HIV PrEP là gì và nó hoạt động như thế nào?

Thuốc chống lây nhiễm PrEP là thuốc được chỉ định dùng 1 lần/ ngày để ngăn ngừa sự phát triển của virus HIV. Đối tượng sử dụng thuốc là những người chưa nhiễm HIV (HIV âm tính) và thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Thông qua bài viết này, hãy cùng Vinmec tìm hiểu thêm về chiến lược phòng ngừa HIV PrEP.

1. Liệu pháp PrEP hoạt động như thế nào trong việc ngăn ngừa HIV?

Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) bao gồm việc dùng thuốc kháng virus hay chất ức chế men sao chép ngược nucleoside của HIV (NRTI) để ngăn chặn sự phát triển của virus HIV trong cơ thể người dùng. Liệu pháp này thường sử dụng kết hợp của 2 hoạt chất là: Tenofovir Disoproxil Fumarate (TDF) 300mg và Emtricitabine (FTC) 200mg. Nếu uống thường xuyên, thuốc rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các trường hợp nhiễm HIV.

Lưu ý: Trước khi bắt đầu sử dụng PrEP và tối thiểu 3 tháng/ lần trong thời gian điều trị bằng thuốc, bạn sẽ cần phải xét nghiệm HIV và có kết quả âm tính.

Nếu đã tiếp xúc với HIV hoặc có các triệu chứng cấp tính, người bệnh sẽ phải đợi để chắc chắn rằng mình có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi tiếp tục dùng thuốc PrEP. Không được dùng PrEP cho những người đang mắc HIV.

2. Tìm hiểu về các loại thuốc kháng HIV PrEP

Hiện nay, trên thị trường có 2 loại thuốc PrEP đã được FDA chấp thuận để dự phòng phơi nhiễm, đó là Truvada và Descovy.

2.1. Truvada

Thuốc Truvada chứa các hoạt chất Emtricitabine và Tenofovir disoproxil fumarate, được bào chế dưới dạng viên nén. Thuốc có nhiều ưu điểm và được sử dụng với liều lượng nhất định để điều trị HIV hoặc dự phòng phơi nhiễm cho cả nam và nữ (nặng tối thiểu 35kg).

2.2. Descovy

Descovy cũng là thuốc dự phòng phơi nhiễm được chỉ định uống 1 lần/ ngày. Nó chứa các thành phần Emtricitabine và Tenofovir Alafenamide. Descovy có thể dùng cho người lớn và thanh thiếu niên nặng ít nhất 35kg.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ mức độ hiệu quả của Descovy đối với những phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, do vậy vẫn cần nghiên cứu và thận trọng hơn đối với những trường hợp này.

3. Đối tượng áp dụng liệu pháp PrEp

Điều cần lưu ý là PrEP không dành cho những người đang mắc HIV. Thuốc chỉ giảm nguy cơ lây nhiễm HIV bằng cách bảo vệ bạn hoặc bạn tình khỏi nhiễm virus. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), năm 2018 có đến 1,2 triệu người ở Mỹ nhiễm HIV và cứ 7 người thì có 1 người không biết mình nhiễm virus.

Những người có thể hưởng lợi từ liệu pháp PrEP là những người đã quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc âm đạo trong 6 tháng. Vì lý do trên, thuốc này đã được chứng minh đặc biệt hiệu quả với các nhóm đối tượng:

  • Nam quan hệ tình dục đồng giới;
  • Người chuyển giới nữ;
  • Phụ nữ bán dâm;
  • Những người có bạn tình nhiễm HIV;
  • Không có thói quen sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục;
  • Đã mắc bệnh lây qua đường tình dục (STI) trong 6 tháng qua;
  • Những người tiêm chích ma túy;
  • Dùng chung kim tiêm (ống tiêm) với người nhiễm HIV.

4. Ưu và nhược điểm của liệu pháp HIV PrEP

Có nhiều yếu tố cần xem xét khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới. Dưới đây là một số người dùng điều cần cân nhắc khi quyết định xem liệu pháp PrEP có phù hợp với mình hay không:

Ưu điểm Nhược điểm
Nếu được dùng thường xuyên, các loại thuốc này có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa nhiễm HIV. Thuốc Truvada và Descovy có thể có giá bán cao, nhất là đối với những người không có bảo hiểm.
Thuốc có thể bảo vệ người dùng và bạn tình khỏi lây truyền HIV. Cần phải duy trì uống thuốc mỗi ngày.
Cách dùng đơn giản, chỉ cần uống 1 viên thuốc/ ngày. Phải xét nghiệm HIV định kỳ (ít nhất 3 tháng một lần).
Thuốc vẫn có thể tiềm ẩn tác dụng phụ.
Có thể không phù hợp với bệnh nhân mắc bệnh thận nghiêm trọng hoặc có tiền sử viêm gan B.

5. Liệu pháp PrEP có hiệu quả đối với HIV không?

Liệu pháp PrEP có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa HIV nếu được dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Theo CDC, những loại thuốc này, nếu được dùng thường xuyên, sẽ làm giảm đến 99% khả năng nhiễm HIV khi quan hệ tình dục và khoảng 74% ở những người tiêm chích ma túy.

Tuy nhiên, các loại thuốc trên không có hiệu quả lập tức. Bạn vẫn cần dùng chúng hàng ngày trong ít nhất 7 ngày để được bảo vệ tối đa khỏi HIV khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn.

Với việc tiêm chích hoặc quan hệ tình dục qua đường âm đạo, thuốc sẽ chỉ phát huy công dụng bảo vệ tối đa khi đã duy trì uống 21 ngày (uống thuốc hàng ngày).

Lưu ý: Hãy nhớ rằng hiện vẫn chưa rõ mức độ hiệu quả của thuốc Descovy với những phụ nữ có quan hệ tình dục qua đường âm đạo.

6. Có an toàn khi dùng PrEP cho HIV không?

Nhìn chung thuốc Truvada và Descovy khá an toàn. Tuy nhiên, một số người vẫn có thể gặp tác dụng phụ. Để đảm bảo an toàn, trước khi dùng Descovy hoặc Truvada để dự phòng lây nhiễm, hãy trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe mà bạn đang gặp phải, cũng như tìm hiểu kỹ hơn tác dụng phụ và lợi ích của PrEP.

Ví dụ, nếu bạn mắc bệnh thận nghiêm trọng, các loại thuốc này có thể sẽ không an toàn cho bạn. Ngoài ra, nếu trước đây bạn từng mắc viêm gan B, hãy cho bác sĩ biết. Việc ngừng dùng Truvada hoặc Descovy có thể khiến bệnh viêm gan B nặng hơn. Các bác sĩ sẽ theo dõi chức năng gan và dự phòng điều trị trong trường hợp viêm gan B bùng phát.

Điều quan trọng là không được dùng thuốc PrEP nếu bạn đang mắc HIV (để hạn chế nguy cơ kháng virus). Người bệnh sẽ cần được xét nghiệm máu trước khi dùng thuốc và xét nghiệm lại định kỳ 3 tháng/ lần khi đang dùng thuốc.

7. Các tác dụng phụ có thể xảy ra

Một số tác dụng phụ phổ biến của cả hai loại thuốc bao gồm:

  • Tiêu chảy;
  • Mệt mỏi;
  • Đau đầu;
  • Buồn nôn.

Tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của cả hai bao gồm:

  • Phát ban (phản ứng dị ứng);
  • Vấn đề về gan và thận;
  • Tình trạng viêm gan B nặng hơn;
  • Nhiễm axit lactic (quá nhiều axit lactic trong máu).

Nếu bạn gặp phản ứng dị ứng hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng khác với thuốc PrEP, hãy liên hệ đến Hotline cấp cứu hay trung tâm y tế khẩn cấp ngay lập tức.

Phía trên không phải là tất cả các tác dụng phụ có thể xảy ra của Truvada và Descovy. Để đảm bảo an toàn, hãy hỏi các chuyên gia y tế hay bác sĩ để biết thêm về các loại thuốc trên, bao gồm công dụng, cách dùng, tác dụng phụ và cả các tương tác với các thuốc kê đơn hoặc không kê đơn khác mà bạn đang dùng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Nam giới nghi nhiễm HIV nên làm gì?
    Nam giới nghi nhiễm HIV nên làm gì?

    Em có đi test HIV là đang nghi ngờ nhiễm. Em muốn thực hiện test acid nucleic. Vậy bác sĩ cho em hỏi nam giới nghi ngờ nhiễm HIV nên làm gì? Test acid nucleic như thế nào? Em cảm ...

    Đọc thêm
  • Crixivan
    Công dụng thuốc Crixivan

    Crixivan là thuốc kháng virus thường được chỉ định điều trị ở bệnh nhân HIV suy giảm miễn dịch. Vậy cơ chế tác động và các lưu ý khi sử dụng thuốc là gì?

    Đọc thêm
  • Viramune
    Công dụng thuốc Viramune

    Viramune là thuốc kháng virus, được dùng trong bệnh HIV, với thành phần chính là Nevirapine dạng khan, hàm lượng 200mg, được bào chế dạng viên nén. Thuốc thuộc nhóm thuốc kê đơn được dùng khi có chỉ định của ...

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Becovira
    Công dụng thuốc Becovira

    Becovira thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm. Thuốc được chỉ định trong trường hợp phòng ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ. Hãy cùng tìm hiểu ...

    Đọc thêm
  • zidorapin
    Công dụng thuốc Zidorapin

    Zidorapin là thuốc kháng virus kết hợp của 3 thành phần Zidovudine Lamivudine và Nevirapine Anhydrous, được chỉ định trong điều trị HIV.

    Đọc thêm