6 lợi ích sức khỏe hàng đầu của cây baobab

Baobab là cây trồng đặc trưng cho một số vùng trên thế giới như các nước châu Phi, Úc và Madagascar. Tên khoa học của cây baobab là Adansonia. Những cây baobab trưởng thành có chiều cao lên đến 30 mét và cho ra nhiều quả có vị ngon tương tự như cam quýt. Lá, hạt và quả cây baobab có thể được nghiền thành bột mịn và có nhiều lợi ích đa dạng cho sức khoẻ của con người, được sử dụng để chế biến nhiều món ăn khác nhau. Bài viết này sẽ cung cấp về những lợi ích sức khỏe của cây baobab.

1. Giàu khoáng chất và các vitamin quan trọng

Nghiên cứu cho thấy các chất dinh dưỡng có trong cây baobab thay đổi tùy thuộc vào các vùng địa lý khác nhau, nơi cây được trồng và chăm sóc. Sự khác biệt này còn được ghi nhận theo những phần khác nhau của cây baobab, như lá, quả hay hạt cây.

Quả cây baobab là nguồn dinh dưỡng chứa nhiều vitamin C, chất chống oxy hoá và nhiều khoáng chất khác như kali, magie, sắt và kẽm. Lá cây baobab chứa nhiều canxi và protein dễ tiêu hoá. Trong khi đó, hạt của cây baobab là loại hạt giàu chất xơ, chất béo và vi chất như canxi, sắt, và vitamin B1. Tuy nhiên, ở những vùng không trồng được cây baobab, bột baobab là sự lựa chọn thay thế phổ biến nhất. Bột cây baobab chứa nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng khác nhau nhưng đặc biệt giàu vitamin C, vitamin B6, vitamin B3, sắt và Kali.

Mỗi 20 gram bột cây baobab cung cấp khoảng:

  • 50 calories
  • 1 gram protein
  • 16 gram carbs
  • 9 gram chất xơ
  • 58% nhu cầu hằng ngày (RDI) vitamin C
  • 24% RDI vitamin B6
  • 20% RDI vitamin B3
  • 9% RDI sắt
  • 9% RDI kẽm
  • 8% RDI magie
  • 7% RDI canxi

Vì thế, cả bột cây baobab và các bộ phận tươi của cây đều giàu các chất dinh dưỡng như protein, vitamin C, chất chống oxi hoá, kali, magie, sắt, kẽm, canxi và các vitamin nhóm B.

cây baobab
Cây baobab chứa nhiều vi chất cần thiết cho sức khỏe của người dùng

2. Có ích trong việc giảm cân nhờ vì tạo được cảm giác no

Một số nghiên cứu cho rằng bổ sung baobab trong chế độ ăn có ích cho việc giảm cân. Nó có thể tạo ra cảm giác no, giảm lượng thức ăn tiêu thụ và giảm cân.

Một nghiên cứu nhỏ tiến hành trên 20 người nhận thấy rằng uống sinh tố chứa 15 gam bột cây baobab có hiệu quả giảm cảm giác đói đáng kể.

Baobab là thực phẩm giàu chất xơ, khoảng 4,5 gam chất xơ có trong khoảng 10 gram bột cây baobab. Chất xơ được vận chuyển với tốc độ chậm và có thể làm chậm thời gian làm trống dạ dày, kéo dài cảm giác no lâu hơn. Khi bổ sung chất xơ khoảng 14 gram mỗi ngày, lượng calo hấp thụ sẽ giảm đi 10% và trọng lượng cơ thể giảm trung bình khoảng 1,9 kg trong vòng 1 tháng.

3. Điều hòa nồng độ đường trong máu

Một nghiên cứu nhận thấy rằng bổ sung bột baobab trong bánh mì trắng giúp giảm lượng tinh bột dễ tiêu hoá và làm chậm mức độ gia tăng đường huyết trong cơ thể. Tương tự, một nghiên cứu khác tiến hành trên 13 người cho rằng sử dụng chiết xuất baobab để làm bánh mì trắng giúp giảm lượng insulin cần có để vận chuyển đường từ máu và các mô trong quá trình điều hòa lượng đường trong máu.

Vì giàu chất xơ, cây baobab cũng có thể giảm tốc độ hấp thu đường trong máu, tránh tạo ra các đỉnh tăng đường máu và ổn định nồng độ đường trong máu.

Biến chứng mạch máu nhỏ do đái tháo đường gây ra
Cây baobab giúp điều hòa nồng độ đường trong máu của người dùng

4. Cung cấp các chất chống oxi hoá và polyphenol giúp giảm tình trạng viêm

Baobab chứa nhiều chất chống oxi hoá và polyphenol có khả năng bảo vệ cơ thể trước các thương tổn do quá trình oxy hoá và giảm các phản ứng viêm trong cơ thể.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng phản ứng viêm mạn tính có thể là yếu tố liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau của cơ thể như bệnh lý tim mạch, bệnh ác tính, đái tháo đường và các bệnh lý tự miễn.

Mặc dù chỉ giới hạn trên động vật, một số nghiên cứu đã quan sát thấy được cây baobab có thể hạn chế các phản ứng viêm xảy ra bên trong cơ thể. Một nghiên cứu trên chuột nhận thấy quả cây baobab có khả năng làm giảm số lượng các marker của phản ứng viêm và giúp bảo vệ tim tránh khỏi những thương tổn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các nghiên cứu tiến hành trên động vật, cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để xác định sự ảnh hưởng của cây baobab lên quá trình viêm bên trong cơ thể con người.

5. Giàu chất xơ cải thiện sức khỏe hệ tiêu hoá

Cây baobab là nguồn chất xơ dồi dào, và bột cây baobab có thể cung cấp đủ 18% nhu cầu chất xơ hằng ngày trong khoảng 10 gram.

Chất xơ di chuyển trong các cơ quan hệ tiêu hoá khá chậm và là chất dinh dưỡng thiết yếu cho sức khỏe hệ tiêu hoá. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung nhiều chất xơ trong chế độ ăn hằng ngày giúp ích cho việc đại tiện ở những người bị táo bón.

Chất xơ cũng đóng vai trò như một prebiotic, cung cấp dinh dưỡng cho hệ khuẩn chí đường ruột, cải thiện sức khỏe hệ vi sinh đường ruột. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng tăng lượng chất xơ trong khẩu phần ăn hằng ngày có thể bảo vệ cơ thể trước các bệnh lý như trĩ, viêm đường ruột hay loét đường tiêu hoá. Tóm lại, baobab là cây có nhiều chất xơ, giúp cải thiện sức khỏe đường ruột và phòng ngừa nhiều bệnh lý khác nhau.

baobab
Bột cây baobab giúp cải thiện tình trạng của hệ tiêu hóa

6. Nguồn dinh dưỡng tuyệt vời bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày

Cây baobab được trồng nhiều ở các nước châu Phi, Madagascar và Úc. Nó có thể được ăn tươi hoặc sử dụng như một nguyên liệu bổ sung chế biến các món tráng miệng, sinh tố, món canh và món hầm. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có thể trồng được cây baobab. Vì thế bột cây baobab được chế biến và cung cấp rộng rãi cho những khu vực không có cây baobab trong môi trường tự nhiên. Bột cây baobab có thể được sử dụng hằng ngày theo một cách nhanh chóng và thuận lợi như hoà tan bột cây baobab với nước hoa quả, trà, sinh tố hoặc sữa chua cùng với bột yến mạch.

Cây baobab có thể được sử dụng tươi hoặc dưới dạng bột trong nhiều món ăn khác nhau, tùy theo sự sáng tạo và ý thích của mỗi người.

7. Các tác dụng không mong muốn của cây baobab

Mặc dù hầu hết mọi người có thể sử dụng cây baobab một cách an toàn nhưng một số các tác dụng không mong muốn cũng có thể xuất hiện.

Đầu tiên, hạt và quả của cây baobab chứa một số chất có hại như phytates, tannins và axit oxalic. Đây là những chất có khả năng cản trở việc hấp thu các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, hàm lượng các chất này quá thấp để có thể ảnh hưởng đến nhiều người, đặc biệt với những người có chế độ ăn cân bằng và giàu các chất dinh dưỡng.

Sự hiện diện của axit béo cyclopropenoid trong dầu cây baobab cũng có thể là một vấn đề không có lợi vì nó ngăn cản sự tổng hợp của các axit béo khác và gây ra nhiều vấn đề sức khoẻ khác nhau.

Các nghiên cứu cho thấy rằng các thành phần có hại kể trên đã giảm đi đáng kể sau quá trình chế biến, do vậy chúng không nguy hiểm đối với đa số mọi người. Cuối cùng, nghiên cứu hiện vẫn giới hạn về tác dụng của cây baobab ở phụ nữ mang thai và cho con bú.

Tóm lại, biện pháp tốt nhất là bạn nên tham vấn ý kiến của bác sĩ trước nếu có bất kỳ thắc mắc nào và nên sử dụng cây baobab với lượng vừa phải, không được lạm dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan