Dị ứng hạt mè: Nguy hiểm cho sức khỏe

Dị ứng hạt mè có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào, ở những người có nguy cơ cao bị dị ứng thực phẩm hoặc mắc bệnh chàm nặng. Hiện nay, hạt mè được xếp vào danh sách những loại thực phẩm gây dị ứng và nó có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe. Do đó, việc tìm hiểu và chuẩn bị sẵn tâm thế phòng ngừa dị ứng mè sẽ giúp bạn hạn chế đáng kể nguy cơ mắc bệnh.

1. Dị ứng hạt mè có gây nguy hiểm cho sức khỏe?

Mặc dù là 1 trong các loại thực phẩm thường được sử dụng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn khác nhau nhưng hạt mè cũng tiềm ẩn những mối nguy cơ lớn cho sức khỏe, điển hình là tình trạng dị ứng hạt mè.

Theo dữ liệu nghiên cứu cho thấy, sau 8 các loại thực phẩm gây dị ứng (bao gồm sữa, trứng, hạt, đậu phộng, động vật có vỏ, lúa mì, đậu nành và cá) thì hạt mè đứng ở vị trí thứ 9.

Tình trạng dị ứng mè có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh, bao gồm nhức đầu, sưng tấy da, phát ban, khó thở, mất ý thức, khó chịu đường tiêu hoá, lo lắng, thậm chí có cảm giác hoảng loạn. Mặc dù vậy, mỗi người vẫn có thể hạn chế tối đa khả năng bị dị ứng mè thông qua việc tránh tiếp xúc với những thực phẩm có chứa chúng.

2. Nguyên nhân gây ra tình trạng dị ứng hạt mè

Mè là một trong số những loại hạt gây dị ứng phổ biến nhất. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dị ứng hạt mè bao gồm:

  • Dị ứng do kháng thể Immunoglobulin E (IgE), xảy ra trong vòng vài phút sau khi người bệnh tiếp xúc với thực phẩm gây dị ứng;
  • Dị ứng do các bộ phận khác của hệ thống miễn dịch trong cơ thể, tuy nhiên trường hợp này không gây ra các triệu chứng rõ ràng trong nhiều ngày.

Hầu hết các trường hợp dị ứng do sốc phản vệ qua trung gian IgE thực sự đều rất nghiêm trọng. Thậm chí, sốc phản vệ do dị ứng hạt mè có thể gây tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Các chuyên gia đã phát hiện ra rằng, tác nhân (hoặc chất gây dị ứng) chính trong hạt mè thực chất xuất phát từ một loại protein, có tên là oleosin. Hơn nữa, mè cũng có chứa nhiều loại protein khác, trong đó một số loại vẫn chưa được xác định cụ thể và khả năng cao những chất này có thể là “thủ phạm” gây dị ứng.

dị ứng mè
Dị ứng mè có thể do kháng thể Immunoglobulin E (IgE)

3. Nguy cơ gây dị ứng hạt mè

Mặc dù hầu hết các trường hợp dị ứng mè thường bắt đầu từ thời thơ ấu, tuy nhiên thực tế nó có thể phát triển ở bất kỳ lứa tuổi nào. Nhìn chung, những người có nguy cơ cao bị dị ứng hạt mè chủ yếu thuộc nhóm người đã từng bị dị ứng thực phẩm hoặc bị bệnh chàm nặng.

Nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố di truyền cũng góp phần quan trọng đối với các nguy cơ gây dị ứng hạt mè. Tuy nhiên, tiền sử gia đình không thực sự là một tác nhân đáng lưu ý. Chẳng hạn, gia đình có bà hoặc ông bị dị ứng hạt mè nhưng điều đó không có nghĩa là bạn hoặc con bạn cũng gặp phải tình trạng tương tự.

4. Bạn nên làm gì khi có nguy cơ bị dị ứng mè?

Nếu bạn có nguy cơ cao bị dị ứng mè thì nên tránh tiêu thụ các loại thực phẩm, chẳng hạn như bánh hamburger có hạt hoặc nước sốt salad được làm từ mè. Tuy nhiên, rất khó có thể tránh hoàn toàn khả năng tiếp xúc với loại hạt này vì nhiều loại thực phẩm không ghi rõ mè là một thành phần chính. Hoặc trong một số sản phẩm chỉ liệt kê mè là gia vị hay một hương liệu tự nhiên.

Thực tế, hạt mè có thể được bổ sung thêm vào nhiều loại thực phẩm vẫn được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường hiện nay, chẳng hạn như bánh quy, kem, kẹo, vỏ bánh pizza, bơ thực vật, mì hoặc súp. Ngay cả những sản phẩm dược mỹ phẩm, bao gồm xà phòng, son dưỡng môi hoặc kem dưỡng da cũng có thể chứa hạt mè.

Tuỳ thuộc vào mức độ, ngay cả khi bạn ăn một lượng nhỏ hạt mè cũng có thể đủ để gây ra phản ứng dị ứng. Do vậy, bạn chỉ nên ăn những loại thực phẩm biết rõ là an toàn và không chứa mè gây dị ứng. Ngoài ra, hãy chú ý và đọc kỹ lưỡng những dán nhãn trên thực phẩm, đồng thời loại bỏ ngay những sản phẩm không liệt kê minh bạch các thành phần.

hạt gây dị ứng
Mè là hạt gây dị ứng phổ biến nên bạn cần thận trọng khi sử dụng

5. Một số lời khuyên cho những người bị nhạy cảm với mè

Tương tự như tất cả các trường hợp dị ứng thực phẩm, việc đọc nhãn và tìm hiểu kỹ về các thành phần trong những đồ ăn chế biến sẵn được xem là cách giúp bạn ngăn ngừa được tình trạng dị ứng nghiêm trọng.

Một số lời khuyên có thể hữu ích đối với những người nhạy cảm với hạt mè, bao gồm:

  • Tìm hiểu và lựa chọn kỹ lưỡng thực phẩm trước khi ăn: Bạn nên đọc kỹ nhãn dinh dưỡng đối với bất kỳ loại thực phẩm chế biến sẵn, cũng như các hỗn hợp gia vị. Mè đôi khi được ghi với những cái tên như “benne”, “sesamol”, “gingelly” hoặc “til”.
  • Cẩn trọng khi sử dụng các loại dầu thực vật: Dầu mè tinh chế cao được xem là an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, bạn nên tránh tiêu thụ những loại dầu mè được ép lạnh.
  • Cẩn thận khi thưởng thức món ăn ở các vùng khác nhau: Nhiều nền văn hoá sử dụng hạt mè thường xuyên trong chế biến thực phẩm. Một số quốc gia cũng không có luật nghiêm ngặt về việc ghi nhãn dinh dưỡng nhằm giúp xác định các thành phần của thực phẩm. Do đó, nếu bị dị ứng mè, bạn nên hết sức cẩn trọng khi thưởng thức những món ăn tại các quốc gia hay nền văn hoá khác.
  • Nhận biết các chất gây dị ứng khác: Những bệnh nhân bị dị ứng hạt mè nên tìm hiểu về khả năng phản ứng chéo với các loại hạt khác, chẳng hạn như hạt anh túc, hạt cây và đậu phộng. Hiện tại vẫn chưa rõ liệu phản ứng chéo có gây nguy hiểm lâm sàng hay không, vì vậy bạn nên tham khảo sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa dị ứng nhằm đánh giá nguy cơ cá nhân của mình.
  • Có kế hoạch dự phòng trong trường hợp khẩn cấp: Bạn cần mang theo các thiết bị epinephrine, chẳng hạn như Auvi-Q hoặc EpiPen. Các chuyên gia cho biết, epinephrine hoạt động nhanh và nhạy hơn nhiều so với các loại thuốc điều trị dị ứng khác như Zyrtec hoặc Benadryl.
  • Nhận biết các dấu hiệu ban đầu của dị ứng hạt mè: Khi phát hiện cơ thể có các biểu hiện của dị ứng mè như ngứa, phát ban, buồn nôn, nôn mửa, sưng tấy, chóng mặt hoặc khó thở, bạn cần sử dụng thiết bị epinephrine hoặc tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
  • Suy nghĩ cởi mở và lạc quan hơn về dị ứng: Bạn nên hy vọng điều tốt nhất và chuẩn bị sẵn tâm thế cho điều tồi tệ nhất khi tình trạng dị ứng xảy ra.

Tóm lại, dị ứng thực phẩm nói chung và dị ứng hạt mè nói riêng có thể “tấn công” bạn vào bất cứ thời điểm nào, do đó bạn nên suy nghĩ theo hướng tích cực và tìm đến sự trợ giúp của người thân, bạn bè hoặc bác sĩ trong các trường hợp khẩn cấp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan