Khi nào nên bắt đầu hướng dẫn trẻ làm việc nhà?

Hướng dẫn trẻ làm việc nhà là cách dạy con về trách nhiệm đóng góp cho gia đình và xã hội, mang lại cảm giác hoàn thành và tự hào, đồng thời học các kỹ năng thực tế. Cho trẻ tự làm việc nhà cũng khiến con cảm thấy mình quan trọng, nhưng ngầm khẳng định rằng con không phải là “trung tâm của vũ trụ”.

1. Cho trẻ tự làm việc nhà phù hợp với lứa tuổi

Trong những năm đầu học mẫu giáo, giá trị của việc dạy trẻ làm việc nhà không phải là giúp bạn hoàn thành bao nhiêu công việc, mà chính là tạo thói quen giúp đỡ. Trẻ em 2 - 4 tuổi rất thích được nhờ giúp đỡ, vì vậy bố mẹ nên khai thác đặc tính tự nhiên này bằng cách dạy trẻ làm việc nhà đơn giản, dễ dàng. Khi con lớn lên, bé có thể thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn và bắt đầu làm một số công việc độc lập.

Trẻ 2 tuổi có thể:

  • Đặt quần áo bẩn vào giỏ riêng
  • Bỏ tã bẩn vào thùng
  • Thu dọn đồ chơi sau khi chơi
  • Bày khăn giấy trên bàn ăn
  • Phân loại quần áo sáng và tối màu để cho vào máy giặt.

Trẻ 3 tuổi có thể:

  • Phân loại tất / vớ sau khi giặt theo màu sắc hoặc thành từng cặp
  • Tưới cây
  • Cho thú cưng ăn
  • Dọn dẹp bãi nôn hay các vết dơ do chính con gây ra
  • Chuẩn bị đồ ăn nhẹ đơn giản của riêng con
  • Dọn dẹp bát đũa của con sau khi ăn xong
  • Phụ giúp bố mẹ rửa xe.
Trẻ làm việc nhà
Trẻ ở mỗi độ tuổi có thể làm được những công việc phù hợp

Trẻ 4 tuổi có thể:

  • Bày bát đũa và khăn giấy lên bàn ăn
  • Lấy quần áo ra khỏi máy giặt
  • Gấp khăn
  • Lau bụi bặm
  • Giúp mẹ dọn giường của con (gấp chăn gọn gàng, vuốt drap cho thẳng)
  • Thay thảm nhà tắm bị ướt
  • Rót sữa vào ly
  • Giúp mẹ chuẩn bị thức ăn
  • Quét nhà bằng chổi cỡ nhỏ.

Nếu để trẻ làm việc nhà quá khó, con bạn sẽ nản lòng và không muốn làm theo. Bố mẹ cũng không được giao những công việc nguy hiểm như rửa dao sắc, sắp xếp đồ dễ vỡ.

2. Những lưu ý khi dạy trẻ làm việc nhà

  • Đừng đánh giá thấp con bạn

Cha mẹ thường nghĩ rằng con còn nhỏ và không thể làm nhiều việc. Khi đứa trẻ này lớn hơn, phụ huynh có quan niệm như vậy vẫn mặc nhiên làm giúp những việc mà trẻ hoàn toàn có khả năng tự xoay sở, như làm bánh sandwich ăn sáng hay dọn dẹp phòng.

  • Bắt đầu với những trách nhiệm cá nhân cơ bản

Đánh răng, ngồi bô, rửa tay và tự mặc quần áo là những "công việc" đầu tiên mà hầu hết các bé đều có thể làm. Tuy nhiên hầu hết các bậc cha mẹ không nghĩ sẽ giao những nhiệm vụ cá nhân này cho bé đầu tiên.

  • Không đặt kỳ vọng quá nhiều

Cho trẻ tự làm việc nhà có thể khiến nhiệm vụ nội trợ của bạn mất nhiều thời gian hơn. Hãy nhớ rằng bạn chỉ đang đặt nền móng dạy trẻ làm việc nhà, chứ chưa thực sự được con giúp đỡ. Tất cả các công việc nhà đều cần được luyện tập đến khi thành thạo, trong khi trẻ mẫu giáo chỉ có thể tập trung chú ý trong một thời gian ngắn. Đừng mong đợi con bạn chủ động làm việc mỗi ngày mà không cần nhắc nhở, hoặc thực hiện tốt ngay từ đầu.

  • Trung lập về giới tính

Bạn nên thoải mái giao cho bé trai một số công việc nhà bếp, bé gái một số công việc ngoài trời.

  • Hãy thật cụ thể

Yêu cầu dọn dẹp phòng là quá rộng và quá sức đối với trẻ mẫu giáo. Hãy cho con biết chính xác cần phải làm những gì, ví dụ như bỏ quần áo bẩn vào giỏ. Chỉ cách cho bé làm trong vài lần đầu tiên.

  • Không giao quá nhiều việc

Thông báo 3 - 4 công việc phải làm cùng một lúc có thể khiến con bạn bối rối. Bé có thể quên toàn bộ danh sách hoặc lẫn lộn mọi nhiệm vụ. Hãy làm từng việc một.

Trẻ làm việc nhà
Luôn tạo được không khí vui vẻ khi cho trẻ làm việc nhà

  • Giữ không khí vui vẻ

Vấn đề đối với công việc nhà là có xu hướng lặp đi lặp lại. Một khi tính mới mẻ mất đi, sự mệt nhọc sẽ bắt đầu. Bạn có thể biến việc nhà trở nên thú vị đối với trẻ mẫu giáo bằng cách thỉnh thoảng đổi vai trò.

Mặc dù con chưa biết đọc, nhưng bạn cũng có thể lập một biểu đồ những công việc cần phải làm với các hình ảnh minh họa. Những bài hát thiếu nhi như bài Bé Quét Nhà (một sợi rơm vàng), rất có sức mạnh đối với trẻ mẫu giáo. Hoặc hai mẹ con cũng có thể tự tạo ra những giai điệu ngớ ngẩn khi cất đồ chơi vào hộp hoặc khi giặt giũ.

  • Đừng sửa lại thành quả của con

Nếu trẻ xếp khăn không ngay ngắn hoặc trải drap giường không hoàn toàn thẳng, hãy cố gắng bỏ qua. Hướng dẫn cho trẻ cách làm một việc và sau đó để trẻ tự làm. Chỉnh sửa lại nhiệm vụ trẻ vừa hoàn thành sẽ làm giảm bớt niềm tự hào của con và khiến con ít muốn giúp đỡ lần nữa, thậm chí có ý nghĩ: Tại sao mẹ lại nhờ con trong khi mẹ có thể làm tốt hơn?

  • Khen ngợi sau khi con đã hoàn thành tốt công việc

Trẻ mẫu giáo sẽ phát triển mạnh nếu được ủng hộ tích cực. Hãy khuyến khích và không chỉ trích khi bé làm việc. Sau đó, hãy cho con biết rằng những nỗ lực của con là rất quan trọng và bạn đánh giá cao điều đó. Nói với con cụ thể rằng: Khi con phụ mẹ dọn bàn, mẹ sẽ nấu ăn và cả nhà có thể ăn sớm hơn.

  • Đừng trả tiền cho những việc vặt

Hầu hết trẻ mẫu giáo còn quá nhỏ để hiểu được giá trị của đồng tiền. Tiền bạc để đổi lấy công việc không có nhiều ý nghĩa đối với bọn trẻ. Nhiều chuyên gia tài chính vẫn băn khoăn về việc trả tiền cho trẻ tự làm việc nhà. Thỉnh thoảng bạn vẫn có thể cho con tiền để dạy trẻ cách tiết kiệm và đưa ra các quyết định chi tiêu hợp lý. Tuy nhiên giá trị của việc dạy trẻ làm việc nhà là phát triển lòng tự hào khi hoàn thành tốt một công việc và cảm nhận được sự đóng góp, vai trò của mình trong gia đình.

Trẻ làm việc nhà
Ba mẹ nên tạo thói quen làm việc nhà cho trẻ

Trẻ nhỏ rất giàu trí tưởng tượng, rất thích được người khác quan tâm và nhờ vả. Vì thế, dựa vào độ tuổi và sự nhận thức của con, mẹ có thể dạy trẻ làm các công việc nhà phù hợp, thúc đẩy sự phát triển tư duy, nhận thức cũng như hình thành tính cách siêng năng ở trẻ.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan