Mẹo giúp loãng đờm cho trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sức đề kháng yếu cùng thay đổi thời tiết dễ làm trẻ mắc các bệnh cảm cúm gây ho đờm kéo dài ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập. Bên cạnh tuân thủ điều trị của bác sĩ, phụ huynh nên sử dụng các thực phẩm có tác dụng long đờm nhằm giúp trẻ hồi phục sức khỏe nhanh hơn.

1. Ho ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như thế nào?

Khi những tác nhân gây bệnh xâm nhập vào đường thở, chúng gây kích hoạt phản ứng viêm. Giai đoạn đầu, tình trạng viêm diễn ra ở mức độ nhẹ và gần như không có triệu chứng cho đến khi quá trình xơ hóa, tái cấu trúc tại đường thở diễn ra. Lúc này, niêm mạc đường thở bị tăng sinh, phì đại và xơ hóa, phá hủy cấu trúc mềm mỏng ban đầu làm mất đi sự đàn hồi và suy giảm chức năng hô hấp.

Viêm tiến triển hơn sẽ biểu hiện rõ ra ngoài qua các cơn ho. Trong cơn ho có thể kèm thêm đờm, tức ngực, khó thở, sốt cao. Lúc này, niêm mạc đường thở trở nên nhạy cảm hơn, bất kỳ tác nhân nào cũng có thể gây kích thích sản sinh đờm và dịch nhầy làm cơn ho diễn ra thường xuyên và trầm trọng hơn.

Cơn ho kéo dài gây ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động sinh hoạt và khả năng học tập của trẻ. Vì vậy, phụ huynh nên theo dõi và đưa trẻ đi khám, điều trị dứt điểm bệnh tránh tái phát gây ra các biến chứng về sau. Trẻ cần được sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và bổ sung dinh dưỡng hợp lý để hồi phục sức khỏe nhanh hơn.

2. Các phương pháp giúp loãng đờm, giảm ho cho trẻ

Đờm được làm loãng sẽ giúp việc ho khạc đờm hiệu quả hơn. Ngoài sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, các bậc phụ huynh cần bổ sung các thực phẩm sau nhằm giúp lưu thông đường thở cho trẻ:

2.1 Các loại nước pha loãng

  • Nước muối

Nước muối giúp long đờm hiệu quả, làm dịu cảm giác khô và ngứa rát cổ họng, có thể tiêu diệt các vi khuẩn, chữa nhiễm trùng, tránh sinh thêm đờm. Long đờm với nước muối bằng cách hòa muối vào cốc nước ấm. Súc miệng với nước muối trước khi đi ngủ, sáng sớm ngủ dậy, sau mỗi bữa ăn hoặc lúc đờm nhiều.

  • Chanh

Chanh là loại quả có công dụng tiêu đờm và các dịch nhày. Vitamin C có trong quả chanh giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh. Long đờm với những quả chanh bằng cách pha nước chanh với chút mật ong trong một cốc nước ấm rồi khuấy đều, chia làm nhiều lần uống trong ngày. Một cách khác là trộn muối, hạt tiêu với chanh thái lát mỏng và ngậm những miếng chanh này 2-3 lần mỗi ngày sẽ giúp giảm đờm hiệu quả.

Cách trị ho có đờm
Chanh là loại quả có công dụng tiêu đờm và các dịch nhày
  • Trà thảo dược

Trà thảo dược giúp bổ sung dưỡng chất vitamin cho cơ thể và kháng viêm, giảm ho hiệu quả. Một số loại trà giảm ho hiệu quả như trà gừng, trà chanh, mật ong, cam thảo.

  • Nước ép củ cải

Theo Đông y củ cải giúp tiêu đờm, chữa khan tiếng. Củ cải trắng gọt vỏ, thái hạt lựu đem ép lấy nước, sử dụng hàng ngày vào buổi tối giúp trị ho nhanh chóng.

  • Gừng

Gừng có tác dụng tiêu đờm, thông mũi, chống lại nhiễm trùng, giảm viêm họng. Sử dụng gừng hiệu quả trong điều trị ho bằng cách cho vài lát gừng tươi vào một ly nước đun sôi ngâm trong một vài phút. Để dễ uống nên bạn có thể thêm một chút mật ong. Nếu chịu cay tốt bạn có thể nhai gừng trực tiếp hoặc sử dụng gừng trong các bữa ăn hàng ngày.

  • Củ nghệ

Nghệ có tính sát trùng có thể trị đờm, tiêu diệt vi khuẩn cải thiện hệ thống miễn dịch. Sử dụng nghệ giúp loãng đờm hiệu quả bằng cách kết hợp một cốc sữa nóng và một thìa cà phê bột nghệ uống mỗi buổi sáng và trước khi đi ngủ; Trộn một chén nước và 1⁄2 muỗng cà phê bột nghệ, uống 2-3 lần mỗi ngày. Trộn một cốc nước nóng, một chút muối và một muỗng canh bột nghệ súc miệng nhiều lần mỗi ngày.

  • Mật ong

Mật ong có tính chống nấm, kháng khuẩn giúp giảm đờm, làm dịu ngứa rát cổ họng thúc đẩy hệ thống miễn dịch. Cách dùng mật ong trong trị ho, long đờm là trộn một muỗng canh mật ong, một ít nhúm bột hạt tiêu đen hay trắng, uống hai lần mỗi tuần hoặc pha nước ấm và mật ong để uống mỗi ngày cũng cho kết quả rất tốt.

Cách trị ho có đờm
Mật ong có tính chống nấm, kháng khuẩn giúp giảm đờm, làm dịu ngứa rát cổ họng thúc đẩy hệ thống miễn dịch

2.2 Các món ăn bổ dưỡng

  • Súp gà/canh gà/cháo gà

Súp, canh hay cháo là những món ăn bổ dưỡng thích hợp cho trẻ đang trong giai đoạn giảm sức đề kháng. Các món ăn này còn giúp dưỡng ẩm đường hô hấp và giảm đờm. Phu huynh nên cho trẻ ăn súp gà hay canh gà, cháo gà 2-3 lần mỗi ngày. Phụ huynh hoàn toàn có thể trộn thịt gà với các thành phần khác như tỏi, gừng giúp long đờm hiệu quả hơn.

  • Rau diếp cá + Nước vo gạo

Theo Đông y, rau diếp cá là loại thảo dược có tính mát giúp thải độc và tiêu đờm. Rau diếp cá giã nhuyễn trộn đều với nước vo gạo đun nhỏ lửa là cách trị ho có đờm "cực nhạy".

  • Cháo hoàng tinh (củ dong)

Cháo hoàng tinh có tác dụng bổ tỳ vị, nhuận tâm phế, bồi bổ sức khỏe. Chuẩn bị 30 gam củ dong, 10 gam gạo thơm. Củ dong đem rửa sạch, cho nước vào nấu sau đó bỏ bã lấy nước trong đem nấu cháo cho trẻ ăn giúp long đờm tốt.

  • Canh rau tần ô (cải cúc)

Theo Đông y, canh tần ô giúp tiêu đờm, đẩy lùi chứng ho lâu ngày. Chuẩn bị 100 gam cải cúc, 200 gam thịt lợn, thịt lợn ướp gia vị vừa đủ đem xào chín, đổ thêm nước đun sôi rồi bỏ cải cúc vào nấu chín. Trẻ vừa có món ăn bổ dưỡng vừa giúp trị bệnh hiệu quả.

  • Canh bí đao thịt vịt

Canh bí đao thịt vịt giúp trị chứng phế âm hư, ho khan, ho có đờm lâu ngày. Món ăn được chế biến như sau: Thịt vịt ướp gia vị, đem xào cho chín sơ, sau đó thêm nước vừa đủ dùng, đun sôi và cho bí đao vào ninh chín.

Lưu ý không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc khi chưa được sự cho phép của bác sĩ. Điều này có thể khiến cho tình trạng của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong trường hợp trẻ bị ho lâu ngày không khỏi cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để khám. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với đội ngũ bác sĩ Nhi và trang thiết bị hiện đại, là địa chỉ được nhiều bậc cha mẹ tin tưởng trong việc điều trị các bệnh cho trẻ, điển hình như ho có đờm, ho khò khè, sốt cao, viêm phổi....

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B , ... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, cảm cúm.

Lysine rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ, Lysine thúc đẩy sản xuất men tiêu hóa để kích thích trẻ ăn ngon hơn và tiêu hóa dễ dàng, hiệu quả, gia tăng chuyển hóa thức ăn, hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng từ thực phẩm.Tăng cường lysine cho bé giúp cơ thể tạo kháng thể, phát triển sức đề kháng giúp làm giảm ho, loãng đờm ở trẻ.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

119.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan