Nguyên nhân, dấu hiệu giãn dây chằng cổ tay

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Giãn dây chằng cổ tay là tình trạng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng cách thì tổn thương có thể không hồi phục, dẫn tới tình trạng đau mạn tính hoặc để lại di chứng gây ảnh hưởng tới khả năng vận động, khó can thiệp điều trị dứt điểm.

1. Giãn dây chằng cổ tay là gì?

Dây chằng là một tổ chức gắn liền 2 đầu xương lại với nhau. Khi hệ thống dây chằng bị tổn thương, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau, khớp lỏng lẻo,... và cần điều trị để dây chằng lành lại.

Khi thấy vùng cổ tay bị đau, sưng khi cử động sau khi gặp chấn thương, dân gian thường gọi là bong gân nhưng thực ra đó là tình trạng giãn dây chằng. Cổ tay bị giãn dây chằng là chấn thương phổ biến, thường gặp ở vận động viên, người lao động nặng.

Về cơ chế gây bệnh, khi bị trượt té, con người thường có xu hướng đưa tay ra chống đỡ. Tuy nhiên, khi bàn tay chạm đất thì áp lực mạnh sẽ làm bàn tay bị bẻ cong về phía cẳng tay. Điều này làm kéo căng các dây chằng nối giữa cổ tay và xương tay, gây rách dây chằng hoặc thậm chí là đứt dây chằng.

Đau cổ tay
Dây chằng tổn thương gây ra nhiều đau đớn cho người bệnh

2. Dấu hiệu và các cấp độ giãn dây chằng cổ tay

Những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị giãn dây chằng cổ tay gồm: Sưng, đau, ấm quanh vết thương, bầm tím và có cảm giác cổ tay như bị xé rách.

Có 3 cấp độ giãn dây chằng cổ tay là:

  • Cấp 1: Bệnh nhân bị đau đi kèm với dây chằng bị tổn thương nhẹ;
  • Cấp 2: Bệnh nhân bị đau, dây chằng tổn thương nặng hơn, có cảm giác lỏng lẻo ở khớp và cổ tay;
  • Cấp 3: Người bệnh bị đau, dây chằng bị rách hoàn toàn, lỏng khớp nghiêm trọng, mất chức năng cổ tay.

3. Nguyên nhân giãn dây chằng cổ tay

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng cổ tay bị giãn dây chằng là do té ngã. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng gây ra tình trạng này gồm: Bị đánh vào cổ tay, xoắn cổ tay, tạo áp lực lên cổ tay,... Đây là chấn thương hay gặp ở cầu thủ bóng rổ, cầu thủ bóng chày, thợ lặn, vận động viên trượt ván, người tập thể hình, người lao động mang vác nặng,...

bóng rổ
Chấn thương khi chơi thể thao là một trong những nguyên nhân giãn dây chằng cổ tay

4. Điều trị giãn dây chằng cổ tay

Khi bị giãn dây chằng, bệnh nhân đi khám bác sĩ chuyên khoa vì nếu cố gắng tự chữa, tình trạng này có thể dẫn tới nhiều di chứng nghiêm trọng hơn. Để chẩn đoán giãn dây chằng, bác sĩ sẽ khám sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như: Chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, chụp X-quang khớp (sau khi tiêm thuốc nhuộm vào cổ tay), nội soi khớp (phẫu thuật rạch các đường nhỏ để đưa một camera nhỏ vào cổ tay nhằm quan sát, đánh giá bệnh).

Theo các bác sĩ, các chấn thương giãn dây chằng vừa và nhẹ có thể tự khỏi sau một thời gian. Để tăng tốc độ chữa lành thì bệnh nhân có thể làm theo những lưu ý sau:

  • Để cổ tay nghỉ ngơi tối thiểu 48 giờ;
  • Thường xuyên nâng cổ tay lên vị trí cao hơn tim và có thể đặt tay lên đầu gối;
  • Băng cổ tay: Nhằm mục đích giảm sưng, đau. Người bệnh có thể băng cổ tay 20 - 30 phút sau mỗi 3 - 4 giờ một lần trong vòng 2- 3 ngày hoặc cho tới khi hết đau;
  • Dùng nẹp cố định cổ tay: Thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về thời gian sử dụng nẹp;
  • Dùng thuốc giảm đau, kháng viêm: Các loại thuốc kháng viêm không steroid sẽ giúp giảm sưng, đau. Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như gây chảy máu, loét. Vì vậy, bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc nếu chưa có chỉ định của bác sĩ;
  • Tập các bài tập căng cơ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Với các trường hợp bị giãn dây chằng nặng (cấp độ III) khi dây chằng bị đứt hoàn toàn thì bệnh nhân có thể cần làm phẫu thuật để điều trị.

Nẹp cổ tay
Chấn thương giãn dây chằng vừa và nhẹ có thể sử dụng nẹp cố định cổ tay

5. Giãn dây chằng cổ tay bao lâu thì khỏi?

Thời gian phục hồi sau khi bị giãn dây chằng ở cổ tay sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Thông thường, bệnh nhân sẽ phải chờ khoảng 2 - 10 tuần để dây chằng có thể phục hồi lại như cũ. Và mỗi người bệnh sẽ có tốc độ phục hồi khác nhau.

Người bệnh chú ý không vận động nặng, đặc biệt là các hoạt động tác động tới cổ tay cho tới khi: Không cảm thấy đau ở cổ tay khi để yên, tay bị thương hồi phục lại sức mạnh như cũ, có thể sử dụng cổ tay bình thường để làm việc mà không bị đau,...

Trường hợp nếu bệnh nhân cố gắng dùng lực cổ tay trước khi dây chằng phục hồi hoàn toàn, tự ý tháo bỏ băng thun (hoặc nẹp cố định) khi chưa đủ thời gian,... thì có thể khiến tổn thương không phục hồi được, gây đau mãn tính hoặc gây ra những di chứng vĩnh viễn. Khi đã để lại di chứng thì việc điều trị sẽ phức tạp hơn hoặc thậm chí can thiệp không còn hiệu quả.

Khi có triệu chứng sưng, đau, bầm tím,... nghi ngờ giãn dây chằng cổ tay, bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa cơ xương khớp để được xác định chính xác tình trạng mình đang gặp phải để được điều trị thích hợp. Đồng thời, mỗi người cần chú ý đảm bảo an toàn khi lao động, tập thể thao,... để tránh nguy cơ bị giãn dây chằng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

62.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan