Làm sao để biết bé đã bú đủ no?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Những người lần đầu làm mẹ hẳn sẽ không ít lần thắc mắc về việc con đã bú đủ no chưa? Lượng sữa bú vào có đủ cho con tăng cân không? Sau khi rời bụng mẹ, bé ngủ li bì, có cần đánh thức con dậy để cho con bú không? Nguyên nhân do mẹ thường lo con bú không đủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của bé.

1. Thời gian cho bé bú

Bé mới sinh ra nên ở cùng phòng với mẹ, và bắt đầu cho bé bú sớm trong nửa đầu đến 1 giờ đầu sau sinh. Các mẹ nên cho bé bú theo nhu cầu và cho đến khi bé bú no (thời gian cho con bú trung bình khoảng 20 - 30 phút). Cho bé bú cạn một bên vú trước ( vì sữa cuối cữ bú có hàm lượng calo cao) sau đó cho bé bú vú bên còn lại. Cho con bú càng thường xuyên thì lượng sữa sản sinh ra càng nhiều.

Trong ngày đầu tiên sau sinh, bé cần bú mỗi giờ hoặc nếu thấy bé quá buồn ngủ và ngủ nhiều thì mẹ cần cho trẻ bú sữa thêm. Sau 1-2 ngày đầu tiên trôi qua, bé sẽ liên tục thấy đói vì dạ dày của bé nhỏ, nhanh rỗng và sẽ tiêu hóa hết thức ăn trong vài giờ.

Tùy thuộc vào sự thèm ăn của bé, đôi khi bé chỉ muốn bú một chút hoặc những thời điểm khác thì bé lại muốn bú lâu và no hơn. Vào cuối tuần đầu tiên, thời gian cho con bú có thể sẽ cần 12 lần bú sau mỗi 24 giờ. Các mẹ hãy để ý và cho trẻ bú sữa bất cứ lúc nào cần thiết.

2. Cách nhận biết bé bú đủ no

Các mẹ có thể nhận biết bé bú đủ no dựa vào những dấu hiệu sau:

2.1 Tã ướt

Cách thông thường nhất để nhận biết bé bú có đủ hay không đó là thông qua số lượng tã. Các mẹ cần phải lưu ý những điều sau:

  • Trong hai ngày đầu tiên sau khi chào đời, bé cần thay khoảng 2-4 cái tã. Tuy nhiên, từ ngày thứ 5 trở đi, con số này tăng lên khoảng 6-8 cái.
  • Nước tiểu của bé nhạt màu, không có mùi. Nếu nước tiểu của bé có màu sẫm thì nhiều khả năng bé vẫn còn đói.

2.2 Đi ngoài

Đi ngoài là một cách để nhận biết bé có bú đủ no hay không. Dưới đây là một số điều các mẹ cần lưu ý:

  • Từ 1-2 ngày đầu tiên, bé thường đi phân su ( dày, dính, có màu đen hoặc xanh đậm).
  • Khi bé chuyển từ bú sữa non sang sữa mẹ, phân của trẻ sẽ trở nên lỏng hơn, có màu vàng và ít có mùi hôi.
  • Trong khoảng vài tuần đầu tiên, phân của bé sẽ thay đổi đột ngột khoảng 2-3 ngày mới đi ngoài một lần.
  • Chỉ cần bé thay tã 6-8 lần một ngày, phân có màu vàng và lỏng là được.

2.3 Tăng cân

Sau khi sinh khoảng 3-4 ngày, bé có thể gặp phải tình trạng sút cân sinh lý. Điều này là hoàn toàn bình thường và bận không cần phải lo lắng gì cả. Khoảng 2 tuần sau đó, cân nặng của bé sẽ trở lại bình thường. Cân nặng, chiều cao và chu vi vòng đầu của bé tăng liên tục chứng tỏ là bé đã bú đủ sữa. Thông thường sau tuần đầu tiên cân nặng của bé bằng lúc mới sinh, và sau đó sẽ tăng 200g mỗi tuần.

Ngoài ra các mẹ cũng có thể nhận biết bằng dấu hiệu thấy vú mềm hơn sau khi cho bé bú, bé bú no sẽ tự động bỏ vú, sau bú bé sẽ ngủ từ 2-4 giờ.

Cân nặng trẻ em
Cân nặng, chiều cao và chu vi vòng đầu của bé tăng liên tục chứng tỏ là bé đã bú đủ sữa

2.4 Bàn tay của bé nói với mẹ rất rõ rằng con no rồi

Mẹ hãy dành thời gian quan sát bé trong mỗi lần ăn ngay từ khi bé chào đời. Những lúc đói, ngoài tiếng khóc, tay con sẽ nắm chặt lại và khua liên tục hoặc thậm chí bé sẽ cho nắm tay vào miệng.

Khi kết thúc bữa ăn, tay của bé dần dần buông lỏng và xòe cả bàn tay ra. Đây chính là dấu hiệu của cảm giác “ Con đã no rồi”.

Cơ thể bé thư giãn, được nạp đầy năng lượng thường có xu hướng thả lỏng và duỗi ra một cách tự nhiên.

2.5 Con dễ chịu, vui vẻ và thư thái

Nếu bé đã nhả ti ra nhưng vẫn khó chịu, tay chân loạn xạ hoặc khóc thì mẹ cần kiểm tra các bước sau:

  • Vỗ ợ hơi cho bé
  • Tiếp sau đó mời bé bú lại.
  • Kiểm tra con đã ngậm đúng khớp vú và có tư thế bú thoải mái chưa.
  • Sau đó cho bé tiếp tục bú, nếu bé chấp nhận bú tiếp và tự động nhả ti, kết hợp với dấu hiệu không còn quấy khóc nữa thì đó là lúc bé đã ăn no.

2.6. Giấc ngủ của bé liền mạch

Khi con bú no cũng là lúc bé sẽ có một giấc ngủ sâu và ngon. Nếu con ngủ được giấc trên 45-60 phút (45 phút là thời gian tối thiểu cho một giấc ngủ của trẻ sơ sinh) thì đó là tín hiệu lượng sữa con ăn vào đủ cho hoạt động ngủ, chơi của con.

3. Làm sao để có đủ sữa mẹ cho bé bú?

Chế độ ăn tăng sữa
Các mẹ có thể uống thêm sữa, ăn nhiều rau xanh, trái cây để giúp cho bầu sữa mẹ được nhiều và đầy đủ chất dinh dưỡng

Các mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn ít nhất là tới 6 tháng tuổi. Vậy để có nguồn sữa dồi dào cho con bú, ngay trong thời kỳ có thai người mẹ cần được ăn uống đủ chất, có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tinh thần thoải mái. Đồng thời các mẹ phải ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng như: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.

Khẩu phần ăn của các mẹ cần cao hơn mức bình thường. Hằng ngày, nên ăn thêm vài bát cơm, một ít thịt, cá, hoặc trứng, một ít rau đậu. Các mẹ nên ăn thêm quả chín. Đồng thời cũng nên hạn chế các gia vị như ớt, hành, tỏi vì dễ làm cho sữa có mùi khó chịu, trẻ dễ bỏ bú.

Ngoài việc ăn đủ các mẹ cũng cần uống đủ, ngủ đủ giấc. Các mẹ có thể uống thêm sữa, ăn nhiều rau xanh, trái cây để giúp cho bầu sữa mẹ được nhiều và đầy đủ chất dinh dưỡng.

Điều quan trọng để mẹ tiết ra nhiều sữa là các mẹ cần cho con bú thường xuyên và đúng cách. Trẻ ngậm bắt vú đúng sẽ bú có hiệu quả hơn và tránh làm người mẹ đau rát vú.

Các mẹ nên giữ tinh thần thoải mái, vui tươi, tránh lo nghĩ căng thẳng. Tăng cường gần gũi con nhiều hơn cũng làm cho tăng lượng sữa.

Cho bé bú không chỉ là cung cấp những chất dinh dưỡng cần thiết cho bé mà còn có lợi cho mẹ. Bên cạnh đó, bú mẹ cũng giúp tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa mẹ và bé. Hy vọng những chia sẻ trên đây có thể giúp cho các mẹ tự tin hơn, không còn lúng túng khi chăm bé sơ sinh.

Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường , cha mẹ có thể đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, vì đây là một trong những bệnh viện hàng đầu cả nước về thăm khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh về tiêu hóa, tiết niệu, bệnh lý đường hô hấp, dinh dưỡng đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

200.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan