Hướng dẫn bổ sung magie đúng cách, an toàn

Magie là một khoáng chất tự nhiên có trong chế độ ăn uống, rất quan trọng đối với cấu trúc xương của cơ thể. Phụ nữ và người già thường dễ bị thiếu magie, do đó cần bổ sung magie để tránh mắc các bệnh loãng xương, tim mạch hoặc tiểu đường.

1. Tổng quan về magie

Magie rất cần thiết cho sự tăng trưởng và duy trì cấu trúc xương thích hợp. Bên cạnh đó, magie cũng đóng vai trò quan trọng giúp điều hòa các chức năng của dây thần kinh, cơ bắp và nhiều bộ phận khác của cơ thể. Chẳng hạn như trong dạ dày, magie giúp trung hòa axit dạ dày và di chuyển phân qua ruột.

Các loại thực phẩm có nhiều chất xơ cũng là nguồn cung cấp magie dồi dào, chẳng hạn như:

  • Các loại đậu, hạt (đặc biệt là hạnh nhân) và ngũ cốc;
  • Rau quả, nhất là bông cải xanh, bí, và rau lá xanh;
  • Các sản phẩm từ sữa và thịt;
  • Chocolate, cà phê và nước có hàm lượng khoáng chất cao.

Tác dụng phổ biến của việc bổ sung magie là giúp hỗ trợ giảm bớt các tình trạng táo bón, ợ nóng, cũng như các biến chứng thai kỳ (bao gồm tiền sản giật và sản giật), rối loạn nhịp tim (cụ thể là xoắn đỉnh). Ngược lại, nồng độ magie thấp trong cơ thể có liên quan đến các bệnh như loãng xương, huyết áp cao, động mạch bị tắc, bệnh tim di truyền, tiểu đường và đột quỵ.

2. Vai trò của magie đối với cơ thể

Magie có rất nhiều công dụng tích cực đối với cơ thể, chủ yếu là cải thiện các tình trạng:

  • Táo bón: Bổ sung magie đường uống được xem như một loại thuốc nhuận tràng, giúp điều trị hiệu quả tình trạng táo bón hoặc hỗ trợ súc ruột cho bệnh nhân trước khi tiến hành một số thủ thuật y tế;
  • Chứng khó tiêu: Các hợp chất magie khác nhau, đặc biệt là magie hydroxit, khi uống vào cơ thể sẽ hoạt động như một loại thuốc kháng axit giúp giảm các triệu chứng ợ nóng và khó tiêu;
  • Động kinh ở thai phụ bị sản giật và tiền sản giật: Đây là một biến chứng thai kỳ khi người mẹ có huyết áp cao và protein trong nước tiểu. Bổ sung magie dưới dạng tiêm tĩnh mạch là lựa chọn điều trị cho thai phụ mắc bệnh, làm giảm nguy cơ co giật ở bệnh nhân;
  • Nồng độ magie trong máu thấp (hạ kali máu): Uống magie là biện pháp hữu ích giúp điều trị và ngăn ngừa tình trạng thiếu magie. Những bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan thận, suy tim, nôn mửa hoặc tiêu chảy,... thường dễ bị thiếu magie.
Uống thuốc tránh thai hàng ngày trong thời gian dài có nguy cơ gì?
Bổ sung magie cho cơ thể thông qua đường uống

Ngoài ra, cung cấp magie thông qua đường tiêm tĩnh mạch IV cũng có thể hữu ích trong việc kiểm soát các triệu chứng của tình trạng nhịp tim không đều, hen suyễn, đau thần kinh ở người bị ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đau đầu từng cơn theo chu kỳ và đau sau phẫu thuật.

Trong khi đó, bổ sung magie đường uống hoặc lựa chọn thực đơn hàng ngày giàu magie được cho là có tác dụng tránh bệnh bại não ở trẻ sơ sinh, cải thiện mệt mỏi, giảm nguy cơ ung thư ruột kết và trực tràng, giảm các cơn đau ngực và huyết khối, hội chứng chuyển hóa, đau cơ, cholesterol tăng cao, ngăn ngừa loãng xương và hội chứng tiền kinh nguyệt.

3. Hướng dẫn bổ sung magie

3.1. Uống magie đường miệng

Có thể uống magie vào lúc nào trong ngày cũng được nhưng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ với liều lượng thích hợp. Cụ thể, liều dùng an toàn của một người lớn là dưới 350 mg mỗi ngày, kể cả với phụ nữ mang thai và cho con bú. Nếu uống quá liều (> 350mg/ngày), nhiều khả năng magie sẽ không còn phát huy tác dụng. Hơn nữa, quá nhiều magie tích tụ trong cơ thể có nguy cơ gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác, trong đó có nhịp tim không đều, huyết áp thấp, giảm ý thức, thở chậm, hôn mê và thậm chí là tử vong.

Liều lượng uống magie khuyến cáo ở trẻ em là:

  • Trẻ 1 - 3 tuổi: Dưới 65 mg;
  • Trẻ 4 - 8 tuổi: 110 mg;
  • Trẻ lớn hơn 8 tuổi: 350 mg.

3.2. Tiêm tĩnh mạch IV

Tiêm bổ sung magie qua đường tĩnh mạch phải được tiến hành theo chỉ định của bác sĩ. Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú, chỉ được tiêm magie tối đa 5 ngày trước khi sinh trong trường hợp cần thiết điều trị một số tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Nếu tiêm magie quá liều hoặc kéo dài hơn 5 ngày có thể bị mất tác dụng hoặc gây ra các vấn đề về xương và não ở trẻ.

Tiêm phòng ung thư cổ tử cung
Một số trường hợp khác sẽ được bác sĩ chỉ định tiêm Magie qua đường tĩnh mạch

3.3. Một số lưu ý

Đôi khi magie có thể gây khó chịu ở dạ dày, khiến bệnh nhân buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy hoặc gặp các tác dụng phụ khác. Bên cạnh đó, một số bệnh lý của cơ thể cũng sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ magie, chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng dạ dày;
  • Rối loạn miễn dịch;
  • Viêm ruột;
  • Tiểu đường;
  • Người cao tuổi hoặc nghiện rượu.

Ngoài ra, tiêm hoặc uống magie cũng có thể khiến tình trạng của một số bệnh lý diễn biến phức tạp hơn, ví dụ:

  • Làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc bầm tím ở những người bị rối loạn chảy máu;
  • Gây khó thở và yếu ớt ở những người mắc bệnh nhược cơ;
  • Tích tụ quá nhiều magie do cơ thể gặp khó khăn trong quá trình đào thải chất này ở những bệnh nhân mắc các vấn đề về thận;
  • Gia tăng triệu chứng của hội chứng chân bồn chồn/không yên (RLS).

Nhìn chung, việc bổ sung magie thường được xem là an toàn nếu như người bệnh đã trình bày rõ ràng với bác sĩ về tình trạng sức khỏe, cũng như tất cả những loại thuốc đang dùng, trước khi uống hoặc tiêm điều trị bằng magie.

4. Tương tác với magie

Cần thận trọng khi uống magie cùng lúc với một số loại thuốc sau đây:

  • Thuốc kháng sinh: Uống magie cùng với một số loại kháng sinh có thể làm giảm lượng thuốc mà cơ thể hấp thụ hoặc gây ra các vấn đề về cơ bắp. Để tránh giảm hiệu quả của thuốc, nên dùng kháng sinh ít nhất 2 giờ trước hoặc 4 - 6 giờ sau khi bổ sung magie;
  • Thuốc chống loãng xương Bisphosphonates: Magie có thể làm giảm lượng bisphosphate mà cơ thể hấp thụ, từ đó giảm hiệu quả điều trị. Vì vậy nên dùng bisphosphonate ít nhất hai giờ trước hoặc sau khi uống magie;
  • Thuốc trị cao huyết áp (thuốc chẹn kênh canxi): Magie có thể làm giảm huyết áp, do đó khi dùng chung sẽ khiến huyết áp của bệnh nhân xuống quá thấp.
  • Thuốc giãn cơ: Uống magie cùng với thuốc giãn cơ có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ của thuốc;
  • Thuốc lợi tiểu: Một số thuốc lợi tiểu có thể làm tăng nồng độ magie trong cơ thể, do vậy nếu dùng chung sẽ xuất hiện tình trạng thừa magie.

Tóm lại, các khoáng chất magie từ nguồn thực phẩm giàu chất xơ rất có lợi cho sức khỏe. Bổ sung magie đầy đủ, cụ thể là dưới 350 mg mỗi ngày, sẽ an toàn cho cơ thể, thậm chí giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường tuýp 2 và một số tình trạng khác. Nếu không thể nhận đủ chất dinh dưỡng quan trọng này từ chế độ ăn uống, bác sĩ có thể chỉ định uống bổ sung magie để đáp ứng nhu cầu hàng ngày hoặc hỗ trợ điều trị một vài bệnh lý nhất định.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

157.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan