Nguy cơ mắc bệnh bệnh Beriberi do thiếu vitamin B1

Vitamin B1 có vai trò quan trọng đối với nhiều các cơ quan trong cơ thể. Nếu thiếu hụt loại vitamin này trong cơ thể sẽ gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có bệnh Beriberi.

1.Vitamin B1 là gì?

Vitamin B1 còn được gọi là thiamine, là một trong 8 loại vitamin B thiết yếu có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Vitamin này được sử dụng bởi hầu hết các tế bào và chịu trách nhiệm chuyển đổi thức ăn thành năng lượng. Vì cơ thể con người không thể sản xuất thiamine, nên phải bổ sung vitamin này qua nhiều loại thực phẩm giàu thiamine như thịt, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Nếu dung nạp không đủ các thực phẩm này có thể dẫn đến thiếu vitamin B1 (còn gọi là beriberi).

2. Bệnh Beriberi là gì?

Bệnh Beriberi là một bệnh tê phù gây ra do sự thiếu hụt vitamin B1. Bệnh được phân làm hai loại: Tê phù ướt (wet Beriberi) và tê phù khô (dry Beriberi). Bệnh tê phù ướt có ảnh hưởng đến tim mạch và hệ tuần hoàn. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, tê phù ướt còn dẫn đến suy tim. Bệnh tê phù khô gây tổn thương các dây thần kinh và gây ra mất trương lực cơ và thậm chí gây liệt cơ. Theo đó, bệnh Beriberi có thể gây đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị.

Phù Beriberi
Hình ảnh người bệnh mắc bệnh Beriberi với biểu hiện phù 2 chi dưới

3. Nguyên nhân gây bệnh Beriberi

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh Beriberi là chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin B1. Căn bệnh này phổ biến tại những khu vực người dân có thói quen ăn gạo xay xát quá kỹ, hoặc những loại gạo chỉ chứa khoảng 1/10 hàm lượng thiamin so với gạo trắng bình thường.

Những nguyên nhân khác có thể gây thiếu hụt thiamin bao gồm:

  • Những người nghiện rượu: Cơ thể những người này sẽ khó hấp thu và dự trữ thiamin.
  • Mắc bệnh Beriberi do gen: Đây là trường hợp rất hiếm khi cơ thể không thể hấp thu thiamin từ thức ăn.
  • Những phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và những người mắc chứng cường giáp cần bổ sung tăng cường thiamin.
  • Tiêu chảy kéo dài hoặc sử dụng các thuốc lợi tiểu cũng dẫn tới thiếu hụt thiamin.
  • Những trẻ sơ sinh bú sữa công thức chứa hàm lượng thiamin thấp.
  • Những bệnh nhân chạy thận cũng có nguy cơ cao mắc bệnh Beriberi do cơ thể thiếu hụt nguồn thiamin dự trữ.

4. Triệu chứng của bệnh Beriberi

Triệu chứng của bệnh Beriberi lúc đầu âm thầm, không rõ nên thường bị bỏ qua. Người bệnh chỉ thấy mệt mỏi, chân đi chóng mỏi và có cảm giác nặng ở bắp chân. Về chiều tối, chân hơi bị phù ở vùng mắt cá và tê, có cảm giác râm ran như kiến bò ở bắp chân, hay bị chuột rút, thỉnh thoảng thấy tim đập hồi hộp. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ nặng dần.

Bệnh Beriberi được chia thành 3 mức độ:

  • Ở mức nhẹ: Bệnh nhân mới bị mất hoặc giảm cảm giác, giảm phản xạ, chủ yếu ở chi dưới. Lúc này nếu được điều trị, bệnh sẽ khỏi nhanh.
  • Ở mức trung bình: Bệnh nhân mất cảm giác, mất phản xạ gân xương, có hiện tượng nhược cơ, đi lại khó khăn nhưng chưa bị teo cơ hoặc teo cơ chưa rõ.
  • Ở mức độ nặng: Người bệnh bị phù toàn bộ hai chi dưới, mất phản xạ gân xương, mất cảm giác, bị teo cơ không đi lại được, có thể tử vong do suy tim, nhất là với trẻ em.
Phù
Người bệnh Beriberi giai đoạn nặng bị phù toàn bộ 2 chi dưới

Bệnh có thể xảy ra ở một vài người nhưng cũng có thể thành đại dịch lớn. Bệnh có thể qua khỏi nhanh khi được bổ sung vitamin B1 với liều cao nhưng cũng có thể tử vong mà không cứu chữa kịp thời.

5. Biến chứng của bệnh Beriberi

Nếu tình trạng thiếu hụt vitamin B1 nhẹ biểu hiện trên hệ thần kinh như viêm dây thần kinh ngoại biên, rối loạn cảm giác các chi, có thể tăng hoặc mất cảm giác. Trương lực cơ giảm dần và có thể gây ra chứng bại chi hoặc liệt một chi nào đó.

Thiếu hụt vitamin B1 trầm trọng gây rối loạn nhân cách, trầm cảm, thiếu sáng kiến và trí nhớ kém như trong bệnh não Wernicke và nếu điều trị muộn gây loạn tâm thần Korsakoff.

6. Chẩn đoán bệnh Beriberi

Bệnh Beriberi được bác sĩ tiến hành chẩn đoán dựa vào các xét nghiệm: Xét nghiệm máu, nước tiểu giúp đo nồng độ vitamin B1 trong cơ thể. Xác định hoạt tính enzyme transketolase của hồng cầu. Nếu cơ thể không thể hấp thụ thiamin, nồng độ thiamin trong máu sẽ thấp và trong nước tiểu sẽ cao.

Ngoài ra, bác sĩ cũng dựa vào những bài kiểm tra chức năng não bộ để xác định xem bệnh nhân có gặp phải tình trạng thiếu phối hợp vận động, khó khăn khi đi lại, mức độ rủ của mí mắt và phản xạ yếu hay không. Các giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân mắc Beriberi sẽ bị mất trí nhớ, lú lẫn và tình trạng ảo tưởng.

7. Điều trị bệnh Beriberi

Triệu chứng của bệnh Beriberi khá nghiêm trọng nhưng bệnh hoàn toàn có thể trị khỏi dễ dàng được bằng viên uống bổ sung vitamin B1(thiamin). Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể phải truyền thiamin tĩnh mạch. Các xét nghiệm thiamin trong máu sẽ giúp theo dõi khả năng hấp thụ thiamin của cơ thể.

Các bác sĩ cũng sẽ thực hiện kiểm tra thần kinh để tìm sự thiếu phối hợp, đi lại khó khăn, mí mắt rủ và các phản xạ yếu. Những người thiếu vitamin B1 ở giai đoạn muộn có biểu hiện mất trí nhớ, nhầm lẫn hoặc ảo tưởng.

8. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Là một căn bệnh xuất phát từ nguyên nhân thiếu dinh dưỡng nên phương pháp phòng và điều trị tốt nhất là duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bạn nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh bao gồm các loại thực phẩm giàu vitamin B1 như: đậu và cây họ đậu, các loại hạt, thịt, cá, còn nguyên cám, các loại hạt, sữa...

B1
Vitmain B1 được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm khác nhau

Nếu cho trẻ sơ sinh bú sữa công thức, các bậc cha mẹ nên kiểm tra xem nó có đủ vitamin B1 hay không. Luôn đảm bảo mua sữa bột cho trẻ sơ sinh từ một nguồn đáng tin cậy.

Hạn chế uống rượu sẽ giảm nguy cơ phát triển bệnh beriberi. Bất cứ ai lạm dụng rượu nên được kiểm tra thường xuyên về tình trạng thiếu vitamin B1.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan