Làm sao biết sữa mẹ hết chất dinh dưỡng? Khi nào nên cai sữa cho bé?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nguyễn Hùng Tiến - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất hoàn hảo cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, theo thời gian, sữa mẹ có thể không đáp ứng được nhu cầu dưỡng chất mà cơ thể trẻ cần. Thông thường, sau khi trẻ được 6 tháng tuổi, người mẹ cần cho trẻ bú mẹ kết hợp với ăn dặm bổ sung.

1. Nhu cầu năng lượng từ sữa mẹ với sự phát triển của bé

  • Trong 6 tháng đầu sau sinh, việc bú mẹ hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng và dịch của trẻ. Trẻ không cần ăn, uống bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác, kể cả nước đun sôi để nguội trừ trường hợp phải bổ sung các vitamin, khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ;
  • Khi trẻ được 6 – 12 tháng tuổi, sữa mẹ cung cấp được 70% nhu cầu năng lượng của bé
  • Khi trẻ được 1 – 2 tuổi: sữa mẹ cung cấp 30 – 40% nhu cầu năng lượng của bé.

Vì vậy, tất cả các bé trên 6 tháng tuổi cần ăn bổ sung ngoài sữa mẹ. Tuy nhiên, sữa mẹ vẫn là một nguồn năng lượng quan trọng, cung cấp các chất dinh dưỡng dồi dào cho trẻ trên 6 tháng tuổi nên các bậc cha mẹ vẫn cần duy trì cho trẻ bú tới khi bé ăn được thức ăn thay thế hoàn toàn sữa mẹ.

2. Khi nào sữa mẹ hết chất dinh dưỡng?

Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt cho trẻ em, là nguồn dinh dưỡng phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ. Không chỉ vậy, sữa mẹ còn có rất nhiều yếu tố sinh học như kháng thể, các men và bạch cầu,... mà sữa công thức không có được. Axit béo có trong sữa mẹ giúp bé phát triển não bộ và tăng cường nhận thức.
Từ 6 tháng đến 24 tháng tuổi (thời điểm thích hợp cai sữa), chất lượng sữa mẹ bắt đầu giảm sút về thành phần dưỡng chất và các kháng thể. Tuy vậy, sữa mẹ vẫn rất cần thiết và phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ.

Casein – một chất đạm đặc biệt trong sữa mẹ - có khả năng giúp bé ngăn chặn bệnh tiêu chảy, viêm tai, dị ứng và nhiễm trùng đường hô hấp. Vì vậy, trẻ vẫn nên được ăn sữa mẹ là chính dù chất lượng có giảm đi. Song song với đó, trẻ trên 6 tháng tuổi có thể uống bổ sung sữa công thức và ăn dặm tăng dần, đặc dần, gần với thức ăn của người lớn. Đây là bước chuẩn bị để khi cắt nguồn sữa mẹ, trẻ không bị hụt hẫng.

>>Xem thêm: Chọn sữa công thức cho trẻ - Bài viết được viết bởi TS. BS Phạm Thị Việt Hương - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

3. Khi nào nên cai sữa cho bé?

Không có một quy định cụ thể nào về thời điểm quyết định cai sữa cho bé. Thời điểm cai sữa phụ thuộc vào từng cá nhân, từng hoàn cảnh gia đình cụ thể. Cai sữa là cả một quá trình trẻ thích nghi dần với việc chuyển từ thức ăn là sữa sang thức ăn người lớn. Quá trình chuyển đổi này cần diễn ra từ từ.

Thời điểm thích hợp để cai sữa cho trẻ là khi trẻ được 18 – 24 tháng tuổi. Bên cạnh đó, mẹ chỉ nên cai sữa cho trẻ khi trẻ có sức khỏe bình thường, không bị ốm hay mắc bệnh. Điều này sẽ giúp việc cai sữa thuận lợi hơn, không ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.

Khi trẻ cai sữa, cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn của con nhiều hơn nhằm đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Có thể bổ sung thêm lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Để có thêm kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec khi cần tư vấn về sức khỏe của trẻ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

98.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan