Thế nào là rau tiền đạo?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Rau tiền đạo là hiện tượng rau thai che mất một phần hoặc hoàn toàn lỗ cổ tử cung của người mẹ. Mang thai rau tiền đạo có thể gây chảy máu nghiêm trọng trước hoặc trong khi sinh. Vậy nguyên nhân bị rau tiền đạo là gì?

Rau thai cung cấp oxy và chất dinh dưỡng để thai nhi phát triển, đồng thời loại bỏ những chất thải từ máu của em bé. Rau thai bám vào thành tử cung và dây rốn của em bé.

1. Rau tiền đạo là gì?

Bình thường rau thai bám mặt trước (phía trước thành tử cung), mặt sau (phía sau thành tử cung), phía trên thành tử cung, bên phải hoặc bên trái tử cung. Còn rau tiền đạo là hiện tượng rau thai nằm ở vị trí thấp nhất của tử cung và che mất một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung, gây xuất huyết trong thai kỳ.

2. Nguyên nhân bị rau tiền đạo là gì?

Nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng rau tiền đạo vẫn chưa được xác định rõ ràng. Rau thai có thể phát triển ở bất cứ vị trí nào mà phôi làm tổ trong tử cung. Khi phôi làm tổ ở phần dưới của tử cung thì rau thai có thể phát triển từ vị trí này, không dịch chuyển lên phía trên trong thai kỳ, sẽ dẫn đến hiện tượng rau tiền đạo.

Ngoài ra, rau tiền đạo còn có thể gặp ở một số phụ nữ như:

  • Sinh đẻ nhiều lần.
  • Bị sảy thai hoặc nạo thai nhiều lần.
  • Bị viêm nhiễm tử cung trước đó.
  • Bị rau tiền đạo trong lần mang thai trước. Tuy nhiên, người mang thai lần đầu vẫn có thể bị rau tiền đạo.
  • Rau thai lớn, do mang đa thai
  • Phụ nữ lớn tuổi mang thai (trên 35 tuổi).
  • Tử cung có hình dạng bất thường.
  • Phụ nữ sử dụng nhiều chất kích thích như hút thuốc lá.

3. Biểu hiện của rau tiền đạo

  • Xuất huyết âm đạo bất thường (máu màu đỏ tươi) không gây đau đớn trong nửa sau của thai kỳ.
  • Xuất huyết dao động từ nhẹ đến nặng, có thể ít hoặc nhiều.
  • Xuất huyết có thể tự hết mà không cần điều trị. Tuy nhiên, có thể tái phát sau vài ngày hoặc vài tuần.
  • Một số thai phụ có rau tiền đạo có thể phải đối mặt với các cơn co thắt đi kèm với xuất huyết.

Do đó, nếu thai phụ bị chảy máu âm đạo khi mang thai bất thường trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, hãy đến bác sĩ ngay lập tức. Trường hợp chảy máu nặng, cần phải được cấp cứu ngay.

Thế nào là rau tiền đạo?
Rau tiền đạo

4. Thai bao nhiêu tuần thì biết rau tiền đạo?

Hầu hết các trường hợp rau tiền đạo có thể được phát hiện sớm từ tuần thứ 20 của thai kỳ bằng phương pháp siêu âm thai. Khi siêu âm, bác sĩ có thể xác định vị trí rau thai bám vào tử cung là ở đâu: đáy, thân, mặt trước hay mặt sau, rau bám thấp, tiền đạo trung tâm hay bán trung tâm.

Mang thai bị rau tiền đạo ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé trong thai kỳ. Phụ nữ mang thai nên được thăm khám thai đều đặn để kịp thời phát hiện những bất thường có thể thấy trong thai kỳ.

Với mong muốn mang lại dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho các bà mẹ và em bé từ khi mang thai đến khi sinh nở, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã tổ chức triển khai các Gói Chăm sóc Thai sản trọn gói. Tại đây, các bác sĩ theo dõi, tư vấn và chăm sóc chu đáo cho mẹ và bé từ thời kỳ thai nghén, đảm bảo thai kỳ diễn ra an toàn nhất có thể. Sau khi sinh, mẹ và bé sẽ được nghỉ ngơi, thư giãn trong phòng bệnh tiện nghi, tiêu chuẩn quốc tế với sự chăm sóc tận tình và chuyên nghiệp của đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng tại bệnh viện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

97.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan