Teo cơ bàn tay do hội chứng đường hầm xương trụ

Hội chứng đường hầm xương trụ tuy có tỷ lệ ít hơn hội chứng đường hầm cổ tay, nhưng nếu không chú ý và điều trị sớm thì có thể dẫn đến các biến chứng ở tay như tê bì dai dẳng, teo cơ bàn tay, ảnh hưởng đến chức năng cảm giác và vận động, sinh hoạt hàng ngày.

1. Tổng quan

Dây thần kinh trụ vốn chi phối phần mặt trong cánh tay, đi vào kênh Guyon cùng động mạch trụ rồi phân tách ra thành 2 nhánh:

  • Nhánh nông: sau khi tách nhánh dây thần kinh này chui dưới cơ gấp của tay trụ, đi vòng ra sau chi phối mặt lưng cổ tay, lưng bàn tay, cạnh trong bàn tay, tác động cảm giác của ngón 5 và mặt trong ngón 4.
  • Nhánh sâu: tách ra 1 nhánh chi phối tất cả cơ ô mô út, cơ gian cốt mu tay, gian cốt gan tay, cơ giun 3-4 và cả cơ khép ngón cái.

Dây thần kinh trụ thường bị chèn ép tại rãnh thần kinh trụ ở khuỷu tay hoặc tại kênh Guyon ở cổ tay. Hội chứng đường hầm xương trụ là tình trạng dây thần kinh trụ trong ống trụ (kênh Guyon) ở cổ tay bị chèn ép khiến khu vực này bị rối loạn cảm giác và vận động, thậm chí gây các biểu hiện tê bì, teo cơ bàn tay tùy theo mức độ bị chèn ép.

Cắt bỏ dây chẳng ngang cổ tay
Dây thần kinh trụ thường bị chèn ép tại kênh Guyon ở cổ tay

2. Nguyên nhân

Hai nhóm nguyên nhân dẫn đến hội chứng đường hầm xương trụ có thể kể đến nguyên nhân gây chấn thương và không do chấn thương.

Các nguyên nhân gây chấn thương gồm:

  • Thường đè, nhấn gan bàn tay khi ấn cổ tay xuống bàn.
  • Gãy móc xương móc khi chơi các môn thể thao như golf, tennis, bóng chày...

Các nguyên nhân không do chấn thương bao gồm:

  • Các bệnh lý viêm xương khớp ở cổ tay.
  • Do các khối cơ dị dạng, khối u, nang, hạch đè ép.
  • Xương cổ tay bị các biến đổi do viêm khớp gây nên.
  • Bệnh lý mạch máu như: Huyết khối mạch máu, cục máu đông tụ trong động mạch trụ.

3. Triệu chứng

Các dấu hiệu và mức độ tổn thương của hội chứng đường hầm xương trụ còn tùy thuộc vào vị trí bị chèn ép của dây thần kinh trụ. Tổn thương đường hầm xương trụ được phân chia làm 3 nhóm với các biểu hiện lâm sàng:

  • Tổn thương nhóm I: chủ yếu do chèn ép thân dây trụ. Người bệnh thường có cảm giác teo cơ bàn tay, đặc biệt ở ngón 5 và nửa ngón 4, các cơ ô mô út và liên cốt yếu và teo dần. Ở tình trạng nặng có thể có triệu chứng bàn tay vuốt trụ.
Hội chứng ống cổ tay
Biểu hiện và tình trạng của hội chứng còn tùy thuộc vào vị trí bị chèn ép của dây thần kinh trụ

  • Tổn thương nhóm II: là nhóm chiếm tỷ lệ cao nhất, do nhánh sâu của dây trụ bị đè ép ở gần cuối ống trụ, sát với móc của xương móc. Người bệnh khi cử động bàn tay không linh hoạt, khó dạng các ngón tay. Ở thể nặng có thể có triệu chứng bàn tay vuốt trụ. Ngoài ra còn có nhóm IIA, nhánh sâu sau khi tách ra nhánh cho các cơ thuộc ô mô út thì mới bị tổn thương, nên các cơ ô mô út không bị yếu và teo.
  • Tổn thương nhóm III: là nhóm ít gặp nhất. Phạm vi tổn thương chỉ ở nhánh nông của dây trụ, ở chỗ gần hết kênh Guyon. Người bệnh chỉ bị giảm cảm giác các ngón 4 và 5, không có dấu hiệu teo cơ bàn tay. Khi áp dụng nghiệm pháp Tinel, gõ nhẹ lên vùng ngón tay tổn thương sẽ thấy dị cảm, mức độ tê bì tăng.

4. Các biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán hội chứng đường hầm xương trụ cần dựa vào việc thăm khám lâm sàng thần kinh. Ngoài ra các xét nghiệm cận lâm sàng khác cũng có giá trị chẩn đoán như:

  • Chẩn đoán điện cơ: xác định khu tổn thương, mức độ nặng, tiên lượng và theo dõi sau điều trị.
  • Chụp X-quang tay: giúp phát hiện gãy xương vùng cổ tay, gây chèn ép dây trụ.
  • Chụp cắt lớp CT hoặc chụp cộng hưởng từ: giúp phát hiện các bất thường như hạch hoặc các tổ chức phần mềm khác.

5. Các biện pháp điều trị

Việc điều trị hội chứng đường hầm xương trụ còn tùy thuộc vào mức độ bệnh, tình trạng teo cơ bàn tay.... để bác sĩ có thể chỉ định phương thức điều trị phù hợp. Các phương thức điều trị khá đa dạng, có thể kể đến:

  • Bất động cổ tay, cố định cổ tay vào khoảng thời gian nhất định (ban đêm hoặc cả ngày)
  • Thực hiện vật lý trị liệu: giúp phục hồi sức mạnh của cơ, phục hồi tầm vận động bàn tay, cổ tay và khôi phục các hoạt động chức năng hàng ngày.
Massage bàn tay
Việc điều trị hội chứng đường hầm xương trụ tùy thuộc vào tình trạng teo cơ bàn tay

  • Xoa bóp vùng cổ tay, bàn tay: giúp làm mạnh cơ, giảm rối loạn cảm giác.
  • Điều trị bằng nhiệt ở mặt trong cổ tay bằng hồng ngoại, đắp paraphin, bùn khoáng, từ trường nhiệt, sóng ngắn.
  • Dùng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm (NSAIDs)
  • Tiêm Steroid tại chỗ

Với những phương pháp trên, các triệu chứng dự kiến sẽ dần cải thiện sau 4-6 tuần điều trị. Riêng đối với trường hợp nặng khó có khả năng phục hồi thì phương án phẫu thuật sẽ được chỉ định.

Mục đích phẫu thuật là giải phóng sự chèn ép của dây thần kinh trụ ở cổ tay. Dự kiến hiệu quả từ 60-95% trường hợp. Ngược lại các biến chứng có thể gặp là: nhiễm trùng, tăng cảm lòng bàn tay, tê bì bàn tay....

Ngoài ra việc tập luyện và vận động hàng ngày cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị và phòng ngừa tái phát. Người bệnh nên tránh các tư thế đè ép, nhấn gan bàn tay khi ấn cổ tay xuống bàn, cẩn trọng khi chơi các môn thể thao hoạt động mạnh vùng cổ, bàn tay. Nên tập luyện các bài tập theo tầm vận động cổ, bàn tay thường xuyên khi đang điều trị và cả sau điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan