Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây thuyên tắc mạch phổi

Thuyên tắc mạch phổi là căn bệnh thường gặp với tỷ lệ tử vong khoảng 30% nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới.

1. Thuyên tắc mạch phổi là gì?

Thuyên tắc mạch phổi (thuyên tắc phổi) là tình trạng nghiêm trọng, có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân, xảy ra do sự tắc nghẽn mạch máu (động mạch) trong phổi. Thuyên tắc phổi có thể xảy ra ở động mạch trung tâm phổi hoặc gần rìa phổi. Thuyên tắc phổi gây ra các triệu chứng như đau ngực, khó thở nhưng cũng có thể không có bất kỳ triệu chứng nào nên rất khó phát hiện.

2. Nguyên nhân gây thuyên tắc mạch phổi

2.1 Do huyết khối tĩnh mạch

Tĩnh mạch là hệ thống các mạch máu dẫn máu trở về tim sau khi đi nuôi toàn bộ cơ thể. Huyết khối là cục máu đông. Hiện tượng thuyên tắc xảy ra khi một cục máu đông (huyết khối) tách ra khỏi nơi nó tạo thành, trôi theo dòng máu cho tới khi nó mắc kẹt trong một mạch máu hẹp hơn ở một nơi khác trong cơ thể.

Với các trường hợp thuyên tắc mạch phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu là nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất. Hầu hết các huyết khối gây tắc mạch phổi đều được hình thành trong tĩnh mạch ở chân. Ngoài ra, thuyên tắc phổi có thể xuất phát từ huyết khối các tĩnh mạch chậu, thận, chi trên hoặc từ tim phải. Huyết khối thường hình thành tại vị trí máu chảy chậm như các van tĩnh mạch hoặc nơi hợp lưu tĩnh mạch. Cục máu đông gây thuyên tắc phổi có thể có kích thước lớn hoặc nhỏ, số lượng ít hoặc nhiều.

Khi huyết khối nằm trong động mạch phổi, nó sẽ chặn lưu lượng máu đến phổi để nhận oxy. Nếu không có đủ máu nhận được oxy và di chuyển tuần hoàn khắp cơ thể, nồng độ oxy trong cơ thể sẽ giảm xuống, có thể gây stress và tổn thương các cơ quan, bao gồm cả não, thận và tim. Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào lưu lượng máu không đến được phổi. Ngoài ra, thuyên tắc mạch phổi cũng làm tim trái không bơm được máu, dẫn tới hạ huyết áp. Tất cả những tác động này có thể gây tử vong chỉ sau một thời gian ngắn nếu không được điều trị.

2.2 Các nguyên nhân khác

Một số ít trường hợp thuyên tắc mạch phổi không phải do huyết khối mà đến từ các nguyên nhân khác như:

  • Thuyên tắc mỡ: Giọt mỡ từ tủy của xương bị gãy (nếu xương gãy là xương lớn và dài như xương đùi);
  • Dị vật: Thường gặp trong các thủ thuật can thiệp gây gãy ống thông, tụt coil hoặc dị vật từ bơm tiêm không sạch như bơm tiêm chích ma túy;
  • Ung thư: Một mảnh nhỏ của khối u bị vỡ từ khối u lớn trong cơ thể;
  • Bóng khí lớn trong tĩnh mạch (hiếm gặp);
  • Dịch ối trong thai kỳ hoặc trong lúc sinh - tắc mạch ối (hiếm gặp);
  • Nhiễm trùng huyết.
Thuyên tắc mạch phổi
Nhiễm trùng huyết cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới thuyên tắc mạch phổi

3. Những yếu tố làm tăng nguy cơ thuyên tắc mạch phổi

3.1 Yếu tố di truyền

  • Thiếu antithrombin III;
  • Yếu tố V Leiden (kháng protein C hoạt hóa);
  • Khiếm khuyết gen prothrombin;
  • Thiếu protein C;
  • Thiếu protein S;
  • Rối loạn fibrinogen máu;
  • Rối loạn plasminogen;
  • Tăng homocystein máu.

3.2 Yếu tố mắc phải

  • Trên 40 tuổi;
  • Tiền căn phẫu thuật lớn, đặc biệt là phẫu thuật phụ khoa hoặc phẫu thuật vùng xương chậu và chân;
  • Tiền căn thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch;
  • Chấn thương, chấn thương sọ não;
  • Gãy khớp háng;
  • Bất động, liệt;
  • Suy tĩnh mạch;
  • Giãn tĩnh mạch chi dưới;
  • Suy tim sung huyết;
  • Nhồi máu cơ tim;
  • Béo phì;
  • Mang thai hoặc trong vòng 6 tuần sau sinh;
  • Sử dụng thuốc ngừa thai: Viên uống tránh thai hoặc thuốc hormone;
  • Thói quen hút thuốc lá;
  • Mắc bệnh ác tính;
  • Mắc bệnh tăng tiểu cầu nặng;
  • Tiểu hemoglobin kịch phát về đêm;
  • Đi xe hơi hoặc máy bay đường dài mà không dừng lại vận động cơ thể;
  • Người không sử dụng thuốc làm loãng máu đã được bác sĩ chỉ định;
  • Mắc hội chứng kháng thể kháng phospholipid, bao gồm cả bệnh lupus ban đỏ hệ thống.

Những người mang nhiều yếu tố nguy cơ sẽ càng có khả năng có cục máu đông trong cơ thể và dễ phải đối diện với nguy cơ thuyên tắc mạch phổi.

Thuyên tắc mạch phổi
Béo phì là một trong nhiều yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ mắc phải thuyên mắc mạch phổi

4. Phòng ngừa thuyên tắc mạch phổi như thế nào?

Vì nguyên nhân chính gây thuyên tắc mạch phổi là do huyết khối tĩnh mạch sâu nên trước hết cần ngăn ngừa nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu bằng cách:

4.1 Trước và sau khi phẫu thuật

  • Bác sĩ chỉ định bệnh nhân dùng thuốc ngăn ngừa hình thành cục máu đông trước hoặc sau khi phẫu thuật;
  • Bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện có thể mang vớ thun đặc biệt hoặc giày bơm hơi để giúp co bóp cơ bắp, kích thích máu lưu thông;
  • Người bệnh cần đứng dậy, tập đi ngay sau khi làm thủ thuật để ngăn ngừa hình thành huyết khối;
  • Chân bệnh nhân hoặc giường có thể được nâng cao lên.

4.2 Trong khi mang thai

Bác sĩ chỉ định dùng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác để ngăn chặn huyết khối tĩnh mạch sâu nếu có các yếu tố nguy cơ như:

  • Tiền sử gia đình có người bị huyết khối tĩnh mạch sâu;
  • Mắc phải hội chứng tăng đông máu do di truyền;
  • Cần nghỉ ngơi tại giường;
  • Có khả năng mổ lấy thai.

4.3 Khi có một chuyến đi dài

Khi có một chuyến đi dài, phụ nữ đang mang thai hoặc có nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu nên chú ý thực hiện theo hướng dẫn sau:

  • Uống nhiều nước;
  • Mặc đồ rộng rãi;
  • Đi lại và duỗi cơ thường xuyên;
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng vớ thun ép cẳng chân ngăn ngừa hình thành cục máu đông (vì một số người có vấn đề lưu thông máu hoặc mắc bệnh tiểu đường không nên mang).

Thuyên tắc mạch phổi chủ yếu xuất hiện do huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Để có thể phòng ngừa thuyên tắc phổi hữu hiệu, người bệnh cần chú ý tới các biện pháp ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu được đề cập trên đây. Đặc biệt, khi có dấu hiệu tắc mạch phổi như đau ngực, khó thở,... bệnh nhân cần ngay lập tức đi khám để được kiểm tra, chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị kịp thời, hữu hiệu.

Thuyên tắc mạch phổi
Khi có dấu hiệu tắc mạch phổi như đau ngực, khó thở,... bệnh nhân cần ngay lập tức đi khám để được kiểm tra, chẩn đoán

Hiện nay, tại Bệnh Viện Đa khoa Quốc Tế Vinmec đang áp dụng phương pháp tiêu sợi huyết để điều trị cấp cứu bệnh nhân bị tắc mạch phổi. Với trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại cho kết quả CT perfusion trong vòng 7 phút và thực hiện thường quy. Kỹ thuật được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ giàu chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, nhằm đạt kết quả tối ưu nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan