Điều trị gãy xương quai hàm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chấn thương, gãy xương vùng hàm mặt chiếm tỷ lệ khoảng 5% trong tổng số gãy xương của cơ thể nguyên nhân do va đập. Tỷ lệ này có xu hướng tăng lên trong giai đoạn hiện nay, nhất là ở Việt nam. Điều trị xương quai hàm bằng các phương tiện kết hợp xương có thể liền xương nhanh chóng.

1. Tổng quan gãy xương quai hàm

Khối xương hàm mặt có cấu trúc đặc biệt, là khung đỡ cho tổ chức phần mềm che phủ bên ngoài, tạo nên hình thể đặc thù của từng khuôn mặt khác nhau. Vùng hàm mặt chỉ có xương hàm dưới là xương vận động duy nhất, còn lại các xương liên kết với nhau bởi các khớp răng cưa bất động. Khối xương hàm mặt sắp xếp thành các lớp trên dưới, trước sau chồng chéo lên nhau, cho nên chẩn đoán gãy xương trên lâm sàng và X quang đều khó chính xác, dễ bỏ sót tổn thương .

Trong khối xương hàm mặt chứa đựng những cơ quan giữ những chức năng quan trọng và liên quan chặt chẽ đến sọ não đặc biệt là nền sọ. Khi chấn thương gãy xương thường kết hợp với những thương tổn các cơ quan và chấn thương sọ não ở các mức độ khác nhau. Cấp cứu, điều trị gãy xương vùng hàm mặt không được bỏ sót và coi nhẹ những tổn thương kết hợp trên.

Điều trị gãy xương vùng hàm mặt phải đạt được hai yếu cầu là phục hồi hình thể giải phẫu thẩm mỹ của khuôn mặt và chức năng của các cơ quan.

Gãy xương quai hàm chiếm tỷ lệ khoảng 30 - 40% gãy xương vùng hàm mặt. Các xương hàm trên, gò má - cung tiếp, xương mũi, xương khẩu cái, xương lệ, xương sàng và xương lá mía. Với những tác nhân gây gãy xương hiện nay, thường xảy ra gãy kết hợp nhiều xương cùng một lúc.

Chủ đề: gãy xương hàm mặt
Hình ảnh gãy xương quai hàm

2. Triệu chứng lâm sàng

  • Đau, sưng, phù nề sau chấn thương, đau tăng khi vận động hàm dưới và ăn nhai.
  • Hạn chế vận động hàm dưới do đau.
  • Nhìn thấy có biến dạng hoặc sưng nề lệch một bên hàm, có vết tím bầm tụ máu dưới da vùng liên quan đến ổ gãy xương.
  • Khi sờ, thấy có điểm đau chói, mất liên tục xương. Nếu gãy lồi cầu, sờ nắn vùng khớp thái dương hàm thấy đau (vùng trước tai).
  • Khám trong miệng: Thấy các vết rách niêm mạc lợi, kẽ các răng sàn miệng, chảy máu, tụ máu dưới niêm mạc.

Khám răng có thể thấy các triệu chứng sau:

  • Có di động bất thường hai răng tương ứng với vị trí gãy.
  • Sai khớp cắn trung tâm: lệch hoặc cắn hở.

Chụp X-quang hàm mặt để chẩn đoán: Chụp thẳng mặt. Chụp chếch hàm bên tổn thương (phải hoặc trái). Schuller: tìm tổn thương lồi cầu. Chụp toàn cảnh (Panorama). Trên các thế chụp giúp ta chẩn đoán tương đối chính xác số lượng, vị trí và mức độ di lệch của các đoạn gãy.

Ngoài ra có thể chụp cắt lớp vi tính để chẩn đoán.

3. Điều trị gãy xương hàm dưới

Cấp cứu điều trị ban đầu ở các tuyến:

  • Băng cố định đỉnh cằm, buộc chỉ thép liên kết các răng cạnh đường gãy để bất động phòng di lệch thứ phát, hỗ trợ cầm máu nếu có.
  • Dùng các thuốc giảm đau, chống phù nề, kháng sinh và truyền dịch nuôi dưỡng nếu cần.
  • Phòng chống ngạt (do phù nề, dịch máu, tụt lưỡi) trước khi vận chuyển về tuyến sau hoặc tuyến chuyên khoa.

Điều trị chuyên khoa:

  • Điều trị bảo tồn: Bằng các biện pháp cố định răng (nút số 8, nút bậc thang) hoặc cố định hai hàm bằng các nút buộc Ivy hay bằng cung móc (cung Tiguerstedt).
  • Các phương pháp cố định điều trị gãy xương hàm dưới được hướng dẫn cụ thể trên lâm sàng và tiểu giảng đường.
  • Điều trị bằng chỉnh hình: Chỉnh hình trong miệng là kỹ thuật ra đời sớm, được nhiều người ứng dụng và hiện nay vẫn là một phương pháp thông dụng ở nhiều nơi. Kết quả điều trị cho những trường hợp đường gãy đi qua vùng còn răng, di lệch ít. Nắn chỉnh xương gãy bằng tay hoặc bằng lực kéo. Cố định xương gãy bằng cách cố định hai hàm bằng phương pháp trong miệng: buộc dây thép, nẹp, cung cố định hàm, làm máng... và phương pháp ngoài miệng: băng cầm đầu, các khí cụ tựa vào sọ.
  • Điều trị phẫu thuật: Điều trị chỉnh hình không thực hiện được trong một số trường hợp đặc biệt: ở bệnh nhân mất nhiều răng, bệnh nhân có nhiều răng bị lung lay và bệnh nhân là trẻ em còn nhiều răng sữa. Trong các trường hợp di lệch nhiều, có thể để lại sự tiếp xúc hai đầu gãy không tốt thì phương pháp chỉnh hình sẽ không đem lại kết quả như mong muốn. Tùy thuộc vào vị trí gãy, qua đường mổ vùng dưới hàm hoặc ngách tiền đình lợi hàm dưới, nắn chỉnh đưa các đầu xương gãy về đúng vị trí giải phẫu và khớp cắn. Vì vậy, cần thiết phải có các chỉ định phẫu thuật cố định xương hàm, gồm hai phương pháp:
    • Phương pháp phẫu thuật cố định xương bằng chỉ thép: Phương pháp điều trị này sử dụng kỹ thuật khâu kết hợp xương bằng chỉ thép nhằm điều trị gãy xương hàm dưới.
    • Phẫu thuật cố định xương bằng nẹp vít: Cùng với sự phát triển về khoa học kỹ thuật trên thế giới, nẹp vít cũng được các nhà khoa học sáng chế thành nhiều loại khác nhau cả về kích thước, kiểu dáng và chất liệu. trong đó có nẹp cố định tự tiêu: Cấu tạo của các nẹp tự tiêu được tổng hợp từ phản ứng polyme hóa các dẫn xuất cacbon từ thiên nhiên. Đây là dạng vật liệu ưu việt nhất hiện nay dùng cho chấn thương chỉnh hình, với các ưu điểm là không gây độc và không bị biến dạng và ăn mòn, có tính tương thích sinh học cao, có độ bền cơ học tốt.
    • Kỹ thuật nẹp kết hợp xương bằng nẹp tổ hợp cacbon cũng tương tự các bước như với nẹp kim loại, nhưng không cần dùng dụng cụ tạo nén ép các đoạn gãy, không phải dùng loại đinh ốc nén ép và không cần ghép xương bổ sung mà hiệu quả vẫn cao. Hiện nay, ở nước ta cũng đã sản xuất được nẹp vít có cấu trúc dạng cacbon này, đã đưa sản phẩm ra thị trường, điều trị an toàn và hiệu quả hàng nghìn trường hợp phẫu thuật thay thế nẹp vít bằng kim loại, giá thành rẻ, chất lượng ngang bằng các loại ngoại nhập. Do đó, thay thế nẹp vít tự tiêu sẽ là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu trong chuyên ngành chấn thương, chỉnh hình.

4. Gãy xương hàm dưới bao lâu thì lành

Chăm sóc sau phẫu thuật
Người bệnh cần được nghỉ ngơi hợp lý và có chế độ dinh dưỡng khoa học để xương nhanh liền

Gãy xương hàm thời gian lành phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ và tình trạng sức khỏe, thể trạng của từng người. Về nguyên tắc thì sau 4 tháng thì xương gãy đã phải liền, còn 6 tháng thì chắc chắn sẽ phải lành. Các trường hợp nhẹ có thể lành nhanh hơn. Để quá trình xương hàm nhanh liền trở lại như trước bạn nên thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.

Đồng thời người bệnh cần được nghỉ ngơi hợp lý và có chế độ dinh dưỡng khoa học để xương nhanh liền như:

  • Chế độ dinh dưỡng tốt: Đây là một yếu tố đầu tiên giúp cơ thể nhanh phục hồi. Theo đó bạn hãy lựa chọn những thực phẩm cung cấp nhiều canxi, protein cùng các vitamin, khoáng chất sẽ khiến bệnh nhân nhanh hồi phục hơn.
  • Luôn giữ cho mình một tinh thần thoải mái, một tâm trạng vui vẻ, lạc quan: Đây cũng là yếu tố quan trọng không thể thiếu để giúp xương mau lành, cơ thể nhanh khỏe mạnh trở lại. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi bệnh nhân có thái độ tích cực và có niềm tin lớn thì sẽ có thời gian hồi phục ngắn hơn so với những bệnh nhân bình thường hoặc bệnh nhân với thái độ tiêu cực.
  • Ngoài để thời gian xương hàm nhanh liền nhất, bạn có thể áp dụng các biện pháp tập vật lý trị liệu và bài tập vận động phù hợp với tình trạng của cơ thể. Điều này sẽ giúp cải thiện được tình hình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan