Độ pH của da là gì và bao nhiêu là bình thường?

Ít ai biết rằng độ pH da cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá làn da có khỏe hay không, đồng thời những sản phẩm chăm sóc da giúp cân bằng độ pH sẽ là một bí quyết giúp có được làn da đẹp. Vậy độ pH của da là gì và đạt bao nhiêu là ổn định?

1. pH là gì? pH da là gì?

Thuật ngữ "pH" dùng để đề cập đến "tiềm năng của hydro". Thông số này biểu hiện khả năng hoạt động của các ion hydro trong dung dịch nước. Hydro chiếm 2/3 lượng nước, nước là hai phân tử hydro cộng với một phân tử oxy với công thức hóa học là H2O.

Độ pH của dung dịch được biểu thị bằng thang số chạy từ 0-14. Bất kỳ thứ gì dưới 7 (mức độ pH trung tính) được coi là có tính axit và ngược lại, bất kỳ thứ gì có độ pH lớn hơn 7 được coi là có tính kiềm. Ví dụ nước chanh có độ pH là 2, rất có tính axit, trong khi amoniac có độ pH là 12, có tính kiềm cao, hay còn gọi là bazơ.

Lớp bề mặt và các lớp trên cùng của da cũng có tính axit tự nhiên. Do đó, độ pH da mặt cũng là một yếu tố cần lưu ý khi lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da phù hợp. Với từng độ pH khác nhau, mỗi làn da sẽ tương thích với các sản phẩm chăm sóc da khác nhau. Mặc dù nghiên cứu về phạm vi pH da bình thường đưa ra nhiều con số tham khảo khác nhau, nằm giữa pH4 và pH7, kết quả được ủng hộ nhiều nhất công nhận độ pH trung bình của da là 4,7.

Tuy nhiên, giá trị pH da bình thường còn tùy vào từng đối tượng như giới tính, tuổi tác. Ví dụ da của nam giới có xu hướng có tính axit cao hơn da của phụ nữ, độ pH da cũng tăng lên theo tuổi tác. Dù vậy nó vẫn có tính axit. Khi được sinh ra, làn da của trẻ sơ sinh có độ pH trung tính sẽ trở nên có tính axit trong vòng vài tuần sau đó.

2. Độ pH da có ảnh hưởng đến sức khỏe làn da như thế nào?

Da là tạng có kích thước lớn nhất trong cơ thể. Chức năng của da là một lớp màng bảo vệ trên bề mặt, như một lớp phủ axit. Lớp phủ axit đóng một vai trò quan trọng bằng cách phối hợp với các thành phần tự nhiên bài tiết trên da như mồ hôi, cholesterol, enzyme và thậm chí là dầu của chính da để bảo vệ bề mặt da và các lớp dưới khỏi các mối đe dọa bên ngoài. Khi da bị mất tính liên tục, nhất là trong các trường hợp bị chấn thương, bỏng, đây là “cửa ngõ” dễ tấn công vào cơ thể, đặc biệt là vi sinh vật, gây nhiễm trùng huyết.

Mặt khác, độ pH có tính axit của da cũng đóng một vai trò trong việc giữ cân bằng hệ vi sinh vật thường trú tại chỗ. Chính các lợi khuẩn này góp phần tạo ra môi trường có tính axit, làm cho các mầm bệnh có hại cho da sinh trưởng khó khăn hơn và nhanh chóng bị tiêu diệt.

Trong trường hợp liên tục làm rối loạn độ pH của da ở mức độ mạnh có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề trên da, bao gồm các chứng rối loạn da thường gặp và cảm giác khô, căng tức khi rửa bằng xà phòng có tính kiềm cao. Thậm chí, khả năng đề kháng của da sẽ bị suy yếu, da dễ bị tổn thương bởi các yếu tố có thể gây ra mụn, bệnh chàm, mẩn đỏ và tăng nhạy cảm.

Mụn trứng cá
Da dễ bị mụn khi độ pH của da không phù hợp

3. Vai trò của độ pH da trong việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da

Để tránh mọi vấn đề có thể ảnh hưởng xấu đến da, nhiều người tìm kiếm các sản phẩm chăm sóc da giúp cân bằng độ pH da, nhưng không phải tất cả các sản phẩm đều được dán nhãn với mức độ pH là bao nhiêu.

Sự thật là phần lớn các sản phẩm chăm sóc da đạt chất lượng khi rửa sạch sẽ lưu lại trên da cân bằng độ pH. Tuy nhiên, nếu bất kỳ sản phẩm nào áp dụng trên da có nguy cơ gây ra sự gián đoạn nhẹ về độ pH da bình thường, chẳng hạn như do sử dụng chất tẩy tế bào chết có chứa AHA hoặc BHA có độ pH là 3,6 hoặc kem chống nắng chứa khoáng có độ pH là 7,5, độ pH da này chỉ duy trì trong tình trạng tạm thời. Da có khả năng cân bằng với độ pH bình thường của nó một cách tự nhiên thường chỉ trong vòng một giờ. Thậm chí, các sản phẩm chăm sóc da có tính axit còn giúp kích thích da sản xuất các chất cần thiết, da sẽ trông mịn màng, dẻo dai và ngậm nước cao hơn.

Mặt khác, việc sử dụng các sản phẩm có tính axit quá cao (pH 2,5 trở xuống) hoặc có tính kiềm quá cao (pH 8 trở lên) sẽ gây ra sự gián đoạn đáng kể hơn trong độ pH của da. Lúc này, da sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi độ pH da trở lại bình thường.

4. Giá trị độ pH của các sản phẩm chăm sóc da phổ biến

Trên thị trường, hầu hết các sản phẩm chăm sóc da đều được cân bằng độ pH da mặt. Tuy nhiên, thông số cụ thể về độ pH của từng loại sản phẩm đôi khi cũng có sự khác biệt lớn. Chính vì vậy, người sử dụng cần nắm rõ giá trị độ pH của các sản phẩm chăm sóc da phổ biến nhằm có sự lựa chọn phù hợp, nhất là khi cần kết hợp nhiều sản phẩm cùng một lúc hay khi da đang bị tổn thương.

  • Dung dịch tẩy trang: pH 4,5–7
  • Toner: pH 5–7
  • Kem chống nắng: pH 5–7,5
  • Chất tẩy tế bào chết AHA và BHA: pH 3,2–3,9
  • Kem dưỡng ẩm: pH 5–7
  • Huyết thanh: pH 4–6
  • Sản phẩm bổ sung vitamin C (axit ascorbic): pH 2,6–3,2
  • Sản phẩm retinol: pH 3,7–5
Bôi kem dưỡng
Mỗi sản phẩm mỹ phẩm có mức độ pH khác nhau phù hợp với từng loại da

Tóm lại, pH da mặt cũng là một yếu tố cần quan tâm để có một làn da khỏe đẹp. Nếu đang bị các vấn đề về da liễu, thực hiện cân bằng độ pH trên da có thể là chìa khóa giúp nhanh chóng điều chỉnh những tổn thương da. Cho dù có làn da khô, da dầu hay bị mụn trứng cá, lời khuyên của các chuyên gia da liễu đều là nên lựa chọn sản phẩm chăm sóc da có độ pH gần bằng da nhất, giúp da luôn duy trì được giá trị pH da bình thường một cách tự nhiên.

Việc lựa chọn được những sản phẩm chăm sóc da hợp lý không những giúp bạn có được một làn da khỏe mạnh và hạn chế tối đa các vấn đề thường gặp.

Ngoài cung cấp các thông tin về sức khỏe, dinh dưỡng, lối sống... Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec còn là nơi chia sẻ mọi vấn đề về làm đẹp, chăm sóc da cho chị em phụ nữ. Việc thường xuyên cập nhật thông tin trên website sẽ mang đến cho bạn những lựa chọn đúng đắn, bổ ích.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: pubmed.ncbi.nlm.nih.gov - puracy.com - paulaschoice.com - int.eucerin.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

40.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan