc xin đầy đủ
Thăm khám và tiêm phòng vacxin đầy đủ

3. Phòng ngừa bệnh sởi

  • Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin phòng sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi nên đến trạm y tế của xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.
  • Tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Khi có các biểu hiện sốt phát ban dạng sởi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm.
  • Bệnh nhân mắc sởi phải được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
  • Người chăm sóc bệnh nhân sởi cần đeo khẩu trang, rửa sạch tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

50.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan