Các dấu hiệu phun môi bị hỏng

Phun môi là công nghệ làm đẹp được phái nữ ưa chuộng hiện nay. Mặc dù mang lại những ưu điểm về mặt thẩm mỹ nhưng nếu thực hiện không đúng cách thì khách hàng vẫn có thể gặp phải tình trạng phun môi bị hỏng hay môi bị nhiễm trùng sau phun.

1. Dấu hiệu phun môi bị hỏng

Ngày nay, nhu cầu chăm sóc sắc đẹp và vẻ bề ngoài ngày càng tăng lên, đặc biệt là ở nữ giới. Trong đó, phun môi là một kỹ thuật làm đẹp giúp cho môi có màu sắc tự nhiên, không trôi, không phai màu và không cần phải đánh son mỗi ngày nên rất được ưa chuộng hiện nay.

Phun môi hay xăm môi là kỹ thuật mà người thợ phun sẽ dùng một cây bút chuyên dụng với phần đầu bút có gắn kim với kích thước rất nhỏ, từ đó phun màu vào lớp thượng bì của môi. Thông thường, sau khi phun môi thì vẫn có tình trạng sưng nhẹ nhưng sẽ tự động hết sau 1 - 2 ngày hoặc cũng có thể không sưng sau khi thực hiện.

Vì một số lý do mà có những trường hợp phun môi bị hỏng, dẫn đến các triệu chứng ảnh hưởng sức khỏe cũng như yếu tố thẩm mỹ vùng môi như môi nổi mụn nước hay những dấu hiệu của phun môi bị nhiễm trùng.

Một số dấu hiệu xăm môi bị nhiễm trùng thường gặp như sau:

  • Nổi mụn nước trên môi: Nếu phun môi hỏng sẽ gặp phải tình trạng những nốt mụn nước mọc chen chúc nhau ở một vùng cố định trên môi. Triệu chứng này thường xuất hiện sau khi phun môi hỏng khoảng 1 đến 2 ngày. Các dấu hiệu kèm theo có thể là viền môi đau nhức, sưng lên. Tình trạng nặng nề hơn là những vết mụn nước lan rộng lên vùng trên của môi, kích thước thay đổi từ nhỏ sang to hơn và cản trở những cử động của môi.
  • Ngứa: Triệu chứng ngứa có thể là biểu hiện của viêm nhiễm do phun môi bị hỏng, khiến cho cơ thể cảm giác rất khó chịu. Các triệu chứng kèm theo có thể là sưng to, rộp, và mưng mủ.
  • Hoại tử môi: Tình trạng môi căng, tím tái, đậm màu và không tróc vảy sau khi phun môi có thể là những dấu hiệu của tình trạng hoại tử môi sau phun. Đây là tình trạng bệnh lý khá nặng nề và nguy hiểm nên ngay khi có những dấu hiệu này thì cần đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời.
  • Màu môi không lên đều, loang lổ: Sau khi phun môi, có thể màu môi sẽ không lên đều, nhìn loang lổ hoặc thậm chí không lên màu cũng là một dấu hiệu của việc phun môi hỏng. Thông thường, khi môi lành, tróc vảy thì sẽ dần xuất hiện tình trạng không lên màu này. Vì vậy, nếu sau phun môi khoảng 1 tháng mà vẫn không lên màu hay lên nhưng không đều thì có thể xác định phương pháp phun môi này đã thực hiện không thành công.

2. Nguyên nhân phun môi bị hỏng

Phun môi bị hỏng có thể do một số nguyên nhân như sau:

  • Cơ sở thực hiện phun môi không đảm bảo chất lượng: Cơ sở có thể thực hiện xăm, phun môi phải được Bộ Y tế Việt Nam cấp giấy phép hoạt động để đảm bảo đủ tiêu chuẩn thực hiện an toàn đối với các dịch vụ làm đẹp. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều cơ sở thẩm mỹ không được cấp giấy phép này nhưng vẫn thực hiện các phương pháp làm đẹp, do vậy có thể dẫn đến việc phun môi không đạt chuẩn, gây ra các biến chứng sau đó. Để khắc phục tình trạng này thì bên cạnh các cơ quan có thẩm quyền, mỗi người sử dụng dịch vụ cũng cần tìm hiểu và thực hiện ở những cơ sở làm đẹp có uy tín và được cấp phép.
  • Cơ sở thiết bị kém chất lượng, lạc hậu: Những công nghệ làm đẹp như phun môi đòi hỏi phải có trang thiết bị hiện đại, cải tiến thường xuyên thì mới đem lại được hiệu quả cao về mặt thẩm mỹ.
  • Trình độ kỹ thuật không đủ: Bên cạnh trang thiết bị thì tay nghề của người thực hiện phun môi cũng đóng góp một phần lớn đối với kết quả. Do vậy, nếu người kỹ thuật viên thực hiện không đúng hoặc không đảm bảo an toàn, các nguyên tắc vô khuẩn thì không những không giúp cho môi lên màu chuẩn, đều mà còn gây ra biến chứng nhiễm trùng.
  • Màu mực phun môi không đạt chất lượng: Màu mực cũng là một yếu tố rất quan trọng. Một số cơ sở sử dụng màu mực kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, có chứa những chất độc hại, gây kích ứng cho người sử dụng nên sau khi phun dễ bị nhiễm trùng, phản ứng dị ứng, nổi các nốt bất thường. Màu mực không đạt chuẩn còn khiến cho môi sau khi phun bị thâm, khó lên màu, lên màu bị loang lổ không đều nên cũng không đáp ứng được tiêu chí thẩm mỹ trong những trường hợp này.
  • Trang thiết bị không được vô trùng: Nếu không trải qua giai đoạn khử khuẩn vô trùng thì khi dùng những dụng cụ phun môi sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.
  • Không vệ sinh và lưu ý một số vấn đề về lối sống sau khi phun môi: Sau khi phun môi cần có những cách chăm sóc riêng cho môi như không làm môi dính nước, vệ sinh đúng cách sau khi ăn, chế độ dinh dưỡng sau phun môi, không ăn những thức ăn đậm màu, không uống cà phê, đồ uống có cồn và hút thuốc lá để có thể hạn chế tình trạng phun môi hỏng.

Khi đã biết được nguyên nhân dẫn đến phun môi bị hỏng thì có thể xử lý bằng cách đến ngay những cơ sở y tế để được hỗ trợ trong những trường hợp có dấu hiệu của bệnh lý. Đối với những biểu hiện của việc phun môi không lên màu chuẩn thì có thể tái phun môi nếu không có những dấu hiệu của bệnh lý

Dấu hiệu phun môi bị hỏng kể trên cho thấy rằng việc làm đẹp cần được thực hiện đúng cách để vừa đảm bảo được tính thẩm mỹ, vừa không ảnh hưởng đến sức khỏe. Chị em phụ nữ cần tìm hiểu thật kỹ phương pháp làm đẹp và lựa chọn cơ sở uy tín để đảm bảo an toàn và đạt được mục tiêu thẩm mỹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan