Cách chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Bích Nhĩ - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em tuy lành tính nhưng không phải không có biến chứng nguy hiểm. Một số biến chứng có thể gặp của đau mắt đỏ là: Viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu, viêm mủ túi lệ,... Thậm chí, nguy hiểm hơn có thể gây sẹo giác mạc, suy giảm thị lực. Vậy bé đau mắt đỏ chăm sóc như thế nào cho đúng?

1. Cách chăm sóc trẻ khi bị đau mắt đỏ

Trẻ bị đau mắt đỏ thường quấy khóc, vì thế cần có những biện pháp chăm sóc mắt giúp trẻ dễ chịu hơn. Cha mẹ thường bối rối không biết trẻ bị đau mắt đỏ phải làm sao. Dưới đây là những cách giúp mắt bé dễ chịu hơn khi bị đau mắt đỏ.

Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý

Khi trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ có thể nhỏ mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) khoảng 5 - 7 lần một ngày. Ngoài ra khi trẻ bị bệnh, cha mẹ hay người thân trong nhà cũng cần nhỏ mỗi ngày 3 - 5 lần để phòng ngừa đau mắt đỏ lây lan.

Lưu ý: Mỗi thành viên dùng riêng một lọ nước muối sinh lý, không dùng chung kể cả những người không có bệnh.

Tăng cường sức đề kháng cho trẻ

Các loại bệnh do virus gây ra như đau mắt đỏ ở trẻ em, sốt phát ban... đều không có thuốc đặc trị. Tất cả các thuốc điều trị chỉ làm giảm bớt sự khó chịu mà bệnh gây ra. Phương pháp điều trị và phòng bệnh tốt nhất là tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Khi sức đề kháng yếu cơ thể sẽ mệt mỏi, uể oải tạo điều kiện cho virus phát triển mạnh.

  • Các mẹ nên cho bé ăn nhiều rau củ quả để nâng cao sức đề kháng cho bé.
  • Đối với trẻ đang bú mẹ, khi con bị đau mắt đỏ hay các bệnh do virus thì mẹ cần cho con bú càng nhiều càng tốt.
  • Ngoài ra nếu bé đang trong thời gian bú mẹ thì mẹ nên ăn nhiều thực phẩm giúp gia tăng sức đề kháng cho bản thân. Qua đó gián tiếp tăng sức đề kháng cho bé qua sữa mẹ.

Cách vệ sinh mắt cho trẻ hàng ngày

Bước 1: Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi vệ sinh mắt cho trẻ

Bước 2: Chuẩn bị nước muối sinh lý, 2 miếng gạc vô khuẩn sử dụng cho 2 mắt

Bước 3: Dùng nước muối sinh lý thấm ướt gạc vô trùng, lau nhẹ nhàng theo chiều từ đầu đến đuôi mắt.

Mỗi ngày mẹ có thể vệ sinh mắt cho con 3 lần vào thời điểm sáng trưa tối sau khi ngủ dậy. Sau đó, mẹ lau mặt cho bé bằng khăn ấm. Lưu ý, mẹ cần cho bé dùng khăn riêng và khăn sau khi sử dụng cần được giặt sạch và phơi khô.

Rửa tay trước khi ăn, khi sử dụng nhà vệ sinh hoặc tiếp xúc với các vật dụng
Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi vệ sinh mắt cho trẻ

2. Trẻ đau mắt đỏ nên ăn gì và kiêng ăn gì?

2.1 Trẻ đau mắt đỏ nên ăn gì?

Khi trẻ bị đau mắt đỏ, mẹ bổ sung cho bé các loại thực phẩm sau:

Vitamin C

Bổ sung vitamin C cho bé bị đau mắt đỏ. Vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, xoa dịu những cảm giác nóng rát khi bị đau mắt đỏ. Vitamin C có nhiều trong quả cam, dâu tây và hạnh nhân. Tuy nhiên lưu ý chỉ cho bé ăn đủ lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể hàng ngày, không nên quá lạm dụng.

Các thực phẩm bổ sung vitamin A, B12, D

Các thực phẩm bổ sung vitamin A, B12, D cũng rất tốt cho bé bị đau mắt đỏ như rau cải xanh, rau bina,...Ngoài ra những thực phẩm chứa beta-carotene như bí đỏ, đu đủ,...cũng rất tốt cho bé. Bera-carotene sẽ được chuyển hóa thành vitamin A khi đi vào cơ thể trẻ, giúp sáng mắt, tăng cường sức đề kháng ngăn ngừa bệnh phát triển.

Thịt nạc, lòng đỏ trứng gà, gan đều là những chất bổ sung vitamin cho mắt.

Nếu trẻ không bú mẹ, hãy cho trẻ uống nhiều nước, còn trẻ đang bú mẹ thì cho bé bú càng nhiều càng tốt.

Dinh dưỡng là một phần quan trọng trong cơ thể. Bổ sung hợp lý các chất dinh dưỡng không chỉ tốt cho sự phát triển của cơ thể mà còn giúp gia tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật.

2.2 Trẻ đau mắt đỏ kiêng ăn gì?

Khi con bị đau mắt đỏ, hầu hết các bậc phụ huynh đều thắc mắc nên cho trẻ ăn gì để bé mau khỏi. Theo các bác sĩ chuyên khoa, ngoài việc chăm sóc vệ sinh mắt cho bé thì chế độ ăn uống cũng giúp bé mau khỏi bệnh và hạn chế các khó chịu.

Chất cay, nóng

Theo đông y, đau mắt đỏ là do can phong nhiệt, nên cần tránh những đồ cay như ớt, tỏi, hành...Những thực phẩm này sẽ làm mắt nóng hơn, gây khó chịu cho bé.

Chất tanh

Những thực phẩm tanh như tôm cá...sẽ tạo điều kiện cho virut phát triển mạnh hơn, khiến bệnh nặng hơn.

Rau muống

Rau muống là loại rau kiêng kỵ với người đau mắt đỏ. Chất nhựa trong rau muống sẽ khiến bệnh khó chịu hơn

Mỡ động vật

Trong mỡ động vật có rất nhiều chất béo không tốt cho thể trạng của bé khi đang bệnh. Khi trẻ đang bị đau mắt đỏ nên dùng dầu thực vật thay thế.

Món chiên rán
Không nên cho trẻ đau mắt đỏ ăn các đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ

3. Cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ ở trẻ

Bệnh đau mắt đỏ tuy lành tính nhưng sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình học tập và sinh hoạt. Ngoài ra nếu bệnh lâu không khỏi có thể gây biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến thị lực. Vì thế việc phòng ngừa đau mắt đỏ là vô cùng quan trọng.

Người bệnh vẫn hoàn toàn có khả năng lây bệnh trước 2 3 ngày khi phát bệnh và sau khi khỏi bệnh 1 tuần. Cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh.

Khi không có dịch

  • Thường xuyên rửa tay cho bé, đảm bảo vệ sinh cá nhân.
  • Dùng riêng vật dụng cá nhân như khăn mặt, khăn tắm...
  • Giặt sạch khăn bằng xà phòng, phơi khô dưới ánh nắng hàng ngày.
  • Không dùng tay dụi mắt.
  • Vệ sinh sạch sẽ đồ chơi cho bé

Khi đang có dịch đau mắt đỏ

Ngoài việc thực hiện đầy đủ các biện pháp trên, cần làm thêm các việc sau:

  • Rửa tay kỹ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn
  • Dùng nước muối sinh lý rửa mắt ít nhất 1 ngày 3 lần
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân với người đau mắt
  • Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt.
  • Ít đến các nơi đông người như bệnh viện, trung tâm mua sắm
  • Hạn chế đi bơi, không sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
  • Hạn chế cho bé đi ra ngoài, tiếp xúc với ánh mặt trời hoặc không khí ô nhiễm

Đau mắt đỏ nói chung và đau mắt đỏ ở trẻ em nói riêng là căn bệnh dễ lây lan. Khi bị bệnh, tốt nhất cha mẹ ngay lập tức đến các bệnh viện mắt chuyện khoa để khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Hiện nay, Vinmec là một trong số ít các bệnh viện có đầy đủ các chuyên khoa về Nhi, có thể khám đa khoa kết hợp cùng bác sĩ chuyên khoa về dinh dưỡng giúp xây dựng thực đơn riêng cho bé, khám thần kinh, các vấn đề về tinh thần, phản xạ. Đặc biệt, Vinmec có thế mạnh về khám vận động với sự phối hợp của trung tâm điều trị phục hồi cho trẻ tự kỷ - bại não.

Nếu có nhu cầu khám bệnh với các bác sĩ Nhi khoa giàu kinh nghiệm tại Vinmec, Khách hàng vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

266K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan