Cách phòng tránh bệnh tả

Trên thế giới ghi nhận rất nhiều ca nhập viện do vi khuẩn tả, đây là một bệnh nhiễm trùng biểu hiện chủ yếu bằng nôn và tiêu chảy với tần suất nhiều lần, dẫn đến tình trạng mất nước và điện giải trầm trọng.

1. Bệnh tả là gì?

Bệnh tả hay còn gọi với tên khác là thổ tả, bệnh dịch tả (Cholera) là bệnh nhiễm trùng đường ruột cấp tính gây ra bởi phẩy khuẩn tả (Vibrio Cholerae). Trẻ em và người lớn đều có thể bị nhiễm bệnh. Biểu hiện của bệnh tả chủ yếu là nôn và tiêu chảy nhiều lần, người bệnh dễ dẫn đến mất nước và điện giải trầm trọng, gây sốc nặng, trụy tim mạch. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong trong vòng vài giờ.

Ngoài ra, còn có vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus là một loại vi khuẩn trong cùng một nhóm với những vi khuẩn gây bệnh tả. Loại vi khuẩn này sống trong vùng nước mặn lợ và gây ra bệnh đường tiêu hóa cho người.

Bệnh dịch tả thường xảy ra vào những tháng mùa hè (khí hậu nóng - ẩm, nhiều ruồi, nhặng, chuột..., thức ăn dễ ôi thiu), đặc biệt ở những vùng sau khi xảy ra lũ lụt...

2. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tả

Các triệu chứng thường gặp của nhiễm vi khuẩn Vibrio là:

  • Tiêu chảy liên tục, lúc đầu có phân lỏng sau đó toàn nước, tiêu chảy thường được miêu tả như là "nước vo gạo" và có thể có mùi tanh (đôi khi tiêu chảy ra máu).
  • Đau bụng, đầy bụng
  • Buồn nôn, nôn mửa, lúc đầu nôn ra thức ăn sau nôn ra chất lỏng có màu vàng nhạt
  • Sốt
  • Nhức đầu
  • Người mệt lả, biểu hiện mất nước - điện giải, mắt trũng, tay chân lạnh

Các triệu chứng bệnh tả này xảy ra trong 24 giờ đầu sau khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Thông thường, các triệu chứng từ nhẹ, trung bình đến nặng và kéo dài khoảng 3 ngày (trong khoảng từ 8 giờ đến 12 ngày). Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt như những người đang được điều trị ung thư nhiễm trùng có thể xảy ra nặng hơn do bị ức chế miễn dịch.

Tiêu chảy khi mang thai có nguy hiểm?
Bệnh tả gây tiêu chảy liên tục

3. Đường lây truyền bệnh tả

Bệnh tả lây truyền theo đường tiêu hóa, cụ thể là đường phân - miệng thông qua đường nước bị nhiễm bẩn bởi phân người hoặc phân động vật và qua thực phẩm bị nhiễm các tác nhân gây bệnh trong quá trình chế biến hoặc bảo quản, bởi nước bẩn, qua bàn tay bẩn, dụng cụ chế biến bẩn và ruồi, nhặng nhiễm phẩy khuẩn tả làm lây lan mầm bệnh.

Ngoài ra, vi khuẩn Vibrio gây nhiễm trùng vết thương khi vết thương hở của người bệnh tiếp xúc với nước biển. Vi khuẩn Vibrio thường không lây lan từ người này sang người khác nhưng trong trường hợp vệ sinh cá nhân kém thì sẽ lây từ người sang người

4. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tả

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus như:

  • Ăn hải sản sống hoặc chưa nấu chín hoặc thức ăn bị ô nhiễm mất vệ sinh: thức ăn đường phố, hàng quán chế biến không đảm bảo vệ sinh
  • Có bệnh mãn tính từ trước
  • Người bệnh sống ở những nơi dân trí thấp, có phong tục tập quán lạc hậu, thiếu nguồn nước sạch, không sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
  • Người bệnh sống ở những vùng bị thiên tai, lũ lụt, động đất, hạn hán kéo dài
Hàu sống - hải sản sống
Ăn hải sản sống làm tăng nguy cơ mắc bệnh tả

5. Các biện pháp phòng tránh bệnh tả

Bệnh tả là bệnh có thể điều trị khỏi tuy nhiên nếu không phát hiện kịp thời có thể dẫn tới hậu quả khó lường không kiểm soát được lây lan rộng ra cộng đồng.

Chủ động phòng bệnh tả là biện pháp tối ưu nhất để không có ca bệnh. Để phòng tránh bệnh dịch tả hiệu quả có các biện pháp sau:

  • Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Trong mỗi hộ gia đình phải có một nhà tiêu hợp vệ sinh, không được đi tiêu bừa bãi. Đối với gia đình có bệnh nhân bị tiêu chảy cấp, cần rắc vôi bột hoặc Cloramin B sau mỗi lần bệnh nhân tiêu chảy đi tiêu.
  • Phân và chất thải của người bệnh sau khi đi phải được đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột, Cloramin B... vào nhà tiêu để sát khuẩn.
  • Ở những vùng đang có dịch cần hạn chế người ra vào
  • Mọi người, mọi gia đình đều thực hiện ăn chín uống sôi. Hạn chế ăn rau sống, không uống nước lã
  • Không ăn những thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua...
  • Nguồn nước uống, nước sinh hoạt phải được bảo vệ sạch sẽ. Tất cả các nước ăn uống, rửa rau củ quả đều phải được sát khuẩn bằng hóa chất Cloramin B.
  • Cấm đổ chất thải, nước giặt, rửa và đồ dùng của người bệnh, xác súc vật chết và rác xuống ao, hồ, sông, giếng gây ô nhiễm môi trường nước
  • Khi phát hiện thấy có người bị tiêu chảy cấp, phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
  • Tuyên truyền, cung cấp kiến thức về bệnh tả, bệnh tiêu chảy cho cộng đồng để mọi người có thể tự phòng tránh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình

Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.9K

Dịch vụ từ Vinmec