Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường gặp ở trẻ tuổi nào?

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là sự giãn to bất thường của hệ thống tĩnh mạch tinh hoàn. Bệnh hay gặp ở bé trai, nhất là khi bước vào tuổi dậy thì. Giãn tĩnh mạch thừng tinh ở trẻ em có thể gây ảnh hưởng tới chức năng sinh sản khi trưởng thành.

1. Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì?

Giãn tĩnh mạch thừng tinh (tiếng Anh: scrotal varicocele) là tình trạng rối tĩnh mạch sinh tinh và tĩnh mạch thừng tinh trong bị giãn. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy có khoảng 15 - 17% nam giới có tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh. Có tới 90% trường hợp bị giãn tĩnh mạch thừng tinh bên trái và 10% còn lại mắc ở cả 2 bên. Bệnh giãn tĩnh mạch tinh hay gặp ở bên trái hơn bên phải do: tĩnh mạch tinh bên phải đổ vào tĩnh mạch thận phải, trong khi tĩnh mạch tinh bên trái đổ trực tiếp vào tĩnh mạch chủ dưới. Vì vậy, áp lực trong lòng tĩnh mạch tinh bên trái cao hơn và tăng nguy cơ giãn bất thường hơn.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là một trong những nguyên nhân gây suy giảm chức năng tinh hoàn, gặp ở 40% nam giới vô sinh.

Cơ chế bệnh sinh là: sự suy yếu của hệ thống van tĩnh mạch gây trào ngược máu tĩnh mạch từ hệ thống tĩnh mạch chủ vào hệ thống tĩnh mạch tinh, làm giãn thành búi các đám rối tĩnh mạch ở vùng bẹn, bìu. Nhờ những cơ chế trao đổi nhiệt phức tạp của cơ thể, dòng máu đến tinh hoàn đều duy trì ở nhiệt độ 33°C. Tuy nhiên, tình trạng giãn tĩnh mạch tinh đã làm rối loạn cơ chế này, gây ứ trệ máu, làm tăng nhiệt độ tinh hoàn và gây ảnh hưởng tới quá trình sản xuất tinh trùng. Ngoài ra, nó còn làm mất cân bằng hormone và sự trao đổi oxy trong tinh hoàn, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của tinh hoàn.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường gặp ở trẻ tuổi nào?
Giãn tĩnh mạch thừng tinh ảnh hưởng xấu tới chất lượng và số lượng tinh trùng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc giãn tĩnh mạch thừng tinh là: suy van tĩnh mạch, vị trí đổ của tĩnh mạch tinh vào tĩnh mạch thận trái hoặc tĩnh mạch chủ bụng có bất thường, có khối u vùng tiểu khung, sau phúc mạc,...

2. Giãn tĩnh mạch thừng tinh ở trẻ em thường gặp ở độ tuổi nào?

Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gặp ở 14 – 20% trẻ nam trong độ tuổi dậy thì (tỷ lệ tương đương với người lớn). Trong số này có khoảng 20% trường hợp có thể dẫn tới những vấn đề bất thường về chức năng sinh sản. Ở nhóm tuổi khác, chỉ có khoảng 1% trẻ em nam dưới 10 tuổi mắc chứng này.

Nguyên nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh thường gặp ở trẻ em nam trong độ tuổi dậy thì do đây là thời điểm có sự phát triển mạnh mẽ của cả cơ thể và cơ quan sinh dục của trẻ. Tinh hoàn phát triển nhanh chóng sẽ gia tăng lượng máu tới tinh hoàn và áp lực máu trong lòng mạch tăng cao, làm các mạch máu trở nên căng, giãn ra. Kích thước mạch máu tăng lên để chứa lượng máu ứ trệ sẽ làm tăng nguy cơ trào ngược dòng máu từ tĩnh mạch trung tâm trở lại tĩnh mạch tinh, gây giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường gặp ở trẻ tuổi nào?
Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường gặp ở trẻ trong độ tuổi dậy thì

3. Triệu chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh ở trẻ em

Thông thường, trẻ bị giãn tĩnh mạch thừng tinh không có triệu chứng rõ ràng và không được phát hiện cho tới khi được thăm khám tinh hoàn. Đôi khi, bố mẹ hoặc tự trẻ nhận thấy vùng phía trên tinh hoàn xuất hiện một khối búi giãn ngoằn ngoèo. Khối này thấy rõ khi trẻ đứng lên và giảm xuống nếu trẻ nằm xuống. Đôi khi, sau khi vận động mạnh, thời tiết nóng nực hoặc sau khi phải đứng lâu, trẻ có cảm giác tức nặng vùng bìu. Cảm giác này có thể nặng lên thành dấu hiệu đau âm ỉ bên tinh hoàn bị bệnh.

Các mức độ giãn tĩnh mạch thừng tinh ở trẻ:

  • Độ 0: không có triệu chứng, không quan sát thấy búi giãn và chỉ phát hiện được bệnh qua siêu âm, chụp mạch máu hoặc các phương tiện chẩn đoán khác.
  • Độ 1: có xuất hiện búi giãn hoặc nặng vùng bìu khi hoạt động gắng sức hoặc sờ thấy búi tĩnh mạch giãn khi làm nghiệm pháp Valsalva (nghiệm pháp gắng sức).
  • Độ 2: có thể sờ thấy búi giãn trong tư thế đứng thẳng nhưng chưa nhìn thấy.
  • Độ 3: có thể nhìn thấy búi giãn tĩnh mạch bằng mắt thường khi người bệnh trong tư thế đứng thẳng.
  • Độ 4: dễ dàng nhìn thấy búi tĩnh mạch giãn dưới da bìu dù người bệnh đứng hay nằm.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường gặp ở trẻ tuổi nào?
Người bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh bị đau, tức nhẹ vùng bìu

4. Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh ở trẻ em

Hiện có nhiều phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch tinh ở trẻ. Mục tiêu chung là thắt các tĩnh mạch tinh bị giãn. 3 phương pháp thường được sử dụng phổ biến là: phẫu thuật nội soi ổ bụng, thắt tĩnh mạch tinh ngoài phúc mạc và vi phẫu thắt tĩnh mạch tinh đường bẹn. Cả 3 phương pháp đều là phẫu thuật can thiệp tối thiểu, tỷ lệ biến chứng rất thấp. Thời gian phẫu thuật chỉ khoảng 1 giờ và bệnh nhân sau mổ có thể ra viện trong ngày.

Các bậc phụ huynh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh của bác sĩ và theo dõi tiến triển bệnh của trẻ tại nhà. Cha mẹ nên cho trẻ tái khám định kỳ để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan