Nguy cơ vô sinh với người trưởng thành mắc tinh hoàn ẩn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tinh hoàn ẩn là khuyết tật về sự phát triển thường gặp nhất ở nam giới. Tỷ lệ mắc tinh hoàn ẩn ở bé trai vào khoảng 3% - 4% khi sinh, thường gặp ở trẻ sinh nhẹ cân, sinh non, sinh đôi. Tuy nhiên, tinh hoàn ẩn vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ở người trưởng thành nếu không được điều trị sớm.

1. Tinh hoàn ẩn là gì?

Trong thời kỳ bào thai, tinh hoàn của bào thai sẽ nằm ở vị trí phía sau và sát hai thận. Đến khi thai nhi được 8 tháng tuổi, cả 2 tinh hoàn sẽ di chuyển từ bụng, qua bẹn rồi xuống bìu trước khi trẻ chào đời.

Tinh hoàn ẩn là tình trạng một bé trai lúc sinh ra có 1 hoặc cả 2 tinh hoàn không di chuyển xuống bìu, tinh hoàn còn nằm ở ổ bụng, bẹn hoặc chỉ xuống bìu một phần. Vì vậy thường không sờ thấy tinh hoàn trong bìu.

Các thể lâm sàng có thể gặp là tinh hoàn nằm trong ổ bụng, ở lỗ bẹn sâu, trong ống bẹn và ngoài lỗ bẹn nông.Tinh hoàn ẩn có thể sờ chạm được nếu nằm ở bẹn, những trường hợp tinh hoàn ẩn nằm trong bụng thì không sờ chạm được. Thông thường, chỉ có 1 tinh hoàn bị ảnh hưởng nhưng có khoảng 10% trẻ bị cả hai tinh hoàn không xuống được bìu.

tinh-hoan-an-o-nguoi-truong-thanh-1
Thông thường, chỉ có 1 tinh hoàn bị ảnh hưởng nhưng có khoảng 10% trẻ bị cả hai tinh hoàn không xuống được bìu.

2. Tinh hoàn ẩn ở người trưởng thành

Trong nhiều trường hợp, tinh hoàn sẽ tự động di chuyển xuống bìu trước khi trẻ được 3 tháng tuổi. Nếu tinh hoàn không nằm trong bìu cho đến khi trẻ được 6 tháng tuổi thì rất khó để tinh hoàn tự động đi xuống và cần được điều trị. Sau 1 tuổi, tinh hoàn ẩn không thể tự di chuyển xuống bìu được mà bắt đầu có sự thay đổi về cấu trúc và chức năng theo hướng xấu đi. Tinh hoàn sẽ bắt đầu teo đi và xuất hiện các biến chứng.

Một số trường hợp bệnh nhân để tình trạng kéo dài, rất muộn sau tuổi dậy thì mới đi khám bệnh. Khi đó tinh hoàn ẩn ở người trưởng thành thường đã bị teo nhỏ. Điều trị lúc này là phẫu thuật cắt tinh hoàn vì tinh hoàn đã mất chức năng và cũng để ngừa nguy cơ ung thư hóa của tinh hoàn ẩn.

Trong tất cả các trường hợp ung thư tinh hoàn thì ung thư tinh hoàn xảy ra trên tinh hoàn ẩn chiếm 10%. Nguy cơ ung thư của tinh hoàn ẩn cao gấp 40 lần tinh hoàn ở vị trí bình thường. Nếu tinh hoàn ẩn vẫn còn tương đối lớn và nằm thấp ở gần bìu vẫn có thể giữ lại tinh hoàn bằng phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu, nhưng cần theo dõi kỹ vì nguy cơ ung thư hóa vẫn có thể xảy ra sau đó.

Biểu hiện của tinh hoàn ẩn ở người trưởng thành:

  • Tự sờ thấy trong bìu không có tinh hoàn hoặc sờ thấy ở ống bẹn có khối u nổi lên hoặc chỉ sờ thấy một bên tinh hoàn.
  • Vùng bìu kém phát triển: tinh hoàn ẩn càng cao thì bìu càng kém phát triển.

3. Tinh hoàn ẩn có con được không?

Tinh hoàn ẩn thường kèm theo đường kính ống sinh tinh nhỏ hơn, mức độ xơ hóa tinh hoàn cũng cao hơn (xơ hóa cao hơn ở những trẻ lớn hơn 1 tuổi so với trẻ nhỏ hơn 1 tuổi). Sự thay đổi về mô học của tinh hoàn ẩn có thể ảnh hưởng đến tinh trùng và gây ra vô sinh nam. Nếu chỉ bị ẩn tinh hoàn 1 bên thì vẫn có khả năng có con nhưng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro bị ung thư bên tinh hoàn ẩn và các nguy cơ khác.

Trường hợp tinh hoàn ẩn cả 2 bên thì nguy cơ vô sinh nam rất cao. Những người này thường không có tinh trùng trong kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ. Thậm chí, có trường hợp không thể quan hệ tình dục được do thiếu hụt nội tiết tố nam trầm trọng, thể trạng yếu đuối, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt và tâm sinh lý.

4. Phẫu thuật điều trị tinh hoàn ẩn

tinh-hoan-an-o-nguoi-truong-thanh-1
Kỹ thuật này được áp dụng thường quy tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Tinh hoàn ẩn cần được điều trị ngay khi bệnh nhân được 1 tuổi. Vì sau 1 tuổi, tinh hoàn có nguy cơ teo đi và xuất hiện biến chứng như xoắn tinh hoàn, ung thư hóa và vô sinh nếu tinh hoàn ẩn ở cả 2 bên. Đối với tinh hoàn ẩn ở người trưởng thành thì cần được điều trị ngay khi phát hiện bệnh, không nên chần chừ vì nguy cơ xảy ra vô sinh rất cao.

Phẫu thuật điều trị bệnh tinh hoàn ẩn là một phẫu thuật bảo tồn, do vậy cần được tiến hành với các phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm.

Tinh hoàn ẩn có thể được điều trị ngoại khoa bằng cách mổ nội soi với kỹ thuật gây tê khoang cùng (gây tê ngoài màng cứng qua khe xương cùng) rất hiệu quả. Kỹ thuật này được áp dụng thường quy tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Kỹ thuật này được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ giỏi về chuyên môn, có kinh nghiệm lâu năm trong công tác chữa trị:

  • Video đề xuất:

Các phương pháp điều trị vô sinh: Hi vọng cho những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan