Chẩn đoán và điều trị bệnh cường giáp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Cường giáp là bệnh mà tình trạng tuyến giáp tăng khả năng tổng hợp và giải phóng hormon giáp trạng T3 và T4 hơn mức bình thường . Trong đó bệnh Basedow là thể bệnh điển hình và hay gặp nhất trong số các bệnh có cường chức năng tuyến giáp.

1. Triệu chứng lâm sàng của bệnh cường giáp

Do tuyến giáp tổng hợp và giải phóng quá nhiều hormon từ đó làm ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Hay gặp nhất là: Hệ thần kinh, tim mạch, tuyến giáp, mắt, da, cơ, rối loạn chuyển hóa, điều hòa thân nhiệt và một số tuyến nội tiết khác.

1.1. Rối loạn chuyển hóa và điều hòa thân nhiệt

  • Biểu hiện bằng việc uống nhiều nhưng mau khát, ăn nhiều nhưng mau đói và lại gầy sút cân rất nhiều do tăng chuyển hóa.
  • Luôn có cảm giác nóng bức, ra nhiều mồ hôi, có thể sốt nhẹ làm người bệnh rất sợ nóng.
  • Lòng bàn tay nóng ấm, thường ẩm ướt, mọng nước – đặc trưng của bàn tay của bệnh Basedow.
  • Rối loạn tiêu hóa: Tăng nhu động ruột, tiêu chảy hoặc giảm tiết dịch ở đường tiêu hóa
  • Rối loạn chuyển hóa đạm, mỡ tại gan.
  • Rối loạn sinh dục: Giảm ham muốn, rối loạn kinh nguyệt, mất kinh.

1.2. Rối loạn tim mạch

  • Tim tăng động với biểu hiện hồi hộp đánh trống ngực, tim đập nhanh thường xuyên. Mạch quay nảy mạnh và căng. Huyết áp trên tăng còn huyết áp dưới bình thường hoặc giảm.
  • Nếu bệnh lâu và kéo dài có thể có các triệu chứng của suy tim như mệt mỏi, khó thở về đêm hoặc khi gắng sức, phù chi.
  • Đôi khi rối loạn nhịp tim dẫn đến rung nhĩ.
  • Cuối cùng có thể dẫn đến các cơn đau thắt ngực cả khi gắng sức hoặc khi nghỉ, nguyên nhân do nhu cầu oxy cơ tim tăng khi tim hoạt động quá mức. Mạch máu nuôi tim đa số bình thường, không hẹp.
Cường giáp cận lâm sàng
Người bệnh cường giáp có thể gặp triệu chứng tim tăng động với biểu hiện hồi hộp đánh trống ngực

1.3. Biểu hiện thần kinh – tinh thần – cơ

  • Cảm thấy bồn chồn, tính tình thay đổi dễ cáu gắt và xúc động, hay giận dữ vô cớ.
  • Có thể đau đầu, chóng mặt, sợ ánh sáng, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, giảm khả năng làm việc thậm chí mất ngủ.
  • Run tay liên tục, thường ở đầu ngón, kèm theo có thể run lưỡi, môi, đầu, chân.
  • Có thể có cơn kích động hoặc lú lẫn, hoang tưởng nhưng rất hiếm.
  • Tổn thương cơ biểu hiện ở các mức độ khác nhau như mỏi cơ, yếu cơ, nhược cơ hoặc liệt cơ có tính chu kì hay gặp ở nam giới.

1.4. Biểu hiện tại tuyến giáp

Tuyến giáp to ở nhiều mức độ khác nhau, bướu to lan tỏa, sờ thấy mềm, bên phải thường lớn hơn bên trái, không có biểu hiện của viêm như sưng nóng đỏ đau tại tuyến giáp. Có thể là bướu mạch.

1.5. Biểu hiện ở mắt

  • Lồi mắt có thể xuất hiện cả hai bên, cân xứng hoặc không.
  • Cảm giác chói mắt, cộm như có bụi bay vào mắt hoặc đau nhức hốc mắt hay chảy nước mắt.
  • Có thể kèm theo phù nề mi mắt, kết mạc, giác mạc, đỏ giác mạc, đau khi liếc mắt hoặc có khi nhìn đôi.

1.6. Rối loạn chức năng một số tuyến nội tiết như tuyến thượng thận, sinh dục hoặc tuyến ức.

2. Xét nghiệm bệnh cường giáp

  • Định lượng hormon giáp trong máu: Tăng T4, T3 ( hoặc FT4, FT3), giảm TSH.
  • Đo độ tập trung iod phóng xạ tại tuyến giáp: Mức độ hấp thu iod tại các thời điểm tăng so với người bình thường.
  • Định lượng nồng độ các tự kháng thể lưu hành trong máu: như Anti TG, Anti TPO nhưng quan trọng nhất là TRAb, ở người bệnh Basedow thì chỉ số TRAb dương tính gặp ở 80-90% trường hợp;
  • Một số xét nghiệm biến đổi không đặc hiệu:
    • Giảm cholesterol và tăng đường hoặc calci huyết.
    • Công thức máu có giảm bạch cầu hạt.
    • Siêu âm tuyến giáp thấy các bướu giáp to lan tỏa.

3. Chẩn đoán bệnh basedow (là bệnh điển hình hay gặp trong cường giáp)

Lâm sàng có hội chứng cường giáp

  • Bướu tuyến giáp to lan tỏa (hoặc hỗn hợp).
  • Nhịp tim nhanh thường xuyên.
  • Lồi mắt.
  • Mệt mỏi, nóng bức, ra nhiều mồ hôi, ăn nhiều, uống nhiều, sút cân;
  • Thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, rối loạn giấc ngủ, yếu hoặc liệt cơ chu kì, run tay đầu ngón;
  • Tăng nồng độ hormon T3, T4, giảm TSH;
  • Tăng độ tập trung 131I tại tuyến giáp.
  • TRAb dương tính hoặc tăng nồng độ trong máu.
Cường giáp cận lâm sàng
Nhịp tim nhanh thường xuyên là một trong những dấu hiệu chẩn đoán bệnh cường giáp

4. Hướng điều trị cường giáp

Mục tiêu trước mắt là đưa người bệnh về tình trạng bình giáp và duy trì tình trạng bình giáp này trong một khoảng thời gian, đồng thời dự phòng và điều trị biến chứng nếu có. Có ba phương pháp điều trị cơ bản hiện nay bao gồm: Nội khoa, phẫu thuật tuyến giáp hoặc điều trị bằng phóng xạ.

4.1. Cường giáp uống thuốc gì?

Thuốc kháng giáp tổng hợp:

Gồm 2 nhóm:

  • Phân nhóm thiouracil (benzylthiouracil - BTU 25 mg; methylthiouracil - MTU 50mg, 100mg; propylthiouracil - PTU 50mg, 100mg);
  • Phân nhóm imidazol: Methimazole, carbimazole. Tất cả đều có hàm lượng 5mg.

Liều lượng và cách dùng:

  • Giai đoạn tấn công: Trung bình 6 - 8 tuần.
    • Methimazole: 20 - 30mg/ngày, chia 2 lần;
    • PTU: 400 - 450 mg/ngày chia 3 lần.
  • Giai đoạn điều trị duy trì: Trung bình 18 - 24 tháng.
    • Ở giai đoạn này, liều thuốc giảm dần mỗi 1 - 2 tháng dựa vào sự cải thiện của các triệu chứng;
    • Methimazole mỗi lần giảm 5 - 10mg; liều duy trì 5 - 10mg/ngày;
    • PTU mỗi lần giảm 50 - 100 mg; liều duy trì 50 - 100mg/ngày.

Bệnh cường giáp điều trị bao lâu? Nếu tình trạng bình giáp được duy trì liên tục trong suốt thời gian điều trị bằng thuốc kháng giáp thì sau 18 đến 24 tháng có thể ngừng hoàn toàn.

Iod và các chế phẩm chứa iod

Liều lượng: Liều bắt đầu 5mg/ngày, liều tối ưu 50 - 100mg/ngày

Cách dùng: Chia làm 2-3 lần, pha với sữa, nước, uống vào các bữa ăn chính

4.2. Phẫu thuật tuyến giáp

Một số trường hợp sẽ được chỉ định phẫu thuật: Khi điều trị nội khoa thất bại và hay tái phát, bướu giáp quá to, phụ nữ mang thai (tháng thứ 3 - 4) và trong thời gian cho con bú hoặc không có điều kiện điều trị nội khoa.

Mục tiêu điều trị sẽ cắt gần toàn bộ tuyến giáp để lại 2 - 3g ở mỗi thùy để tránh cắt phải tuyến cận giáp.

4.3. Điều trị bằng đồng vị phóng xạ 131I

Nếu điều trị bằng nội khoa ( uống thuốc) trong một khoảng thời gian dài không có kết quả, người bệnh > 40 tuổi có bướu không lớn lắm, tái phát lại sau phẫu thuật hoặc những trường hợp suy tim nặng không dùng được kháng giáp tổng hợp lâu dài thì có thể cân nhắc điều trị bằng phóng xạ iod.

Tuy nhiên, một số đối tượng không điều trị được bằng phương pháp này như: phụ nữ có thai, đang cho con bú hoặc bạch cầu máu giảm thường xuyên.

Liều 131I khoảng 80–120μCi/gam tuyến giáp (tính trên siêu âm hoặc xạ hình tuyến giáp).

5. Khám và điều trị cường giáp ở đâu uy tín?

cường giáp
Chuyên khoa Nội tiết - Tiểu đường thuộc Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là một địa chỉ đáng tin cậy để thăm khám bệnh cường giáp

Chuyên khoa Nội tiết - Tiểu đường thuộc Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là một địa chỉ đáng tin cậy để thăm khám bệnh cường giáp. Chuyên khoa Nội tiết trực thuộc lĩnh vực nội khoa, đảm nhận khám, chẩn đoán và chuyên trị, dựa trên đặc tính bệnh - các bệnh lý mãn tính liên quan đến tình trạng rối loạn chức năng của hệ thống nội tiết và các hormon.

Chuyên khoa áp dụng các kỹ thuật mới trong điều trị bệnh: điều trị nhân lành tính tuyến giáp bằng kỹ thuật đốt sóng cao tần (tránh được cho bệnh nhân cuộc phẫu thuật nhân tuyến giáp). Đặc biệt tại đây có đội ngũ y bác sĩ được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm:

Để được tư vấn chi tiết về việc chẩn đoán và điều trị bệnh cường giáp tại Vinmec Times City, quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE 0243 9743 556 hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

79.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan