5 điều bác sĩ mong muốn cha mẹ biết về việc tè dầm của trẻ

Tè dầm là phàn nàn về tiết niệu ở trẻ em phổ biến nhất ở các bậc cha mẹ. Năm đến bảy triệu trẻ em dưới 5 tuổi làm ướt giường sau một đêm. Sau 5 tuổi, 15% trẻ em vẫn không thoát khỏi tình trạng này. Cũng giống như một cột mốc phát triển chẳng hạn như tập đi, có một khoảng thời gian trẻ sẽ tự hết tè dầm. Một số trẻ chỉ cần thêm thời gian để phát triển khả năng kiểm soát bàng quang của mình. Khi bạn cần đi vệ sinh, bàng quang sẽ gửi tín hiệu đến não của bạn để đánh thức. Đối với những đứa trẻ làm ướt giường vào ban đêm, khả năng xử lý thông tin này thường bị chậm trễ. Trẻ không nhận ra cảm giác bàng quang đầy. Trong bài viết này chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để hiểu rõ hơn về 5 điều bác sĩ mong muốn cha mẹ biết về việc tè dầm của trẻ.

Chính vì tình trạng tè dầm ở trẻ là rất phổ biến nên các bác sĩ thường luôn tìm cách trấn an cả trẻ và cha mẹ. Dưới đây là 5 điều bác sĩ mong muốn các bậc cha mẹ hiểu rõ về việc tè dầm của con mình.

1. Tè dầm ở trẻ là bình thường và không mang tính tự nguyện

Hầu hết các bậc cha mẹ thường không đề cập đến chuyện tè dầm của con mình trong các buổi họp phụ huynh, trò chuyện với các bậc cha mẹ khác hay trên đường đưa đón trẻ đi học. Tuy nhiên đó là điều bình thường và rất phổ biến. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết có khoảng 5 triệu trẻ em ở Hoa Kỳ thường xuyên làm ướt giường vào mỗi đêm. Ở nhóm trẻ 7 tuổi, cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ tè dầm vào ban đêm.

Tình trạng tè dầm không chỉ phổ biến mà nó còn hoàn toàn không tự nguyện. Nghĩa là trẻ không kiểm soát được chứng tè dầm của mình. Một đứa trẻ thường xuyên tè dầm không phải là lười biếng hoặc đang cố gắng thách thức cha mẹ chúng. Nó liên quan đến quá trình tăng trưởng và phát triển ở trẻ chứ không phải là sự kiểm soát. Trước khi trẻ có thể hoàn toàn khô ráo cả đêm, não, cơ và bàng quang của trẻ cần phải có đủ thời gian để trưởng thành. Chúng phải làm việc cùng nhau để tạo ra ít nước tiểu hơn vào ban đêm, gửi cũng như nhận các tín hiệu đủ mạnh có thể đánh thức trẻ dậy đi vệ sinh.

Trẻ đái dầm
Tình trạng tè dầm ở trẻ không chỉ phổ biến mà nó còn hoàn toàn không tự nguyện

2. Tiểu ban ngày và tiểu ban đêm là những mốc thời gian riêng biệt

Thông thường, khi trẻ đủ tuổi, các bậc cha mẹ sẽ hướng dẫn cho bé cách sử dụng bô hoặc nhà vệ sinh mỗi khi có nhu cầu. Trẻ có thể hoàn toàn không tè dầm vào ban ngày, tuy nhiên vào ban đêm đó lại là câu chuyện khác, liên quan đến từng cột mốc phát triển trong quá trình phát triển chung của trẻ. Nếu bé đã thành công trong việc mặc đồ lót và sử dụng bô cả ngày nhưng thường xuyên tè dầm vào ban đêm, đó không hẳn lại sự thất bại trong nỗ lực tập đi vệ sinh của bé. Đơn giản là trẻ chỉ cần thêm thời gian để đạt được những cột mốc quan trọng khác trong việc kiểm soát khả năng tiểu tiện của bản thân.

Đối với nhiều đứa trẻ, khoảng cách giữa việc kiểm soát tiểu tiện vào ban ngày và kiểm soát tiểu tiện vào ban đêm có thể gần nhau đến mức cha mẹ chúng cảm thấy trẻ đã tự mình đạt được hai thành tự đó trong cùng một thời điểm. Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ khác, việc này có thể mất nhiều tháng, hoặc thậm chí nhiều năm và lâu hơn nữa để có thể kiểm soát khả năng tiểu tiện và không tè dầm vào ban đêm.

3. Tè dầm ở trẻ hiếm khi xảy ra do các vấn đề liên quan đến y tế

Nếu trẻ thường xuyên tè dầm kể từ thời điểm bé không cần dùng tã vào ban ngày thì đó có lẽ không phải do một nguyên nhân liên quan đến sức khỏe nào đáng lo ngại. Tuy nhiên không nên vì thế mà chủ quan, các bậc cha mẹ luôn cần để ý đến những thay đổi trong thói quen hàng ngày của trẻ liên quan đến việc kiểm soát khả năng tiểu tiện.

Nếu sau một đêm dài khô ráo, bé đột nhiên bắt đầu tè dầm hoặc xuất hiện kèm với các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt hoặc đau buốt khi tiểu tiện, hãy đưa trẻ đến phòng khám hoặc các cơ sở y tế. Các vấn đề liên quan đến thể chất, thường gặp nhất là táo bón hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, có thể là thủ phạm khiến trẻ mắc phải các triệu chứng trên. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng đây chỉ là một trong số những bước phát triển để trẻ cố gắng kiểm soát khả năng tiểu tiện, đặc biệt là vào ban đêm của mình.

Trẻ sốt bao nhiêu độ thì co giật? (Phần 2)
Trẻ tè dầm kèm theo sốt cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám

4. Không nên thưởng, phạt việc trẻ tè dầm

Vì đây là quá trình phát triển tự nhiên của trẻ nên thưởng hoặc phạt sẽ chi vô tình làm mọi chuyện tồi tệ hơn. Sử dụng một tờ lịch ghi chú hoặc nhãn dán để đánh dấu những ngày trẻ không tè dầm có vẻ là một ý tưởng hay để một số bậc cha mẹ động viên hoặc thậm chí có những phần thưởng cho trẻ nếu chúng không làm ướt giường mỗi sáng thức dậy. Tuy nhiên bởi bé không thể kiểm soát được việc này nên việc thưởng hoặc phát đối với trẻ sẽ không thể giúp chúng ngừng tè dầm vào đêm hôm sau. Thậm chí nó còn có thể khiến trẻ chịu thêm áp lực và những sự căng thẳng không đáng có.

Trẻ em thích được thưởng, tất nhiên nhưng cha mẹ của bé có thể thưởng cho con những điều mà chúng có thể kiểm soát, ví dụ như việc đi vệ sinh trước khi đi ngủ, giúp mẹ thay ga trải giường, giặt, phơi chăn mền hoặc thông báo với mẹ việc bé đã tè dầm vào tối hôm qua. Những hành động này có thể giúp trẻ bớt cảm thấy áp lực trong việc cố gắng kiểm soát khả năng tiểu tiện của mình vào ban đêm và có thể khiến tình hình khả quan hơn. Ngược lại, phạt trẻ hoặc đổ lỗi cho trẻ vì tè dầm làm ướt giường chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ mà thôi.

5. Không có phương pháp cụ thể làm giảm tình trạng tè dầm ở trẻ

Trên thực tế, không có phương pháp cụ thể nào có thể điều trị hoặc làm giảm tình trạng tè dầm ở trẻ. Những phương pháp được đề cập dưới đây chủ yếu được các bậc cha mẹ áp dụng và đưa ra những đánh giá hết sức chủ quan về tính hiệu quả của chúng. Thông thường, “cách chữa trị” duy nhất cho tình trạng tè dầm ở trẻ chính là cho trẻ thời gian để kiểm soát được khả năng tiểu tiện của mình.

  • Báo động làm ướt giường. Báo động làm ướt giường có thể hiệu quả. Tuy nhiên chúng đòi hỏi sự cam kết một cách nghiêm túc của trẻ và cha mẹ chúng và không phải đứa trẻ nào cũng có thể thực hiện được điều này.
  • Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của các bác sĩ: Có một số loại thuốc được sử dụng theo chỉ dẫn của các bác sĩ có khả năng làm giảm sản xuất nước tiểu, tuy nhiên chúng không đảm bảo trẻ sẽ không tè dầm vào ban đêm bởi tình trạng này phụ thuộc vào nhiều yếu tố ảnh hưởng khác chứ không chỉ là lượng nước tiểu tạo ra. Các loại thuốc trên thường không được chỉ định cho trẻ dưới 7 tuổi và có thể mang đến nhiều tác dụng phụ có hại cho sức khỏe của trẻ.
  • Hình thành cho trẻ thói quen uống đủ nước vào ban ngày. Một số bậc cha mẹ tin rằng hạn chế cho trẻ uống nước và chất lỏng vào ban đêm sẽ ngăn tình trạng tè dầm xảy ra. Để làm được điều này, cha mẹ của trẻ cần đảm bảo cung cấp đủ nước cho bé suốt cả ngày. Một số lợi ích của việc được cung cấp đủ nước là ngăn ngừa tình trạng táo bón và nhiễm trùng đường tiết niệu, 2 trong số các nguyên nhân gây ra tình trạng tè dầm ở trẻ vào ban đêm.
  • Đi vệ sinh vào ban đêm: Đánh thức trẻ và dắt bé vào nhà vệ sinh mỗi đêm có thể giúp giảm nguy cơ tè dầm của trẻ. Tuy nhiên cần cân nhắc việc làm gián đoạn giấc ngủ của cả mẹ và bé chỉ để giữ cho giường khô vào sáng hôm sau liệu có đáng không?
Trẻ uống nước.
Hình thành cho trẻ thói quen uống đủ nước vào ban ngày

Trẻ tè dầm là nỗi ám ảnh của hầu hết các bà mẹ có con nhỏ. Tuy nhiên điều này là hoàn toàn bình thường và mọi ông bố bà mẹ cũng nên học cách chấp nhận điều đó. Tè dầm cũng không phải dấu hiệu cho thấy những vấn đề sức khỏe nào đó ở trẻ do đó các bậc cha mẹ cũng không nên quá lo lắng kể cả khi bé vẫn tè dầm mặc dù đã bắt đầu bước vào lớp 1. Có một số phương pháp giúp ngăn ngừa tình trạng tè dầm, tuy nhiên hiệu quả của chúng vẫn cần được kiểm chứng và theo như các chuyên gia chia sẻ, phương pháp hiệu quả nhất là cho trẻ thời gian để hoàn thiện khả năng kiểm soát tiểu tiện của mình.

Tè dầm là hiện tượng phát triển bình thường ở trẻ, cha mẹ không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu bé bị sốt hoặc tiểu buốt thì nên đưa bé đến cơ sở y tế để khám và điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, childrensmd.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

480 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan