Chẩn đoán và xét nghiệm tìm tổn thương do cao huyết áp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Cao huyết áp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ở tim, thận, não, mắt và động mạch ngoại biên. Chẩn đoán tìm tổn thương do cao huyết áp đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng, góp phần bảo vệ sức khỏe bệnh nhân.

1. Chẩn đoán xác định cao huyết áp

Định nghĩa tăng huyết áp dựa trên trị số huyết áp đo ở phòng khám và ngoài phòng khám như sau:

  • Huyết áp đo trong phòng khám: huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg.
  • Huyết áp đo bằng máy đo huyết áp tự động 24h: huyết áp tâm thu ≥ 130 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 80 mmHg.
  • Huyết áp tự đo tại nhà (đo nhiều lần): huyết áp tâm thu ≥ 135 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 85 mmHg.
Huyết áp thấp
Bệnh nhân có thể tự đo huyết áp tại nhà

2. Chẩn đoán tổn thương do cao huyết áp bằng khai thác tiền sử bệnh

Bác sĩ có thể chẩn đoán cao huyết áp và các tổn thương do cao huyết áp bằng việc tìm hiểu về tiền sử mắc bệnh của bệnh nhân. Phương pháp khám tăng huyết áp này bao gồm:

2.1 Khai thác thời gian mắc cao huyết áp, trị số huyết áp lúc đó (gồm cả đo huyết áp tại nhà)

2.2 Tìm hiểu nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát

  • Tiền sử gia đình mắc bệnh thận mạn tính (thận đa nang).
  • Tiền sử mắc bệnh thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu ra máu, lạm dụng thuốc giảm đau (bệnh nhu mô thận).
  • Các thuốc bệnh nhân từng sử dụng như cam thảo, thuốc tránh thai, cocaine, thuốc chống ngạt mũi, thuốc chống viêm giảm đau không steroid, amphetamine, carbenoxolone, corticosteroid chuyển hóa muối – nước,...
  • Người bệnh có nhiều cơn vã mồ hôi, lo lắng, đau đầu, hồi hộp (u tủy thượng thận.
  • Người bệnh có nhiều cơn yếu cơ và tetany (cường aldosterone)
  • Người bệnh có triệu chứng gợi ý mắc bệnh tuyến giáp.

2.3 Tìm hiểu các yếu tố nguy cơ gây cao huyết áp

  • Tiền sử gia đình và cá nhân bị tăng huyết áp, bệnh tim mạch.
  • Tiền sử gia đình và cá nhân bị rối loạn lipid máu, đái tháo đường.
  • Thói quen hút thuốc, ăn uống.
  • Thay đổi cân nặng gần đây, béo phì.
  • Ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ (hỏi vợ hoặc chồng).
  • Khối lượng hoạt động thể lực.
  • Cân nặng khi mới sinh thấp.

2.4 Tìm hiểu tiền sử và triệu chứng của tổn thương cơ quan đích và bệnh tim mạch

  • Bệnh ở não và mắt: có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, cơn thiếu máu não thoáng qua, rối loạn thị giác, thiếu hụt về thần kinh cảm giác hoặc vận động, đột quỵ, tái tạo động mạch cảnh.
  • Bệnh ở thận: có triệu chứng khát, tiểu nhiều, tiểu đêm, tiểu ra máu.
  • Bệnh ở tim: có biểu hiện đau ngực, khó thở, nhồi máu cơ tim, phù mắt cá chân, ngất, tái tạo động mạch vành, tiền sử hồi hộp, rối loạn nhịp tim, đặc biệt là rung nhĩ.
  • Bệnh ở động mạch ngoại biên: lạnh chi, cơn đau cách hồi, tái tạo động mạch ngoại biên.
  • Rối loạn nhận thức.
  • Tiền sử ngủ ngáy, bệnh phổi mạn tính, ngưng thở khi ngủ.

2.5 Khai thác về quá trình điều trị bệnh tăng huyết áp trước đó

  • Các thuốc điều trị cao huyết áp đang sử dụng.
  • Các thuốc điều trị cao huyết áp đã sử dụng trước đây.
  • Hiệu quả và tác dụng phụ của các loại thuốc đã sử dụng.
Đau ngực
Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những người có tiền sử gia đình và cá nhân bị tăng huyết áp, bệnh tim mạch

3. Chẩn đoán tổn thương do cao huyết áp bằng phương pháp khám thực thể

Khám thực thể giúp bác sĩ xác định chẩn đoán cao huyết áp, xác định trị số huyết áp hiện thời, sàng lọc nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát và đánh giá nguy cơ tim mạch. Chẩn đoán tăng huyết áp xác thực khi trị số huyết áp qua 2 lần đo ở ít nhất 2 lần thăm khám đều khẳng định có tăng huyết áp.

3.1 Biểu hiện tăng huyết áp thứ phát

  • Có các đặc điểm của hội chứng Cushing.
  • Sờ thấy thận to (bệnh thận đa nang).
  • Da có dấu hiệu của bệnh u xơ thần kinh (u tế bào ưa sắc tố).
  • Nghe thấy tiếng thổi ở bụng (cao huyết áp do bệnh động mạch thận).
  • Nghe thấy tiếng thổi ở vùng trước tim hoặc thành ngực (do hẹp eo động mạch chủ, bệnh van động mạch chủ hoặc bệnh động mạch chi trên).
  • Mạch đùi nảy chậm hơn mạch quay; không sờ thấy mạch; huyết áp ở đùi thấp hơn huyết áp đo ở cánh tay (do hẹp eo động mạch chủ, bệnh van động mạch chủ hoặc bệnh động mạch chi dưới).
  • Huyết áp đo ở tay trái và tay phải khác nhau (do hẹp eo động mạch chủ, hẹp động mạch dưới đòn).

3.2 Biểu hiện của tổn thương cơ quan đích

  • Võng mạc: soi võng mạc bất thường,
  • Não: thiếu hụt về thần kinh cảm giác hoặc vận động.
  • Tim: tần số tim, tiếng tim thứ ba hoặc thứ tư, rối loạn nhịp tim, có tiếng thổi ở tim, ran ở phổi, phù ngoại biên.
  • Động mạch ngoại biên: mất, giảm, mạch không đều giữa hai bên, lạnh chi, tổn thương da do thiếu máu.
  • Động mạch cảnh: có tiếng thổi tâm thu.

3.3 Biểu hiện của tình trạng béo phì

Béo phì
Bệnh nhân béo phì có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn bình thường

4. Chẩn đoán tổn thương cơ quan đích bằng các xét nghiệm cận lâm sàng

Xét nghiệm cận lâm sàng giúp phát hiện tăng huyết áp thứ phát, có tổn thương cơ quan đích hay không. Bệnh nhân chẩn đoán cao huyết áp nên làm những xét nghiệm từ đơn giản tới phức tạp. Cụ thể là:

4.1 Xét nghiệm thường quy

  • Haemoglobin và/hoặc haematocrit.
  • Cholesterol toàn phần, LDL-C, HDL-C.
  • Đường máu lúc đói.
  • Triglyceride lúc đói.
  • Natri và kali máu.
  • Creatinin máu (tính mức lọc cầu thận).
  • Acid uric máu.
  • Phân tích nước tiểu: soi nước tiểu, tìm protein, albumin trong nước tiểu.
  • Ghi điện tâm đồ 12 chuyển đạo.

4.2 Xét nghiệm bổ sung

Dựa trên tiền sử, khám thực thể và kết quả từ các xét nghiệm thường quy, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm bổ sung sau:

  • HbA1c (nếu đường máu bệnh nhân lúc đói > 5,6 mmol/L (102 mg/dL) hoặc đã được chẩn đoán đái tháo đường từ trước).
  • Định lượng protein nước tiểu (nếu trong nước tiểu bệnh nhân có protein), nồng độ natri, kali nước tiểu và tỷ lệ của chúng.
  • Theo dõi huyết áp tại nhà và huyết áp lưu động 24 giờ.
  • Siêu âm tim: siêu âm 2D, siêu âm 3D hoặc siêu âm Doppler tim.
  • Ghi điện tâm đồ lưu động 24 giờ nếu có rối loạn nhịp tim.
  • Điện tâm đồ gắng sức.
  • Siêu âm động mạch cảnh.
  • Siêu âm động mạch ngoại biên, động mạch ở bụng.
  • Đo chỉ số huyết áp cổ chân cánh tay.
  • Đo vận tốc lan truyền sóng mạc.
  • Soi đáy mắt.
Ý nghĩa xét nghiệm đông máu nhanh ROTEM trong cấp cứu
Xét nghiệm máu thường quy giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh

5. Phát hiện tổn thương cơ quan đích không triệu chứng

Tổn thương cơ quan đích không triệu chứng đóng vai trò trung gian trong chuỗi bệnh lý mạch máu (trong đó có tăng huyết áp) và giúp xác định nguy cơ tim mạch. Các kỹ thuật phù hợp sẽ được thực hiện để phát hiện các tổn thương cơ quan đích như:

5.1 Tim

  • Ghi điện tâm đồ cho bệnh nhân bị tăng huyết áp, giúp phát hiện phì đại tâm thất trái, giãn tâm nhĩ trái, rối loạn nhịp tim hoặc các bệnh tim xảy ra đồng thời.
  • Theo dõi điện tâm đồ kéo dài cho bệnh nhân có tiền sử hoặc khám thực thể có dấu hiệu rối loạn nhịp tim nặng. Trong trường hợp nghi ngờ rối loạn nhịp tim do gắng sức cần làm điện tâm đồ gắng sức.
  • Siêu âm tim: sàng lọc nguy cơ tim mạch, khẳng định bệnh phì đại tâm thất trái, giãn tâm nhĩ trái trên điện tâm đồ hoặc các bệnh tim xảy ra đồng thời.
  • Với người bệnh nghi ngờ thiếu máu cơ tim cục bộ: cần làm điện tâm đồ gắng sức, thực hiện các chẩn đoán hình ảnh gắng sức (siêu âm tim gắng sức, cộng hưởng từ gắng sức, xạ hình tưới máu cơ tim).

5.2 Động mạch

  • Siêu âm động mạch cảnh nhằm phát hiện tình trạng tăng bề dày của lớp nội – trung mạc hoặc các mảng xơ vữa động mạch, đặc biệt ở bệnh nhân lớn tuổi.
  • Đo vận tốc lan truyền sóng mạch cảnh – đùi để phát hiện tình trạng xơ cứng các động mạch lớn.
  • Đo huyết áp cổ chân – cánh tay nhằm phát hiện bệnh động mạch ngoại biên.

5.3 Mắt

Khám đáy mắt cho những bệnh nhân khó kiểm soát huyết áp hoặc tăng huyết áp kháng trị. Phương pháp này giúp phát hiện xuất huyết, xuất tiết và phù gai thị - những dấu hiệu làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.

5.4 Thận

  • Đo nồng độ creatinin máu và ước tính mức lọc cầu thận.
  • Xác định protein niệu bằng que thử.
  • Xác định vi albumin niệu.

5.5 Não

Bệnh nhân tăng huyết áp có suy giảm nhận thức cần được chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ não để phát hiện nguy cơ nhồi máu não thầm lặng, nhồi máu ổ khuyết, vi xuất huyết não và tình trạng tổn thương chất trắng.

6. Phát hiện nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát

6.1 Bệnh nhu mô thận

  • Tiền sử lâm sàng: viêm đường tiết niệu hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu, tiểu ra máu, lạm dụng thuốc giảm đau, tiền sử gia đình mắc bệnh thận đa nang.
  • Khám thực thể: sờ thấy khối bất thường ở bụng (trường hợp mắc bệnh thận đa nang).
  • Khám cận lâm sàng: thử nước tiểu thấy có protein, hồng cầu hoặc bạch cầu; mức lọc cầu thận giảm; khẳng định chẩn đoán bằng siêu âm thận.

6.2 Hẹp động mạch thận

  • Tiền sử lâm sàng: cao huyết áp xuất hiện sớm ở người bệnh hẹp động mạch thận do loạn sản xơ cơ; cao huyết áp đột ngột xuất hiện, khó kiểm soát, xuất hiện cơn phù phổi cấp ở bệnh nhân hẹp động mạch thận do xơ vữa động mạch.
  • Khám thực thể: nghe thấy tiếng thổi ở bụng.
  • Khám cận lâm sàng: siêu âm thấy kích thước 2 thận không đều, hơn kém nhau khoảng 1,5cm; chức năng thận suy giảm nhanh chóng; chụp động mạch thận bằng chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính xoắn ốc, số hóa xóa nền; siêu âm Doppler động mạch thận để khẳng định chẩn đoán.

6.3 Cường aldosterone tiên phát

  • Tiền sử lâm sàng: yếu cơ, tiền sử gia đình bị tăng huyết áp và các biến cố mạch não trước năm 40 tuổi.
  • Khám thực thể: rối loạn nhịp tim khi có biểu hiện hạ kali máu nặng.
  • Khám cận lâm sàng: hạ kali máu (tự phát hoặc do lợi tiểu), tình cờ phát hiện khối u ở thượng thận, tính tỷ lệ aldosterone/renin trong điều kiện quy chuẩn, nghiệm pháp khẳng định chẩn đoán (uống natri, truyền dung dịch muối, uống captopril) và chụp cắt lớp vi tính tuyến thượng thận.

6.4 U tủy thượng thận

  • Tiền sử lâm sàng: cơn tăng huyết áp kịch phát hoặc tăng huyết áp nặng trên nền tăng huyết áp từ trước, vã mồ hôi, đau đầu, hồi hộp, xanh xao, tiền sử gia đình có bệnh u tủy thượng thận.
  • Khám thực thể: da có dấu hiệu của bệnh u xơ thần kinh, phát hiện khối u thượng thận một cách tình cờ.
  • Khám cận lâm sàng: đo nồng độ metanephrine phân đoạn trong nước tiểu hoặc nồng độ metanephrine tự do trong máu; chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ ổ bụng và khung chậu.

6.5 Hội chứng Cushing

  • Tiền sử lâm sàng: tăng cân nhanh, khát nhiều, tiểu nhiều, rối loạn tâm thần.
  • Khám thực thể: cơ thể có ngoại hình đặc trưng như béo, mặt tròn, bướu trâu, rậm lông,...
  • Khám cận lâm sàng: tăng đường máu, bài tiết cortisone nước tiểu 24 giờ và nghiệm pháp đàn áp dexamethasone.

Chẩn đoán cao huyết áp và các tổn thương trên cơ quan đích có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả, giảm nguy cơ biến chứng. Vì vậy, người lớn tuổi nên thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà và định kỳ khám sức khỏe để kịp thời phát hiện và điều trị khi bị tăng huyết áp.

Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng đã có 30 năm kinh nghiệm về khám và điều trị các bệnh lý nội khoa, đặc biệt về chuyên khoa Nội tim mạch: động mạch vành, suy tim, van tim, rối loạn nhịp tim...Thạc sĩ, Bác sĩ Hùng từng giữ chức Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch và Trưởng Đơn vị Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và hiện đang làm việc tại Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Nội Tim mạch, Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang triển khai Gói khám Tăng huyết áp, giúp xác định nguyên nhân, biến chứng và các cấp độ tăng huyết áp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: