Cách phòng ngừa tiêu chảy cấp ở trẻ

Tiêu chảy cấp là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng lại là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em sau nhiễm trùng đường hô hấp. Tuy nhiên, mẹ hoàn toàn có thể phòng bệnh với những cách đơn giản.

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho, Bác sĩ Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Phú Quốc

1. Tiêu chảy cấp và những điều cha mẹ cần biết

Trẻ bị tiêu chảy cấp là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng hoặc toé nước ít nhất 3 lần/ 24 giờ. Nguyên nhân phổ biến nhất của tiêu chảy cấp là nhiễm virus; và các nguyên nhân khác bao gồm nhiễm trùng vi khuẩn, kí sinh trùng, tác dụng phụ của thuốc kháng sinh và nhiễm trùng ngoài hệ tiêu hóa.

Và như vậy, mẹ cũng cần phân biệt thế nào là trẻ đi phân bình thường? Khối lượng, tần suất và độ đặc bình thường của phân thay đổi tùy theo độ tuổi, cân nặng và chế độ ăn của trẻ.

Về tần suất, trẻ sơ sinh ‘đi ngoài’ từ 3 đến 10 lần mỗi ngày là bình thường, thay đổi tùy thuộc vào chế độ ăn của trẻ (nếu trẻ bú mẹ thường đi phân nhiều lần hơn so với trẻ bú sữa công thức). Trẻ nhũ nhi, trẻ mới biết đi và trẻ em thường đi tiêu một đến hai lần mỗi ngày.

Về độ đặc và màu sắc, trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ đang bú mẹ, thường đi ngoài ra phân mềm, có thể có màu vàng, xanh lá cây hoặc nâu hoặc có vẻ như chứa hạt hoặc những cục sữa đông nhỏ.

Mặc dù tiêu chảy cấp hiếm khi nghiêm trọng và chỉ cần chăm sóc cho bé tại nhà. Tuy nhiên nếu không điều trị đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến tình trạng mất nước, mất cân bằng các chất điện giải như natri, kali, clorua) nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của trẻ. Do đó, mẹ cần hết sức lưu ý việc chăm sóc đúng cách và phòng ngừa cho trẻ bị tiêu chảy.

Tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ và những điều cha mẹ cần chú ý
Tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ và những điều cha mẹ cần chú ý

2. Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị tiêu chảy cấp

Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, bố mẹ cần thận trọng để tránh lây nhiễm cho bản thân, gia đình và bạn bè và thực hiện một số biện pháp sau:

  • Rửa tay với nước và xà phòng trong vòng 15 đến 30 giây hoặc nước rửa tay chứa cồn là một cách cần thiết và rất hiệu quả để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng. Cần đặc biệt chú ý đến móng tay, kẽ ngón tay và cổ tay. Nên rửa tay thật sạch và lau khô bằng khăn dùng một lần.
  • Cần rửa tay sạch sẽ sau khi thay tã hoặc chạm vào bất kỳ vật dụng nào dính bẩn, trước và sau khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, sau khi đi vệ sinh, sau khi xử lý rác hoặc quần áo bẩn, sau khi chạm vào động vật hoặc vật nuôi, và sau khi xì mũi hoặc hắt hơi.
  • Không nên đi bơi ở bể bơi.
  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi và tiếp tục cho trẻ bú mẹ cho đến khi trẻ được hai tuổi.
  • Lưu ý cho trẻ ăn và uống thực phẩm và nước an toàn, nước nên được đun sôi lăn tăn trong ít nhất 5 phút là tối ưu để chuẩn bị thức ăn và đồ uống cho trẻ nhỏ.
  • Phân được xử lý an toàn.
  • Tiêm chủng phòng sởi, vắc xin phòng tiêu chảy do Rotavirus

Ngoài ra, khi trẻ bị tiêu chảy cấp, bố mẹ chăm sóc cho bé tại nhà cần lưu ý:

  • Bù nước cho trẻ bằng dung dịch Oresol
  • Trẻ không bị mất nước nên tiếp tục ăn chế độ ăn bình thường.
  • Trẻ đang bú mẹ nên tiếp tục bú mẹ trừ khi được bác sĩ hướng dẫn khác.

Sau khi được bù nước, ngay cả những trẻ bị nặng vẫn có thể tiếp tục chế độ ăn bình thường. Hầu hết trẻ em bị tiêu chảy đều dung nạp được các sản phẩm sữa bò nguyên chất, không cần thiết phải pha loãng hoặc ngừng sữa, trừ trường hợp trẻ bị dị ứng với sữa bò.

Thực phẩm được khuyến nghị bao gồm các loại tinh bột (như gạo, lúa mì, khoai tây, bánh mì,...), thịt nạc, sữa chua, trái cây, rau và vẫn cần thêm chút dầu, mỡ vào bữa ăn để hấp thu các vitamin tan trong dầu. Bố mẹ nên tránh thực phẩm chiên rán, chế biến sẵn sẽ gây khó hấp thụ hơn, tránh đồ uống thể thao vì chúng có quá nhiều đường và có nồng độ chất điện giải không phù hợp cho trẻ bị tiêu chảy. Nên cung cấp thức ăn với khối lượng nhỏ hơn, thường xuyên hơn để giảm nguy cơ nôn mửa.

Ngoài ra, bố mẹ cần đưa trẻ đến khám ngay khi có các dấu hiệu sau:

  • Tiêu chảy có máu
  • Từ chối ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong hơn vài giờ ở trẻ sơ sinh và hơn tám giờ ở trẻ nhỏ.
  • Mất nước từ trung bình đến nặng
  • Đau bụng từng cơn hoặc dữ dội
  • Thay đổi hành vi, thờ ơ hoặc giảm phản ứng
  • Nôn dữ dội, lặp đi lặp lại

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

456 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan