Cường giáp có ảnh hưởng tới khả năng mang thai và sinh con?

Bài viết được tham vấn chuyên môn - Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Bệnh cường giáp ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và cả quá trình mang thai của người mẹ. Chính vì vậy, việc tìm hiểu về bệnh là điều rất cần thiết bó có thể giúp bạn cách xử lý thích hợp khi gặp những triệu chứng của bệnh.

1. Cường giáp là gì?

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, gia tăng sản xuất hormone tuyến giáp T3 (liothyronin) và T4 (levothyroxin) vào máu, gây ra những rối loạn chuyển hóa của cơ thể. Có nhiều nguyên nhân gây cường giáp như:

  • Nguyên nhân ngoài tuyến giáp: Do các yếu tố như Có các kháng thể kháng giáp, mang thai trứng, u thùy trước tuyến yên tăng sản xuất TSH (hormone kích thích tuyến giáp) hoặc các u khác gây tăng sản xuất hoạt chất giống TSH;
  • Nguyên nhân tại tuyến giáp: Một phần mô của tuyến giáp gia tăng hoạt động do sự mất kiểm soát của tuyến yên, từ đó làm tăng sản xuất hormone tuyến giáp.

Cường giáp thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, hiếm gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi. Các triệu chứng cơ bản của bệnh bao gồm: Căng thẳng, khó chịu, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, run tay, lo lắng, khó ngủ, da mỏng, khô, tóc dễ gãy rụng, cơ bắp yếu (đặc biệt ở cánh tay và đùi), hay đi đại tiện, sụt cân dù vẫn cảm thấy thèm ăn, nôn mửa,... Phụ nữ có thể đi kèm triệu chứng kinh nguyệt bất thường, có thể lượng kinh nguyệt sụt giảm hoặc vòng kinh không đều. Người cao tuổi các triệu chứng mờ nhạt hơn.

Cường giáp
Bệnh cường giáp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

2. Biến chứng của bệnh cường giáp

  • Cơn cường giáp cấp (cơn bão giáp): Dễ xảy ra ở bệnh nhân cường giáp nặng hoặc bệnh nhân không được điều trị. Các biểu hiện bệnh bao gồm gầy nhanh, vã nhiều mồ hôi, sốt cao, kích động, đôi khi mệt lả, tim đập rất nhanh (180 – 200 lần/phút), loạn nhịp tim, trụy tim mạch;
  • Biến chứng tim: Thường gặp ở bệnh nhân điều trị muộn hoặc điều trị không đầy đủ. Các biến chứng thường gặp là rối loạn nhịp tim, Rung nhĩ, loạn nhịp hoàn toàn, có thể gây biến chứng lấp mạch não, gây liệt nửa người. Ngoài ra, người bệnh cường giáp còn có thể phải đối diện với nguy cơ suy tim toàn bộ.

3. Cường giáp có gây vô sinh?

Tuyến giáp sản sinh những hormone thiết yếu cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể. Từ đó, các bệnh lý ở tuyến giáp có thể ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của bệnh nhân trước, trong và sau khi mang thai. Cường giáp gây dư thừa nồng độ hormone giáp trong cơ thể, ảnh hưởng tới cách sử dụng năng lượng của cơ thể, dẫn tới triệu chứng kinh nguyệt không đều ở phụ nữ, làm tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn. Theo khảo sát, có khoảng 2,3% phụ nữ có vấn đề về sinh sản mắc bệnh cường giáp. Tỷ lệ bệnh chiếm trung bình khoảng 1,5% dân số.

Tuy nhiên, nếu điều trị cường giáp kịp thời, đúng cách, cơ hội làm mẹ của phụ nữ vẫn rất cao. Vậy bị cường giáp mang thai được không? Phụ nữ độ tuổi sinh sản sau khi được điều trị ổn định cường giáp, dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa nội tiết vẫn có thể có thai và sinh sản bình thường.

Trước khi mang thai, các cặp vợ chồng cần được tư vấn những gì?
Nên thăm khám bác sĩ trước khi quyết định mang thai

Trong trường hợp điều trị cường giáp chưa khỏi mà mang thai thì người phụ nữ có thể phải đối diện với một số nguy cơ như sảy thai, sinh non hoặc thai chết trước khi sinh. Ngoài ra, phụ nữ mang thai mắc bệnh cường giáp còn dễ xuất hiện những cơn nhiễm độc giáp kịch phát.

Nếu đã mang thai thì trong giai đoạn này không nên dùng thuốc kháng giáp tổng hợp hoặc điều trị bằng iode phóng xạ để tránh gây ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Nếu lỡ mang thai khi chưa điều trị bệnh ổn định thì có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật cắt bỏ gần hoàn toàn tuyến giáp theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Thời điểm phẫu thuật tốt nhất là nửa đầu thai kỳ để tránh sảy thai sau mổ. Cần được bác sỹ tư vấn trong từng trường hợp cụ thể.

Khi gặp phải những triệu chứng như đổ mồ hôi nhiều, khó ngủ, run tay, sụt cân, căng thẳng, tim đập nhanh,... thì bệnh nhân nên đến chuyên khoa Nội tiết - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám. Với hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, các bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm của Vinmec sẽ chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và đưa ra phương án điều trị thích hợp. Điều trị sớm, đúng cách theo phác đồ của bác sĩ đưa ra sẽ giảm tới mức tối thiểu nguy cơ vô sinh, hiếm muộn do cường giáp.

Phó Giáo sư. Tiến sĩ Hoàng Đăng Mịch có trên 42 năm làm nghề y, có thế mạnh trong các lĩnh vực chuyên khoa về Gan - Thận - Bệnh lý miễn dịch... Hiện tại, bác sĩ đang là Cố vấn chuyên môn Nội tổng quát khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội.

34.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan