Kiểm soát bệnh cao huyết áp hiệu quả

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Nội Tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Cao huyết áp ngày càng trở nên phổ biến và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy cần làm gì khi cao huyết áp để có thể kiểm soát bệnh hiệu quả, hạn chế xảy ra biến chứng?

1. Ý nghĩa của chỉ số huyết áp

Huyết áp là áp lực của máu tác động vào thành động mạch. Các động mạch có nhiệm vụ vận chuyển máu từ tim đến phổi để lấy oxy, sau đó đưa oxy đến hệ cơ quan và mô.

Chỉ số huyết áp bao gồm hai giá trị, được mô tả phân tách bằng dấu gạch chéo: chẳng hạn như 110/80 (đơn vị mmHg). Số đầu tiên là áp lực đối với các thành động mạch khi tim co bóp (được gọi là huyết áp tâm thu). Số thứ hai là áp lực đối với thành động mạch khi tim thư giãn giữa các nhịp tim (được gọi là huyết áp tâm trương). Vậy hai chỉ số này như thế nào mới gọi là cao huyết áp?

2. Huyết áp bao nhiêu là cao?

Cao huyết áp, hay tăng huyết áp, là khi một hoặc cả hai chỉ số huyết áp kể trên trở nên quá cao so với bình thường:

  • Huyết áp bình thường tối ưu: Thấp hơn 120/80 mmHg
  • Cao huyết áp (tăng huyết áp): Huyết áp của bạn đạt mức 140/90mmHg hoặc cao hơn trong một thời gian dài.
  • Nếu chỉ số huyết áp dao động từ 120/80 mmHg đến dưới 140/90 mmHg, thì được xem là tiền cao huyết áp.

Một điều cần lưu ý, những chỉ số trên đây chỉ áp dụng đối với những người chưa dùng thuốc hạ huyết áp và trước đây không có tiền sử bệnh tim mạch nói chung.

3. Tại sao cao huyết áp?

3.1. Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được

Các yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp thuộc nhóm không thể thay đổi được:

  • Tuổi cao
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch
  • Một số bệnh lý liên quan, như đái tháo đường và bệnh thận, làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp.
  • Tiền sử tiền sản giật.

3.2. Những thói quen và lối sống ảnh hưởng xấu đến huyết áp

Thói quen sinh hoạt cũng có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Đây là những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, bao gồm:

  • Thừa cân, béo phì
  • Thiếu hoạt động thể chất
  • Hút thuốc lá
  • Uống rượu
  • Chế độ ăn nghèo nàn (quá nhiều chất béo, không đủ trái cây và rau quả)
  • Ăn quá nhiều muối
cao huyết áp
Thừa cân, béo phì có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến cao huyết áp

4. Làm gì khi cao huyết áp?

4.1. Thay đổi lối sống

Đây còn gọi là phương pháp điều trị cao huyết áp không dùng thuốc. Bằng cách áp dụng lối sống tích cực, từ bỏ một số thói quen xấu, có thể làm giảm chỉ số huyết áp cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp trong tương lai:

  • Từ bỏ hút thuốc lá
  • Giảm cân, nếu bạn đang thừa cân.
  • Hạn chế uống rượu.
  • Luyện tập thể dục đều đặn.
  • Cắt giảm muối.
  • Thay đổi chế độ ăn uống, có thể áp dụng theo phương pháp DASH (Phương pháp ăn kiêng dùng để ngăn chặn tình trạng tăng huyết áp) tập trung vào các thực phẩm tốt cho tim.
  • Giảm bớt căng thẳng, cân bằng công việc và gia đình.

4.2. Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp

Nếu thay đổi lối sống không thể làm giảm huyết áp, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc trị tăng huyết áp. Có rất nhiều nhóm thuốc hạ áp, hoạt động theo những cơ chế khác nhau. Điều quan trọng là sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân, tiếp tục dùng thuốc ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe mạnh. Bên cạnh đó, người bệnh cần duy trì thói quen lối sống lành mạnh ngay cả khi đang dùng thuốc.

Thuốc trị tăng huyết áp chỉ nên sử dụng nếu thay đổi lối sống không đem lại hiệu quả
Thuốc trị tăng huyết áp chỉ nên sử dụng nếu thay đổi lối sống không đem lại hiệu quả

5. Cao huyết áp khi mang thai

Tình trạng cao huyết áp khi mang thai có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như rối loạn về sự tăng trưởng với thai nhi, sinh non và khiến cho các bệnh sẵn có trở nên trầm trọng hơn. Nếu bạn đang bị huyết áp cao mãn tính và đang có dự định mang thai trong thời gian tới, hãy trao đổi với bác sĩ để được kiểm tra và chuẩn bị trước. Điều này sẽ đảm bảo ổn định huyết áp, giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng và giúp bạn có một sức khỏe tốt nhất có thể trước khi quyết định mang thai.

Trong quá trình mang thai, bạn sẽ được đo huyết áp thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, bạn sẽ được theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật. Ngoài ra, các xét nghiệm khác cũng cần được thực hiện để theo dõi sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.

6. Tăng huyết áp thai kỳ là gì?

Cao huyết áp xảy ra trong giai đoạn nửa sau của thai kỳ (sau 20 tuần thai) được gọi là tăng huyết áp thai kỳ. Việc kiểm soát bệnh phụ thuộc vào mức huyết áp của sản phụ. Hầu hết phụ nữ mang thai bị cao huyết áp thai kỳ chỉ có huyết áp tăng nhẹ. Tuy nhiên, một số thai phụ bị tăng huyết áp khá nặng và có nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng. Tất cả bệnh nhân tăng huyết áp thai kỳ đều cần được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo huyết áp không tăng quá cao và đề phòng các dấu hiệu của tiền sản giật.

tăng huyết áp thai kỳ
Thuốc trị tăng huyết áp chỉ nên sử dụng nếu thay đổi lối sống không đem lại hiệu qu

7. Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật là một rối loạn thai nghén đặc biệt với dấu hiệu huyết áp tăng cao (>140/90 mmHg) và thường xuất hiện lượng lớn protein trong nước tiểu (>300mg/24 giờ). Nếu không được chẩn đoán và kiểm soát đúng cách, tiền sản giật có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ở cả mẹ bầu và thai nhi. Phụ nữ bị tiền sản giật có nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp cũng như các bệnh tim mạch khác sau khi sinh con.

8. Các phương pháp ngừa thai không được khuyến cáo đối với bệnh nhân cao huyết áp

Một số biện pháp tránh thai không được khuyến cáo cho phụ nữ bị huyết áp cao. Những phương pháp này bao gồm:

  • Các phương pháp ngừa thai nội tiết tố kết hợp: Bao gồm thuốc, miếng dán và vòng tránh thai có chứa estrogen và progestin.
  • Tiêm thuốc ngừa thai: Một số phụ nữ bị huyết áp cao không nên sử dụng hình thức ngừa thai này.

Nếu bạn đang được điều trị cao huyết áp, ngay cả khi huyết áp đã trở về bình thường, hãy trao đổi với bác sĩ về các phương pháp ngừa thai và những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn dịch: Acog.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan