Bị tiểu đường ăn khoai sọ được không?

Tiểu đường ăn khoai sọ có được không là băn khoăn của nhiều bệnh nhân. Thực tế, tuy có chứa nhiều dưỡng chất quan trọng nhưng vì có hàm lượng tinh bột lớn nên khoai sọ không phải là loại thực phẩm được khuyên dùng cho bệnh nhân tiểu đường.

1. Thành phần dinh dưỡng của khoai sọ

Khoai sọ là loại củ giàu chất dinh dưỡng, thuộc nhóm thực phẩm tương tự khoai tây, bánh mì hay gạo. Khoai sọ là nguồn cung cấp tinh bột dồi dào cùng nhiều dưỡng chất thiết yếu như chất xơ, vitamin, magie, kali, mangan, phốt pho và các axit amin,...

Hàm lượng chất xơ cao trong khoai sọ giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cải thiện hệ thống tiêu hóa. Ngoài ra, khoai sọ còn có hàm lượng cao vitamin E - hoạt chất chống oxy hóa. Do đó, khoai sọ có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa bệnh tim mạch và ung thư.

2. Tiểu đường ăn khoai sọ được không?

Theo kinh nghiệm dân gian hoặc truyền miệng, nhiều bệnh nhân tiểu đường bỏ cơm và ăn khoai trừ bữa. Tuy nhiên, đây là thói quen không tốt, có thể khiến bệnh nặng hơn. Khoai sọ là một trong những loại thực phẩm có chứa lượng lớn tinh bột. Khoai sọ có chỉ số đường huyết là 58. Chỉ số này sẽ tăng lên khi khoai được nấu chín. Chính vì vậy, ăn khoai sọ có thể làm tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cũng như tình trạng bệnh.

Do đó, người bệnh tiểu đường cần hạn chế và thận trọng khi ăn khoai sọ. Bệnh nhân không nhất thiết phải loại bỏ loại thực phẩm này hoàn toàn khỏi thực đơn nhưng cần chú ý kiểm soát lượng khoai sọ nạp vào cơ thể. Người bệnh chỉ nên ăn khoai sọ với lượng cực ít để có thể kiểm soát tốt chỉ số đường huyết. Bệnh nhân nên phối hợp sử dụng khoai sọ và các thực phẩm chứa tinh bột khác, đảm bảo không nạp quá 130g tinh bột/ngày.

3. Lưu ý khi ăn khoai sọ

Để tránh những tác dụng không mong muốn khi ăn khoai sọ, bạn cần chú ý tới những điều sau:

  • Khi sơ chế khoai, nên vứt bỏ phần bị hỏng và mọc mầm để tránh nguy cơ ngộ độc;
  • Không gọt vỏ khoai sọ quá dày vì sẽ làm mất đi một lượng lớn protein;
  • Khoai sọ có chất gây ngứa nên những người có làn da nhạy cảm nên đeo găng tay khi gọt khoai, tránh nguy cơ bị kích ứng da;
  • Khi sơ chế khoai, bạn nên ngâm kỹ và nấu chín nhằm làm giảm bớt hàm lượng calci oxalat trong khoai;
  • Người bị đờm được khuyên không nên ăn khoai sọ vì loại thực phẩm này có thể làm tăng lượng đờm trong cơ thể, cản trở quá trình khôi phục sức khỏe;
  • Bệnh nhân mắc các bệnh dị ứng như nổi mề đay, hen suyễn, chàm hay viêm mũi dị ứng không nên ăn khoai sọ vì nó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh;
  • Hạn chế hoặc không nên cho trẻ ăn khoai sọ bởi hệ tiêu hóa của trẻ yếu, tiêu hóa khoai khá chậm;
  • Người bệnh gout không nên ăn khoai sọ vì trong loại khoai này có hàm lượng lớn calci oxalat sẽ làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh gout.
Bị tiểu đường ăn khoai sọ được không?
Lưu ý khi ăn khoai sọ cần được sơ chế cẩn thận đối với người bệnh tiểu đường

4. Lưu ý trong thói quen ăn uống của bệnh nhân tiểu đường

Để duy trì chỉ số đường huyết ở ngưỡng an toàn, người bệnh cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho phù hợp. Bệnh nhân tiểu đường nên chú ý thực hiện theo thói quen ăn uống sau đây:

  • Tránh những thực phẩm nhiều đường như nước ngọt, bánh kẹo, sữa có đường, socola, trái cây nhiều đường (mít, chuối chín, xoài chín, nho, sầu riêng,...) vì những loại thực phẩm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số đường huyết của bệnh nhân;
  • Hạn chế những món ăn quá nhiều chất béo như nội tạng động vật, các món chiên xào, đồ ăn nhanh,... để giảm nguy cơ gặp phải những biến chứng của bệnh tiểu đường. Thay vào đó, bệnh nhân tiểu đường nên ưu tiên sử dụng những thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh hay trái cây,...;
  • Nên uống nhiều nước lọc và hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, bia hay thuốc lá. Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế ăn mặn và định kỳ kiểm tra đường huyết để có thể điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp.

Khoai sọ tuy là loại thực phẩm có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng người bệnh tiểu đường nên hạn chế sử dụng loại khoai này vì nó có hàm lượng tinh bột lớn. Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường còn cần chú ý thay đổi về chế độ dinh dưỡng và luyện tập, tích cực tập thể dục thể thao và kiểm tra sức khỏe thường xuyên để kiểm soát bệnh tốt hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan