Có thể khắc phục hội chứng sợ đám đông như thế nào?

Hội chứng sợ đám đông (còn có tên gọi khác là hội chứng sợ khoảng trống, hội chứng sợ nơi công cộng) ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người không may mắc phải. Càng can thiệp muộn thì hội chứng sợ đám đông (cũng như các rối loạn sức khỏe tâm thần khác) càng khó điều trị, kết quả đạt được càng hạn chế. Vậy hội chứng sợ đám đông được khắc phục, điều trị như thế nào?

1. Hội chứng sợ đám đông là gì?

Hội chứng sợ đám đông (còn có tên gọi khác là hội chứng sợ khoảng trống, hội chứng sợ nơi công cộng) là một loại rối loạn lo âu, trong đó người mắc cảm thấy sợ hãi đến mức phải tránh những địa điểm, những tình huống có thể gây ra trạng thái hoảng loạn, cảm giác mắc kẹt, bối rối hoặc tuyệt vọng. Người mắc hội chứng sợ đám đông sẽ sợ hãi ngay cả trong những hoạt động hoặc tình huống rất thường ngày, chẳng hạn như di chuyển bằng phương tiện công cộng, bước vào một không gian kín hoặc không gian mở, đứng xếp hàng hoặc tiến gần một đám đông.

Nếu rối loạn lo âu đã tiến triển nặng thì sẽ rất khó để thoát ra hoặc can thiệp vào sự sợ hãi do rối loạn lo âu gây ra. Hội chứng sợ đám đông đa phần xuất hiện sau khi người mắc đã trải qua một (hoặc nhiều) cơn hoảng loạn. Những người mắc hội chứng sợ đám đông luôn luôn lo sợ mình sẽ bị rơi vào hoảng loạn một lần nữa, từ đó họ luôn cố tránh những nơi mà họ cho là có khả năng xảy ra tình huống đó.

2. Chẩn đoán hội chứng sợ đám đông

Hội chứng sợ đám đông được chẩn đoán dựa trên:

  • Các dấu hiệu và triệu chứng.
  • Thăm khám chuyên sâu với bác sĩ chuyên khoa và/hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.
  • Thăm khám lâm sàng để tìm ra các bệnh lí (nếu có) có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng.
  • Tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng sợ đám đông được liệt kê trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders - DSM-5), xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ.
Khám
Thăm khám chuyên sâu với bác sĩ chuyên khoa và/hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để được chẩn đoán hội chứng sợ đám đông

3. Điều trị hội chứng sợ đám đông

Điều trị hội chứng sợ đám đông thường kết hợp sử dụng thuốc và tâm lí liệu pháp. Việc điều trị có thể mất thời gian, nhưng sẽ khiến người mắc cảm thấy tốt hơn.

3.1 Tâm lí liệu pháp

Tâm lí liệu pháp cùng với chuyên gia sẽ giúp người mắc hội chứng sợ đám đông đặt ra mục tiêu và học các kĩ năng thực hành giảm bớt triệu chứng lo âu. Liệu pháp hành vi nhận thức (cognitive behavioral therapy - CBT) là một trong những phương pháp hiệu quả nhất của tâm lí liệu pháp đối với rối loạn lo âu nói chung và hội chứng sợ đám đông nói riêng.

Thông thường đối với những điều trị ngắn hạn, liệu pháp hành vi nhận thức tập trung dạy cho bệnh nhân những kĩ năng chuyên biệt để chịu đựng lo âu tốt hơn, đối diện với nỗi sợ và dần dần có thể quay trở lại với những hoạt động luôn bị tránh né trước đây. Thông qua quá trình này, các triệu chứng sẽ dần bị đẩy lui khi bệnh nhân bắt đầu đạt được những thành công.

Bệnh nhân có thể học được:

  • Các yếu tố khởi phát cơn hoảng loạn, các triệu chứng hoảng loạn và điều kiện khiến chúng trở nên tệ hơn.
  • Cách để chịu đựng và đương đầu với các triệu chứng lo âu.
  • Cách để đối diện với sự sợ hãi.
  • Sự lo âu sẽ dần bị đẩy lui nếu bệnh nhân dám đối mặt với nó và kiểm soát nó.

Nếu tình trạng đã nặng khiến bệnh nhân không dám ra khỏi nhà để đi khám, có thể mời bác sĩ đến nhà riêng (ít nhất là trong giai đoạn đầu điều trị), hoặc nhờ người thân, bạn bè đưa bệnh nhân đi khám.

3.2 Thuốc điều trị

Một số thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng để điều trị hội chứng sợ đám đông, đôi khi thuốc chống lo âu cũng được dùng nhưng hạn chế hơn. Đối với điều trị hội chứng sợ đám đông thì thuốc chống trầm cảm mang lại hiệu quả hơn. Loại thuốc chống trầm cảm hay được sử dụng là fluoxetine (Prozac) và sertraline (Zoloft). Bên cạnh đó các thuốc chống trầm cảm khác cũng có tác dụng và có thể được chỉ định.

Thuốc
Một số thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng để điều trị hội chứng sợ đám đông

Các triệu chứng có thể mất hàng tuần sau khi dùng thuốc mới thuyên giảm. Đôi khi bệnh nhân phải đổi các loại thuốc khác nhau để tìm ra loại có hiệu quả nhất đối với trường hợp của bệnh nhân.

Vào thời điểm bắt đầu và kết thúc điều trị bằng thuốc chống trầm cảm có thể gây nên các tác dụng không mong muốn như cảm giác khó chịu hoặc thậm chí là xuất hiện các triệu chứng của cơn hoảng loạn. Do đó khi bắt đầu điều trị, bác sĩ sẽ tăng dần liều thuốc, và khi sắp đến thời điểm kết thúc điều trị, bác sĩ sẽ giảm dần liều, để tránh các tác dụng không mong muốn xảy ra.

Nếu xuất hiện lo âu khi ra ngoài hoặc đã có cơn hoảng loạn, hãy đi khám và điều trị ngay lập tức, không để tình trạng diễn tiến nặng hơn. Càng can thiệp muộn thì rối loạn lo âu (cũng như các rối loạn sức khỏe tâm thần khác) càng khó điều trị, kết quả đạt được càng hạn chế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan