Giúp con hết nói lắp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Nói lắp ảnh hưởng tới giao tiếp, việc học tập của trẻ, nếu không kịp thời điều chỉnh hay điều chỉnh sai cách có thể làm cho tình trạng này của trẻ nặng thêm. Tật nói lắp ở trẻ hoàn toàn có thể được khắc phục nếu như bố, mẹ biết cách và kiên trì hướng dẫn trẻ tập luyện.

1. Nói lắp là gì?

Nói lắp là một loại tật do rối loạn ngôn ngữ gây ra, biểu hiện bằng việc trẻ bị gián đoạn khi phát âm do các từ bị kéo dài hoặc được lặp đi lặp lại, đôi khi là mất từ trong câu làm câu nói của trẻ trở nên khó hiểu.

Nói lắp có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng khá phổ biến ở trẻ trong độ tuổi tập nói khoảng từ 2-5 tuổi, nếu trẻ nói lắp không được trị liệu thì khi lớn vẫn mắc tật nói lắp và ảnh hưởng nhiều đến học tập, nói lắp nên điều trị càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước tuổi thiếu niên.

Theo nghiên cứu, khoảng 80% trẻ nói lắp tự khỏi trong 2 năm, 20% còn lại sẽ khỏi khi đi học và khoảng 5% trẻ tiếp tục nói lắp đến khi thành người lớn.

Trẻ
Nói lắp có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng khá phổ biến ở trẻ trong độ tuổi tập nói khoảng từ 2-5 tuổi

2. Cách chữa nói lắp cho trẻ

2.1 Cách chữa nói lắp cho trẻ tại nhà

Để chữa cho trẻ sớm áp dụng cách không nắn chỉnh khi trẻ nói không trôi chảy. Cụ thể là:

Cho trẻ xem tranh có các hình ảnh hoạt động, con vật, đồ chơi, bảo trẻ nói ngay, không cần nghĩ, không đi sâu vào vòng xoáy bị lắp. Những chỗ trẻ không nói lắp, khuyến khích, khen ngợi để bé tự tin hơn, nói đúng dần. Bố mẹ không được bình luận, chê bai con, không bao giờ tạo áp lực cho con.

Cho trẻ tham gia các hoạt động về lời nói trong chương trình giao tiếp với nhóm như:

  • Trò chuyện cùng anh chị, bố mẹ: Nên nói chuyện trong điều kiện không khí thoải mái, bình tĩnh và nói chậm, từ tốn sẽ giúp bé dễ bắt kịp và hiểu những gì bạn nói. Khi trẻ nói người lớn cần kiên nhẫn nghe trẻ, cố gắng hiểu trẻ muốn nói gì, Để cho con hoàn thành câu nói của nó, không làm con bị gián đoạn, không trả lời trước khi con nói xong.
  • Cho bé hát những bài hát con thích, sau đó đọc lời bài hát...
  • Khuyến khích trẻ nói từ đơn giản, không đòi hỏi tư duy ngôn ngữ. Không nên bắt trẻ nói nhiều tình huống phức tạp, không coi việc giao tiếp của trẻ căng thẳng quá. Hình thành phản xạ nói không bị lặp từ câu đơn giản, dần dần, từ từ kéo sang những từ khác.

Quá trình này cần bố mẹ thật kiên nhẫn, kiên trì.

2.2 Điều trị nói lắp bằng ngôn ngữ trị liệu

Khi nào cần ngôn ngữ trị liệu?

  • Tình trạng nói lắp kéo dài quá 6 tháng.
  • Trở nên thường xuyên hơn.
  • Ảnh hưởng đến học tập hay các tương tác xã hội.
  • Tiếp tục nói lắp vượt quá 5 tuổi hoặc lần đầu tiên trở nên đáng chú ý trong độ tuổi đi học, khi bắt đầu đọc.
  • Có tiền sử gia đình nói lắp.
  • Nói lắp kèm theo sự lo lắng, trầm cảm.
  • Trẻ sợ hãi hay né tránh các tình huống nói chuyện.

Khi trẻ rơi vào các tình huống trên khi bố mẹ đã áp dụng các biện pháp chữa nói lắp tại nhà, thì nên đưa trẻ đi khám và được tập nói với một chuyên gia ngôn ngữ. Các chuyên gia ngôn ngữ sẽ giúp trẻ:

  • Đánh giá tình trạng và mức độ nói lắp của trẻ
  • Giúp trẻ tham gia các buổi tập để có thể tác động, làm giảm tối đa sự ảnh hưởng của nói lắp trong giao tiếp, sau đó hướng dẫn người bệnh tự luyện tập trong các tình huống đời thường.
  • Giúp những người xung quanh hiểu thực sự về bệnh, giúp người nói lắp hiểu được sự giúp đỡ và thông hiểu của những người xung quanh.

3. Những lưu ý khi chữa nói lắp cho trẻ

Mắng con
Cha mẹ cần phải kiên nhẫn và bình tĩnh khi chữa nói lắp cho trẻ
  • Nên đưa trẻ đi khám để xác định tình trạng và mức độ nói lắp của con, để được hướng dẫn cụ thể phương pháp.
  • Không nên bình luận, chê trách, quát mắng, chỉnh sửa cho trẻ không phù hợp. Nếu cộng thêm những bình luận không tốt, thái độ chỉ trích, trẻ càng căng thẳng, tự ti và mức độ nói lắp sẽ nặng thêm. Vì vậy nên tạo môi trường thoải mái, không tạo áp lực cho trẻ, luôn lắng nghe trẻ nói.
  • Tâm lý không phải nguyên nhân gây bệnh, nhưng có thể làm bệnh nặng thêm. Nắn chỉnh ngôn ngữ ở trẻ rất dễ thất bại nên với trẻ, việc việc chỉnh sửa chủ yếu phải theo cách chơi, chứ không phải cứng nhắc uốn nắn.
  • Khi nói chuyện với trẻ không giành nói trước câu nói hay suy nghĩ của con, hãy để cho chính trẻ tự nói lên suy nghĩ của mình, chờ đợi con nói xong khi đó mới trả lời, điều này giúp cho con bạn bình tĩnh, chậm rãi khi phát biểu.
  • Đừng quá quan trọng việc câu nói của trẻ đúng hay sai hoặc sửa lỗi mỗi khi con nói không đúng, cố gắng nghe hiểu điều con muốn nói làm cho con hiểu rằng con có thể giao tiếp một cách hiệu quả ngay cả khi chúng nói lắp.

Trẻ nói lắp hoàn toàn có thể khắc phục được nếu như bố mẹ và người thân thật sự kiên trì giúp trẻ, việc điều trị nói lắp cho trẻ nên thực hiện càng sớm càng tốt, nếu không điều trị có thể tình trạng nói lắp sẽ kéo dài tới khi trẻ lớn, ảnh hưởng tới quá trình học tập làm trẻ tự ti, ảnh hưởng lớn tới tâm lý của trẻ.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

77.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan