Dấu hiệu trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú, Bác sĩ Nguyễn Hùng Tiến - Bác sĩ Nội trú Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Trật khớp háng bẩm sinh là căn bệnh có tỷ lệ hiếm gặp (1/800-1000 trẻ), nhưng nếu không được bố mẹ phát hiện sớm sẽ dẫn tới hậu quả lâu dài cho bé như: dáng đi bất thường, vẹo cột sống, biến dạng khung xương chậu ảnh hưởng tới sinh sản sau này đối với bé gái.

1. Nguyên nhân trật khớp háng bẩm sinh

Trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ là hiện tượng chỏm xương đùi của một hoặc hai bên khớp háng bị trật ra khỏi vị trí ban đầu của khớp háng.

Nguyên nhân gây trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ đến nay vẫn chưa được làm rõ, thường xảy ra ở trẻ sinh non, sinh ngược và sinh con so.

Ngoài ra, nguy cơ trật khớp háng bẩm sinh có thể do:

  • Chấn thương trong khi sinh;
  • Vị trí bất thường của thai trong tử cung;
  • Nhiễm trùng của mẹ khi mang thai;
  • Lỏng lẻo khớp do giảm nội tiết tố của mẹ khi đang mang thai;
  • Loạn sản nguyên phát của ổ cối;
  • Đột biến nhiễm sắc thể: trẻ bị cứng đa khớp bẩm sinh (bàn chân khoèo, cứng khớp gối, cứng khớp khuỷu, cứng khớp vai, trật khớp háng... );
  • Yếu tố di truyền, đối với các gia đình có người đã mắc tật này, nguy cơ trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh thường cao hơn.
phân trẻ sơ sinh có mùi chua
Trật khớp háng bẩm sinh thường xảy ra ở trẻ sinh non

2. Dấu hiệu trật khớp háng bẩm sinh

Dấu hiệu trật khớp háng bẩm sinh có thể phát hiện ngay sau sinh hoặc một vài tuần đầu sau sinh.

Có 8 dấu hiệu giúp phát hiện sớm ngay sau sinh là:

  • Chênh lệch chiều dài giữa hai chân: Chân bên bị trật khớp háng ngắn hơn so với bên đối diện. Nhưng nếu trật khớp háng cả hai bên sẽ khó phát hiện;
  • Nếp lằn ở mông, đùi của chân bị trật ít hơn và cao hơn so với bên lành;
  • Bàn chân đổ ngoài khi trẻ nằm duỗi chân;
  • Ở tư thế gấp gối, khớp gối bên trật thấp hơn bên bình thường;
  • Bị hạn chế gấp và dạng khớp háng ở bên trật;
  • Dáng đi khập khiễng nếu trật khớp háng hai bên;
  • Khi gấp và khép háng, chỏm xương đùi trượt ra ngoài ổ khớp tạo nên tiếng kêu “lục cục” (ở trẻ dưới 6 tháng tuổi);
  • Khi dạng và duỗi khớp háng, chỏm xương đùi bị trượt ra khỏi ổ khớp gây nên tiếng kêu “lục cục” (ở trẻ dưới 6 tháng tuổi).

Ngoài ra khi chụp khớp háng hoặc siêu âm có thể thấy rõ sự trật khớp ở trẻ sơ sinh hay trẻ lớn.

Siêu âm đường mật
Siêu âm và chẩn đoán hình ảnh giúp thấy rõ tình trạng trật khớp ở trẻ

3. Điều trị trật khớp háng bẩm sinh

Điều trị trật khớp háng bẩm sinh tốt nhất là can thiệp sớm ngay sau khi sinh. Nếu dị tật này được phát hiện ngay sau khi sinh, việc điều trị chỉ đơn giản là duy trì tư thế khớp háng dạng và đầu gối gấp, trong khoảng 2 tháng. Có thể duy trì tư thế này bằng các phương pháp như:

  • Thực hiện đóng bỉm vệ sinh, dùng tã gấp dày để giữ cho khớp háng luôn dạng ra.
  • Cõng hoặc địu trẻ.
  • Đặt trẻ nằm sấp khi ngủ.

Đối với trẻ bị tật này từ 1 đến 6 tháng tuổi, việc điều trị cũng được thực hiện theo cách trên và thông thường sau từ 3 đến 4 tuần, khớp háng sẽ trở lại vị trí bình thường. Kỹ thuật này cho phép thành công từ 90 - 95% trường hợp.

Trong trường hợp cần có can thiệp toàn diện, có thể bó bột, thực hiện các bài tập vận động, sử dụng nẹp chỉnh hình. Khi điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả cần phẫu thuật chỉnh hình sớm.

  • Nẹp chỉnh hình: Nẹp khớp háng làm bằng xốp mềm điều trị trật khớp háng một hoặc hai bên. Thời gian đeo nẹp: Ngay sau sinh đến khi trẻ 12 tháng tuổi. Liên tục đeo cả ngày và đêm trong 6 tháng đầu. Đeo nẹp vào đêm trong 6 tháng tiếp theo.
  • Bó bột chỉnh hình: Bó bột chỉnh hình được chỉ định cho trẻ trật khớp háng bẩm sinh dưới 6 tháng tuổi. Thời gian bó bột khoảng 2 tuần/đợt, thực hiện khoảng 10 - 15 đợt.
  • Phẫu thuật chỉnh hình: Nếu từ khi sinh đến 18 tháng, trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh không được can thiệp gì, chỉ định điều trị là phẫu thuật chỉnh hình. Phẫu thuật chỉnh hình sớm nếu điều trị bảo tồn không có kết quả, giúp trẻ cải thiện dáng đi sau này.
Phẫu thuật điều trị u xơ tuyến vú
Phẫu thuật chỉnh hình được chỉ định khi điều trị bảo tồn không có hiệu quả

Trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ lớn, điều trị phẫu thuật rất nhiều khó khăn với nhiều kỹ thuật khác nhau: tạo hình ổ cối, sửa trục cổ - chỏm xương đùi... Tuy nhiên, kết quả còn rất hạn chế. Vì vậy, đối với dị tật trật khớp háng bẩm sinh phát hiện sớm rất cần thiết, giúp cho việc điều trị dễ dàng đạt kết quả tốt. Bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện uy tín, có đội ngũ y bác sĩ trình độ tốt, trang thiết bị hiện đại để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan