Cách dạy trẻ mất tập trung giảm chú ý

Tăng động giảm chú ý là một trong các rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em, được biểu hiện bằng những hành vi hiếu động quá mức và trẻ bị mất tập trung. Nếu không được điều trị tốt thì việc trẻ hình thành tính cách, hành vi, tâm lý trong tương lai cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu. Dưới đây là những cách dạy trẻ mất tập trung, giảm chú ý cha mẹ có thể tham khảo.

1. Nhận biết trẻ bị tăng động giảm chú ý

Tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong các rối loạn phát triển được đặc trưng bởi hành vi hiếu động quá mức kèm theo giảm khả năng chú ý, trẻ mất tập trung và dễ bị phân tâm bởi những tác động bên ngoài.

Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường gặp ở trẻ có lứa tuổi từ 3 – 11 tuổi và trong những năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng. Tình trạng này ở trẻ nếu không được điều trị sớm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tính cách, việc học tập, sinh hoạt cũng như khả năng xây dựng mối quan hệ của trẻ với mọi người xung quanh.

Thông thường, triệu chứng tăng động giảm chú ý của trẻ ở các lứa tuổi gần như đều giống nhau. Trước đi nghĩ đến việc cách dạy trẻ mất tập trung giảm chú ý như thế nào, thì cha mẹ cần nắm được một số dấu hiệu điển hình của bệnh để có hướng điều trị bệnh hiệu quả:

Các dấu hiệu trẻ mất tập trung:

  • Bé rất dễ bị phân tâm và không tập trung khi đang chơi hoặc khi ngồi trong lớp học.
  • Trẻ thường không chú ý đến những chi tiết nhỏ, do đó có thể gặp những lỗi do không cẩn thận trong bài vở hay những hoạt động khác.
  • Trẻ không tập trung lắng nghe khi đang nói chuyện với người khác, không nghe và làm theo những gì được cha mẹ hay thầy cô hướng dẫn, khiến kết quả học tập kém.
  • Trẻ không giữ được sự chú ý lâu khi làm một công việc gì đó, đặc biệt trẻ thường không thích làm những việc cần sự tập trung.
  • Trẻ thường hay quên, hoặc hay làm mất đồ dùng sách vở.

Các dấu hiệu bé bị tăng động:

  • Trẻ có những hành động bốc đồng, khó kiềm chế cảm xúc, hay kéo tóc, la hét hoặc cáu giận.
  • Tay chân của trẻ hay ngọ nguậy và ngồi không yên.
  • Trẻ hoạt động không ngừng nghỉ và thường ít ngủ.
  • Trẻ nói quá nhiều, thích quấy rầy trong các trò chơi, cuộc trò chuyện.

Thông thường, những trẻ bị tăng động giảm chú ý đều sẽ có những dấu hiệu được nêu trên. Do đó, cha mẹ cần chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ, nếu thấy trẻ có những dấu hiệu trên, nên cho trẻ đi khám bác sĩ tâm lý để được đánh giá tình trạng bệnh và tư vấn cách chăm sóc trẻ. Khi đó trẻ có thể được làm các trắc nghiệm tâm lý về trí tuệ, cảm xúc, hành vi,... để xác định chính xác về tình trạng bệnh. Từ đó đưa ra được phương pháp điều trị, giáo dục trẻ một cách hiệu quả.

2. Nguyên nhân trẻ bị tăng động giảm chú ý

Trẻ bị tăng động giảm chú ý có thể do di truyền, bệnh lý khi mẹ mang thai, tổn thương não khi sinh hoặc các bệnh lý sau sinh.

Ngoài ra, cũng có thể do môi trường tác động vào như:

  • Môi trường sống của trẻ không ổn định: ôỒn ào, đông đúc, lộn xộn,...
  • Trẻ ham chơi điện tử, nghiện internet hoặc xem tivi quá nhiều.
  • Do một số yếu tố độc hại do ô nhiễm môi trường.

3. Cách dạy trẻ mất tập trung giảm chú ý

  • Xây dựng cho trẻ bảng thời gian biểu khoa học

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tâm lý học gia đình, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ít gặp các vấn đề về hành vi nếu được xây dựng, sắp xếp quỹ thời gian biểu khoa học. Thực tế, khi có một thời gian biểu rõ ràng, trẻ sẽ cảm thấy an toàn không bị gấp gáp trong các việc thường ngày, từ đó khắc phục được tình trạng hỗn loạn, thiếu tổ chức ở trẻ. Khi lập thời gian biểu cho trẻ, cha mẹ cần ghi rõ các mốc thời gian cụ thể cho từng nhiệm vụ như: 6 giờ 30 thức dậy vệ sinh cá nhân, 6 giờ 45 ăn sáng, 7 giờ bắt đầu đi học...

  • Chia nhỏ công việc của trẻ

Do trẻ tăng động giảm chú ý thường hay mất tập trung, rất dễ bị phân tâm bởi những nhân tố tác động từ bên ngoài và thường quên mất bản thân đang làm gì. Vì vậy, cha mẹ cần tạo cho con một không gian yên tĩnh để tập trung học bài, tránh tiếng ồn để hạn chế sự phân tâm ở trẻ.

Trẻ tăng động thường nhanh chán và dễ bỏ cuộc giữa chừng vì khó có thể tập trung trong thời gian dài. Chính vì thế, với một nhiệm vụ lớn, cha mẹ nên chia thành nhiều mục tiêu nhỏ để trẻ dễ dàng hoàn thành và thấy hứng thú hơn với nhiệm vụ tiếp theo.

  • Quy định thời gian cụ thể cho từng nhiệm vụ nhỏ

Trẻ tăng động thường hay trì hoãn và chậm tiến độ trong mọi việc. Do đó, cha mẹ cần thiết lập những mốc thời gian tối ưu cho từng nhiệm vụ của trẻ, ví dụ như cha mẹ có thể đưa ra yêu cầu cụ thể cho trẻ như làm 1 bài toán trong 20 phút hoặc viết đoạn văn trong 30 phút.

Ngoài ra để con tập trung hơn, cha mẹ có thể sử dụng đồng hồ báo thức cài đặt thời gian và quy định trẻ phải hoàn thành công việc khi có chuông báo hết giờ. Đồng thời lên lịch nghỉ ngơi 10 – 15 phút sau khi hoàn thành công việc để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn.

  • Hướng dẫn chứ không làm thay trẻ

Khi cha mẹ muốn yêu cầu trẻ tăng động làm bất cứ việc gì, cần giải thích rõ ràng hoặc đưa ra những hướng dẫn thật cụ thể, dễ hiểu cho trẻ. Chẳng hạn như, thay vì nói: con phải làm hết các bài tập trong tối nay, thì cha mẹ nên nhắc nhở trẻ: “Con cần làm xong 1 bài toán, 2 bài văn trong hôm nay”.

Nếu thấy trẻ gặp khó khăn khi bắt đầu làm việc, phụ huynh nên giúp trẻ tìm ra hướng đi, thậm chí có thể viết ra các bước để con tự mình áp dụng, nhưng tuyệt đối không được làm thay trẻ.

  • Thường xuyên khen ngợi, khích lệ trẻ

Cha mẹ hãy khen ngợi vì sự nỗ lực của trẻ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nào đó như học tập, hoàn thiện bản thân. Ngay cả khi trẻ đạt được kết quả chưa tốt nhưng nếu thấy con đã cố gắng hết sức thì cha mẹ vẫn nên động viên, khích lệ tinh thần của con trẻ.

Tuy nhiên, lời khen cũng cần được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, cha mẹ cũng nên cân nhắc khi nói những lời khen. Thay vì cứ ca tụng, tán dương sẽ khiến trẻ bị ảo tưởng về khả năng của chính mình, cha mẹ có thể động viên con đã làm đúng, làm tốt.

  • Giải thích cho trẻ hiểu về những hành vi tiêu cực của mình

Đánh mắng hay dùng đòn roi không phải là cách để dạy trẻ tăng động giảm chú ý, thậm chí còn có thể làm phản tác dụng khiến trẻ nảy sinh những hành vi chống đối. Do đó, cha mẹ nên nhẹ nhàng giải thích nói chuyện với con, để trẻ hiểu về những lỗi sai của mình, từ đó tự sửa chữa và lần sau không tái phạm nữa.

Đồng thời, cha mẹ nên đưa ra những hình phạt thích đáng và áp dụng ngay khi trẻ mắc lỗi. Ví dụ như khi con nghịch ngợm, phá phách hay không chịu nghe lời, có thể phạt bằng cách không cho con xem chương trình tivi yêu thích.

  • Cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể dục, thể thao

Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các môn thể thao như đá bóng, đá cầu, nhảy dây, cầu lồng, tập bơi,... Vì chúng không chỉ giúp trẻ tăng cường sức khỏe, mà qua quá trình vận động còn góp phần giải phóng bớt năng lượng dư thừa, giảm bớt những biểu hiện hiếu động, nghịch ngợm.

  • Dạy trẻ bằng cách trò chuyện và chơi cùng bé

Dạy trẻ qua những trò chơi hoặc tình huống thực tế là cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý được nhiều chuyên gia tín nhiệm và khuyên nên áp dụng thường xuyên. Bởi qua những câu chuyện thực tế, hay các trò chơi thú vị, sẽ giúp trẻ rèn luyện kĩ năng xử lý tình huống, sự kiên nhẫn và khả năng tư duy logic.

Do đó, cha mẹ hãy dành khoảng 30 phút mỗi ngày để đọc sách, kể chuyện hoặc chơi cùng con các trò chơi, ví dụ như lego, giải câu đố, cờ vua, ...

  • Chỉ nên cho trẻ tập trung làm một việc

Không ai có thể làm tốt nhiều việc cùng một lúc kể cả người lớn, bởi vậy đối với những trẻ bị tăng động giảm chú ý cha mẹ chỉ nên yêu cầu trẻ làm một việc tại một thời điểm nhất định. Chẳng hạn nếu muốn con dọn dẹp phòng ngủ, hãy đưa ra cho trẻ yêu cầu làm từng nhiệm vụ nhỏ như gấp chăn, sắp xếp sách vở, cất đồ chơi,... Cha mẹ cũng cần giám sát để nhắc nhở trẻ sau khi hoàn thành một nhiệm vụ mới được chuyển sang nhiệm vụ tiếp theo.

  • Phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong cách dạy trẻ

Trong quá trình nuôi dạy trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý, việc phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường là điều rất quan trọng. Cha mẹ cần chia sẻ với giáo viên, ban giám hiệu nhà trường về tình trạng của trẻ để đưa ra phương pháp hỗ trợ, giúp trẻ học tập tốt nhất.

Cha mẹ có thể nhờ thầy cô sắp xếp trẻ ngồi ở khu vực yên tĩnh, tránh xa cửa sổ, cửa ra vào để trẻ không bị phân tâm trong giờ học. Thầy cô cũng có thể tạo điều kiện cho trẻ di chuyển trong lớp làm một số công việc như thu bài vở của các bạn, lau bảng,... để giảm bớt năng lượng dư thừa của trẻ.

4. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tăng động giảm chú ý

Theo khuyến cáo bởi các chuyên gia y tế, bất cứ món gì tốt cho não bộ của trẻ đều tốt cho bệnh nhân ADHD. Cha mẹ có thể tham khảo chế độ dinh dưỡng như sau để bổ sung cho trẻ khi mắc chứng tăng động giảm chú ý:

  • Chế độ ăn giàu protein: Bổ sung đậu, phô mai, trứng, thịt, và các loại hạt chứa nhiều protein trong khẩu phần ăn của trẻ. Các loại thực phẩm này nên cho trẻ ăn vào buổi sáng hoặc bữa ăn nhẹ sau giờ học có thể giúp cải thiện sự tập trung ở trẻ và có thể làm cho thuốc đạt hiệu quả cao hơn.
  • Cắt giảm carbohydrate đơn: Cha mẹ nên cắt giảm bánh kẹo, siro, mật ong, đường và các sản phẩm được làm từ bột mì trắng, gạo trắng, hoặc khoai tây không vỏ.
  • Tăng cường carbohydrate phức hợp: Trẻ nên được bổ sung nhiều rau và trái cây như cam, quýt, lê, bưởi, táo và kiwi. Khi ăn những loại thực phẩm này vào buổi tối có thể giúp trẻ dễ ngủ hơn.
  • Bổ sung axit béo omega-3: Các mẹ có thể bổ sung các thực phẩm giàu omega-3 như cá ngừ, cá hồi hoặc một số cá thịt trắng khác. Hoặc sử dụng các loại hạt như hạt óc chó, hạt dẻ Brazil, dầu ô liu, dầu hạt cải cũng chứa omega-3. Trong trường hợp trẻ biếng ăn, cha mẹ có thể bổ sung omega-3 cho trẻ bằng các loại thuốc, thực phẩm chức năng.

Một số chuyên gia đã khuyên rằng trẻ bị tăng động giảm chú ý nên tránh sử dụng các chất:

  • Đường

Một số trẻ thường trở nên hiếu động hơn sau khi ăn kẹo hoặc các loại thức ăn có đường khác. Tuy không có bằng chứng xác thực nào cho thấy đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ bị ADHD, nhưng để có một chế độ dinh dưỡng chung tốt nhất cho trẻ, cha mẹ nên hạn chế thực phẩm có đường trong khẩu phần ăn của trẻ.

  • Caffeine

Một số triệu chứng ADHD ở trẻ có thể được cải thiện bởi một lượng nhỏ caffeine. Nhưng nhìn chung, các tác dụng phụ của caffeine lớn hơn lợi ích mà nó đem lại. Do đó, hầu hết bác sĩ khuyên cha mẹ nên hạn chế để trẻ ăn hoặc uống caffeine, tốt hơn hết là nên kiêng hoàn toàn.

Trên đây là những lưu ý cơ bản nhất cho những cha mẹ nào có con mắc chứng tăng động giảm chú ý. Hi vọng qua bài viết này, các bậc phụ huynh sẽ biết được những cách chăm sóc trẻ khi bị bệnh và có chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho bé nhanh khỏi bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

42.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan