Giải pháp nào cho đau dai dẳng sau phẫu thuật?

Bài viết bởi Bác sĩ Bùi Hạnh Tâm, Phòng khám và điều trị đau, Khoa Gây mê Giảm đau, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Sau phẫu thuật, thông thường các vấn đề cấp thiết liên quan đến sức khoẻ đã được giải quyết triệt để hay một phần. Tuy nhiên, nếu có tình trạng đau dai dẳng, chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng không ít, thậm chí có thể ảnh hưởng đến cả một gia đình nếu như đó là nhân lực lao động chính.

1. Thế nào là đau dai dẳng sau phẫu thuật?

Thông thường, đau cấp tính liên quan đến phẫu thuật có thể được giải quyết hiệu quả bằng bằng điều trị đau đa mô thức (phối hợp thuốc truyền, thuốc uống, thuốc đặt hậu môn, gây tê thần kinh, gây tê tiêm thấm vết mổ...). Đau cấp tính sẽ hết sau 7 - 10 ngày. Sau thời gian này, nếu bệnh nhân vẫn còn đau gây ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày và giấc ngủ thì được gọi là đau dai dẳng.

2. Vì sao lại có hiện tượng đau dai dẳng sau phẫu thuật?

Phẫu thuật luôn kèm theo tổn thương mô mềm và các tổ chức xung quanh, trong đó có dây thần kinh. Do đó, dây thần kinh vận động, dây thần kinh cảm giác, hệ thần kinh tự động và có thể hỗn hợp cả 3 loại thần kinh trên bị tổn thương. Quá trình hồi phục sau phẫu thuật hay sự liền sẹo sẽ diễn ra trong vòng 7- 10 ngày nếu không có biến chứng của cuộc mổ. Các dây thần kinh cảm giác cũng hồi phục nếu việc điều trị đau cấp tính được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp không loại trừ hoàn toàn được tổn thương- phản ứng viêm của mô gây kích thích của các dây thần kinh sau khi lành vết thương. Lý do là các phản ứng sinh hoá và thể dịch rất phức tạp. Dây thần kinh ngày đêm vẫn bị kích thích do phản ứng viêm, gây nên tình trạng đau dai dẳng.

Hiện tượng này không dễ dàng phát hiện bằng mắt thường, do phản ứng viêm vẫn xảy ra ở cấp độ tế bào. Vì vậy, khi vết thương đã lành mà người bệnh vẫn đau. Việc này dễ xảy ra hơn với ở những người có một số cơ địa đặc biệt như: Từng phẫu thuật; sẵn bị đau; mắc bệnh lý thần kinh; bệnh tim mạch; đái tháo đường hay ung thư, đã và đang được điều trị bằng hoá chất, xạ trị; tình trạng trầm cảm hay bệnh hệ thống. Cảm giác đau mang tính chất cá thể. Vì vậy hãy tôn trọng cảm giác người bệnh sau phẫu thuật với vết thương đã lành nhưng vẫn phàn nàn về cảm giác đau ở đâu đó không dễ chịu, có thể liên quan hay không liên quan đến vùng phẫu thuật. Đó chính là đau dai dẳng.

dau-dai-dang-sau-phau-thuat-1
Vì sao lại có hiện tượng đau dai dẳng sau phẫu thuật?

3. Phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn nguy cơ đau dai dẳng sau mổ

Các nghiên cứu gần đây trên thế giới tại các nước phát triển cho thấy, có 10 - 50% bệnh nhân có đau dai dẳng sau các phẫu thuật như sửa chữa thoát vị bẹn, cắt tuyến vú, phẫu thuật vùng lồng ngực, phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật cắt cụt chân – tay, phẫu thuật bắc cầu mạch vành, phẫu thuật đặt dụng cụ nhân tạo khớp háng, khớp gối. Trong đó, 3 loại phẫu thuật có tỉ lệ đau dai dẳng sau mổ cao là: Phẫu thuật cắt cụt chân (30-50%), phẫu thuật bắc cầu mạch vành (30-50%) và phẫu thuật vùng lồng ngực (30-40%). Tỉ lệ đau dai dẳng sau mổ đẻ khoảng 10 %.

Các con số trên đã cho thấy với bất kỳ loại phẫu thuật nào cũng tiềm tàng nguy cơ đau dai dẳng sau mổ.

Tuy vậy, ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới, chỉ có 2% trường hợp có đau dai dẳng hoặc đau mãn tính sau phẫu thuật được chuyển đến Phòng khám điều trị đau. Thực tế này cho thấy, người bệnh mọi nơi trên thế giới chứ không chỉ có ở Việt Nam đang mặc định rằng mổ phải đau và đau sau mổ là bình thường, phải chung sống với đau.

Bạn có biết rằng, đau dai dẳng hoàn toàn có thể được giải quyết nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng hướng. Đau dai dẳng được điều trị khỏi nghĩa là bạn sẽ không thấy đau cả khi nghỉ ngơi lẫn vận động. Điều quan trọng đầu tiên là bác sĩ điều trị đau phải được biết rằng bạn hay người thân có đang bị đau hay không để can thiệp.

Ngược lại, nếu đau dai dẳng không được điều trị kịp thời, nguy cơ bệnh nhân phải chung sống với đau mãn tính là rất cao. Lúc này việc điều trị đau sẽ trở nên vô cùng phức tạp vì tín hiệu đau lúc này không chỉ dừng lại ở cấp độ ngoại vi mà đã tạo nên một đường mòn dẫn truyền gây thay đổi ở cấp độ trung ương hay còn gọi là thay đổi bản đồ nhận thức về cảm giác tại vỏ não. Cảm giác đau lúc này với các từ mô tả như: Đau bỏng rát, đau như điện giật, đau như châm kim, đau như dao đâm... sẽ không từ bỏ người bệnh bất kỳ khi nào trong ngày, kể cả khi đi ngủ.

Vì vậy, đừng ngần ngại đi khám hoặc tư vấn với bác sĩ nếu sau phẫu thuật mà bạn hay người thân của bạn vẫn bị đau dai dẳng, tuyệt đối không nên mặc định và chung sống với đau dai dẳng với suy nghĩ rằng mổ thì phải đau. Bác sĩ điều trị đau sẽ có những công cụ, phương tiện giúp lượng giá mức độ đau, phân loại đau dựa vào việc khai thác tiền sử, bệnh sử, quá trình phẫu thuật để tìm ra giải pháp phù hợp cho mỗi người.

4. Giải pháp kịp thời - Can thiệp hiệu quả

Gia đình và sự hiểu biết, chia sẻ, hỗ trợ về mặt tâm lý, xã hội, kinh tế sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh có đau dai dẳng sau phẫu thuật. Việc này vô cùng có ý nghĩa trong việc hỗ trợ nâng cao hiệu quả điều trị, giúp người bệnh sau phẫu thuật trở về trạng thái cân bằng, ổn định nhịp sống sớm.

Một số người bệnh lại cho rằng việc kêu đau thường thể hiện sự yếu đuối, ủy mị, không đáng có nên thường hay phủ nhận hoặc giấu sự đau đớn. Nếu đau dai dẳng không được điều trị kịp thời trong vòng 3 tháng kể từ sau phẫu thuật, thời gian tiếp theo sau này sẽ chuyển thành đau mãn tính. Qua bài viết này, chúng tôi hy vọng nếu như sau phẫu thuật, bạn hay người thân của mình còn bị chứng đau hành hạ thì hãy cởi mở hơn, chia sẻ nhiều hơn với người thân và tìm sự hỗ trợ y tế càng sớm càng tốt.

5. Điều trị đau dai dẳng sau phẫu thuật như thế nào?

dau-dai-dang-sau-phau-thuat-2
Thủ thuật tiêm phong bế thần kinh giảm đau bằng các thuốc gây tê và thuốc giảm viêm sẽ giúp giảm phản ứng viêm thần kinh, đồng thời chặn lại các tín hiệu đau

Việc điều trị đau dai dẳng với sự hỗ trợ của máy siêu âm hiện đại chuyên sâu cho thần kinh sẽ giúp các bác sĩ chuyên khoa điều trị đau tìm đúng dây thần kinh chi phối vùng đau.

Tiếp đến, với thủ thuật tiêm phong bế thần kinh giảm đau bằng các thuốc gây tê và thuốc giảm viêm sẽ giúp giảm phản ứng viêm thần kinh, đồng thời chặn lại các tín hiệu đau đang ngày đêm được đưa về não bộ. Thủ thuật này làm trong ngày và bệnh nhân có thể về nhà nghỉ ngơi.

Kết quả điều trị có thể thấy được sau tiêm phong bế lặp lại 2 - 3 lần tuỳ vào sự đáp ứng của mỗi người. Thủ thuật nhằm sửa chữa những tín hiệu sai do dây thần kinh cảm giác bị kích thích và tổn thương gây nên khi mà bản thân nó chưa được hồi phục sau phẫu thuật, đồng thời giúp hồi phục dẫn truyền thần kinh

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, các bác sĩ luôn sẵn sàng lắng nghe những thắc mắc, khó khăn của người bệnh sau khi điều trị, phẫu thuật cho dù vết mổ đã lành mà tình trạng đau dai dẳng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bạn có thể liên hệ với các bác sĩ phẫu thuật hay bác sĩ tại Phòng khám và điều trị đau tại bệnh viện (Pain clinic) để tìm ra giải pháp can thiệp kịp thời, nhằm ngăn chặn cơn đau trước khi chúng trở thành đau mãn tính khó trị

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Người cao tuổi
    Kiểm soát đau ở người có tuổi

    Đau cấp hay mạn tính là một trong số các phàn nàn hay gặp nhất của người có tuổi. Đánh giá và điều trị hội chứng đau ở người cao tuổi có thể khó khăn. Suy giảm nhận thức, nhất ...

    Đọc thêm
  • mildotac
    Công dụng thuốc Mildotac

    Thuốc Mildotac thường được sử dụng để giảm đau cho các trường hợp đau sau phẫu thuật. Đôi khi, Mildotac cũng được kê đơn nhằm đẩy lùi các triệu chứng của viêm mũi dị ứng theo mùa. Trong suốt quá ...

    Đọc thêm
  • Aronol
    Công dụng thuốc Aronol

    Aronol là loại thuốc tiêm có dung tích 1ml/ống với hoạt chất chính là tramadol hàm lượng 50mg. Thuốc thường được chỉ định để làm giảm các cơn đau ở mức độ từ vừa đến nặng. Bài viết sau đây ...

    Đọc thêm
  • Tramabad
    Công dụng thuốc Tramabad

    Tramabad là thuốc tiêm tĩnh mạch, được sử dụng trong các trường hợp điều trị đau từ vừa đến nặng. Thành phần chính trong thuốc là hoạt chất Tramadol 100mg.

    Đọc thêm
  • Argibu 300
    Công dụng thuốc Argibu 300

    Thuốc Argibu 300 chứa hoạt chất Dexibuprofen, 1 thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid có tác dụng tốt đối với các bệnh lý xương khớp.

    Đọc thêm