Hôi miệng nặng, làm thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trung Hậu - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hôi miệng có thể gây ra lo lắng và khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể chữa hôi miệng nặng nếu bạn biết chính xác nguyên nhân và từ đó có hướng điều trị phù hợp. Tùy theo nguyên nhân gây hôi miệng sẽ có nhiều cách chữa hôi miệng dứt điểm khác nhau.

1. Lý do khiến bạn bị hôi miệng nặng

Thực phẩm

  • Sự phân hủy của những mẩu thực phẩm trong và xung quanh răng có thể gây ra mùi hôi.
  • Ăn các thức ăn có chứa các loại tinh dầu đặc trưng cũng là nguyên nhân gây hơi thở hôi. Hành, tỏi là những ví dụ rõ nét nhất, nhưng các loại rau củ và gia vị khác cũng có thể gây ra hơi thở hôi.

Các vấn đề về nha khoa

  • Vệ sinh răng miệng kém, nếu không chải răng và dùng chỉ tơ nha khoa hàng ngày, những mẩu thức ăn còn lại trong miệng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và tiết ra các chất hóa học như hydrogen sulfide - một hợp chất có mùi trứng thối đặc trưng.
  • Bị bệnh nha chu, viêm nướu và sâu răng là những nguyên nhân gây ra hơi thở hôi.
  • Những người làm răng giả không được chải sạch thường xuyên hoặc không phù hợp có thể chứa nhiều loại vi khuẩn tạo mùi hôi cùng các hạt thức ăn thừa.

Khô miệng

  • Nước bọt giúp làm sạch miệng, loại bỏ các phần tử có thể gây ra mùi hôi thối. Tình trạng miệng khô (bệnh khô miệng) có thể góp phần khiến hôi miệng do sản xuất nước bọt giảm. Khô miệng thường xảy ra một cách tự nhiên trong khi ngủ, dẫn đến hơi thở hôi vào buổi sáng.
  • Một số thuốc có thể dẫn đến khô miệng mạn tính. Ngoài ra còn có thể do những bệnh lý khác của tuyến nước bọt.

Bệnh lý

  • Khoảng 10% các trường hợp hơi thở có mùi hôi thối không do nguyên nhân từ miệng, mà do một số bệnh ung thư và rối loạn chuyển hóa, có thể gây ra hơi thở có mùi đặc trưng do hậu quả của các hoá chất mà chúng sản sinh.
  • Bệnh tiểu đường, suy thận hoặc suy gan có thể gây mùi tanh cá trong hơi thở.
  • Trào ngược dạ dày thực quản mạn tính cũng gây ra hơi thở hôi.
  • Tắc ruột thấp khiến hơi thở có mùi của phân.
  • Ngoài ra, một số loại thuốc thường dùng để điều trị huyết áp cao, bệnh tâm thần, hoặc bệnh đường tiết niệu có thể gián tiếp gây ra hôi miệng bằng cách góp phần làm khô miệng. Một số thuốc khác khi được chuyển hóa trong cơ thể sẽ giải phóng những chất hóa học gây hơi thở hôi.

Miệng, mũi và họng

  • Một nguyên nhân khác thường gặp gây hơi thở hôi là bệnh lý ở mũi như nhiễm trùng ở xoang vì dịch từ xoang nhỏ vào phía sau họng (postnasal drip) và gây ra mùi hôi miệng.
  • Đôi khi hơi thở hôi có thể do nhiễm trùng ở đường hô hấp trên và dưới, hoặc do các vết loét trong đường hô hấp.
  • Các dị tật của khoang miệng, mũi như hở hàm ếch có thể gây hôi miệng do cung cấp môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sản.
  • Hơi thở hôi có thể do các hạt nhỏ hình thành trong bệnh viêm amidan hốc mủ. Các hạt nhỏ này được bao phủ bởi vi khuẩn sản xuất hóa chất gây mùi hôi.
  • Hơi thở hôi ở trẻ nhỏ thường bắt nguồn từ dị vật đường thở, như một mảnh đồ chơi hoặc những mẩu thức ăn mắc kẹt trong lỗ mũi.

Thuốc lá

  • Hút thuốc lá gây khô miệng và gây ra mùi hôi miệng đặc trưng rất khó chịu
  • Người hút thuốc lá còn nhiều khả năng mắc bệnh viêm nha chu, nguyên nhân góp phần gây hơi thở hôi
Chữa hôi miệng nặng
Hút thuốc lá gây khô miệng và gây ra mùi hôi miệng đặc trưng rất khó chịu

2. Cách nhận biết chứng hôi miệng

Cách 1: Người bệnh ngồi đối diện gần với người giám định, bịt mũi thở bằng miệng trong vài phút. Nếu có mùi hôi thì nguồn gốc là từ miệng. Sau đó người bệnh hãy mím miệng và thở ra bằng mũi. Nếu mùi hôi từ cả miệng và mũi thì có thể là do một bệnh tổng quát nào đó gây ra chứng hôi miệng nặng.

Cách 2: Tự người bệnh cảm nhận bằng cách úp bàn tay vào miệng thở ra rồi ngửi mùi.

Cách 3: Người bệnh hoặc người giám định ngửi mùi trên chỉ nha khoa (dây dental floss) sau khi cà răng.

Cách 4: Ở một số cơ sở răng hàm mặt và phòng khám nha khoa hiện đại có thể đo nồng độ hôi trong miệng bằng Halimeter, Halitest cũng được áp dụng.

3. Hôi miệng nặng có chữa khỏi được không?

Hoàn toàn có thể chữa hôi miệng nặng nếu bạn biết chính xác nguyên nhân và từ đó có hướng điều trị phù hợp.

Tùy theo nguyên nhân gây hôi miệng sẽ có nhiều cách chữa hôi miệng dứt điểm như sau:

  • Điều trị nguyên nhân từ răng miệng như: vệ sinh răng miệng sạch sau khi ăn; điều trị sâu răng, viêm nướu, các bệnh lý trong khoang miệng; giữ miệng ẩm bằng cách uống nước; nếu lưỡi đóng bựa thì cạo lưỡi nhưng tránh gây cho lưỡi bị thương tích; nếu mang răng giả cần vệ sinh đúng cách.
  • Điều trị các bệnh tai mũi họng như viêm mũi xoang, viêm họng hạt, cắt amidan... là cách điều trị hơi thở có mùi nặng.
  • Điều trị các bệnh đường tiêu hóa như đau dạ dày, viêm gan mật, viêm đại tràng và các bệnh lý khác của đường tiêu hóa...
  • Tránh các thực phẩm có thể gây mùi hôi ở miệng. Ăn nhiều trái cây và rau; giới hạn thịt và chất béo, tránh các loại pho mát có mùi nặng. Tránh uống quá nhiều rượu, thuốc lá...
  • Nước súc miệng nên dùng vào buổi tối vì đây là thời gian mà vi khuẩn hoạt động mạnh.
  • Đi khám nha sĩ đều đặn mỗi 6 tháng để cạo vôi răng và khám các bệnh răng miệng là phương pháp tốt để bạn chữa hôi miệng dứt điểm.
Chữa hôi miệng nặng
Nên dùng nước súc miệng vào buổi tối trước khi đi ngủ

4. Phòng ngừa hôi miệng tái phát

Phòng ngừa chứng hôi miệng tái phát bằng cách:

  • Đánh răng sau khi ăn: Bạn có thể để bàn chải đánh răng tại nơi làm việc để sử dụng sau khi ăn. Nên đánh răng ít nhất hai lần một ngày, đặc biệt là sau bữa ăn.
  • Dùng chỉ tơ nha khoa sau mỗi bữa ăn: Việc dùng chỉ nha khoa loại bỏ các hạt thức ăn giữa các kẽ răng sẽ giúp ngăn ngừa hơi thở hôi do thức ăn hiệu quả.
  • Chải lưỡi: Lưỡi của bạn chứa rất nhiều vi khuẩn và là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển do chứa các hạt thức ăn thừa tích tụ, vì vậy hãy chải lưỡi hàng ngày để ngăn ngừa mùi hôi hiệu quả. Những người có lưỡi trắng tức là đang có sự phát triển quá mức của vi khuẩn, do vậy, cần làm sạch hàng ngày để ngăn chặn chữa hôi miệng nặng.
  • Làm sạch răng giả hoặc dụng cụ nha khoa: Nếu bạn đeo niềng răng hoặc răng giả, hãy vệ sinh kỹ lưỡng ít nhất một lần một ngày hoặc theo chỉ dẫn của nha sĩ. Hãy vệ sinh răng miệng và cả các dụng cụ này trước khi đưa vào miệng.
  • Tránh khô miệng: Để giữ cho miệng không bị khô, hãy uống đủ nước mỗi ngày. Nhai kẹo cao su không đường để kích thích sản xuất nước bọt. Đối với trường hợp khô miệng mạn tính, nha sĩ hoặc bác sĩ của bạn có thể kê đơn chuẩn bị nước bọt nhân tạo hoặc một loại thuốc uống kích thích tiết nước bọt.
  • Tránh hút thuốc lá, hạn chế cà phê, nước ngọt hoặc rượu – chúng không những không tốt cho sức khỏe mà còn làm hơi thở bạn có mùi khó chịu.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Tránh các loại thực phẩm như hành tây và tỏi có thể gây hôi miệng. Ăn nhiều thức ăn có đường cũng có liên quan đến hơi thở hôi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

151.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan